Trẻ em sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 vào cuối năm nay

B. Bình |

Tính đến đầu tháng 9, cả nước đã có 11.822 trẻ em là F0. Bên cạnh đó, tại các địa phương đang phải giãn cách xã hội, nhiều tháng liền trẻ em không được ra khỏi nhà, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần, sang chấn tâm lý.

Ảnh: Hoàng Hải

Ảnh: Hoàng Hải

Chỉ có vắc xin Pfizer đã có thử nghiệm lâm sàng ở trẻ em

Tại hội nghị ngành giáo dục toàn quốc vào cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Y tế tìm nguồn vắc xin tiêm cho trẻ em để trẻ em có thể được đến trường.

Trước đó, TP.HCM cũng có đề nghị tìm nguồn vắc xin để trẻ có thể đến trường từ học kỳ 2 tới đây.

Thông tin về nguồn vắc xin để tiêm cho trẻ, BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong các loại vắc xin Covid-19 đang được tiêm, chỉ có vắc xin Pfizer đã có thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 đến 18 tuổi.

Hãng này cũng đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi. Tại Mỹ, vắc xin này được yêu cầu bổ sung đối tượng cho thử nghiệm lâm sàng trước khi FDA Mỹ thông qua cho nhóm trẻ nhỏ hơn. Tuy nhiên văc xin đã có đủ độ an toàn để tiêm cho trẻ em.

Tại Việt Nam hiện chưa tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em vì số lượng vắc xin còn hạn chế, cần nhắm đến đối tượng nguy cơ cao hơn.

Bên cạnh đó, trẻ em nếu mắc Covid-19 thường có triệu chứng, biến chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn mắc bệnh. Tại nước ta, tỷ lệ bệnh nhi mắc Covid-19 trở nặng và tử vong ở nước ta chưa có.

Giữa tháng 7/2021, Bộ Y tế đã đàm phán với hãng Pfizer và đang làm thủ tục ký cam kết mua thêm 20 triệu liều để tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi. Hiện theo thống kê, nước ta có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này.

Trước đó, Bộ Y tế đã ký thoả thuận mua 31 triệu liều vắc xin Pfizer phòng Covid-19. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, trong quý IV/2021, khoảng 47-50 triệu liều vắc xin này sẽ về Việt Nam.

"Khi ấy chúng ta sẽ tiêm cho trẻ em. Vì nếu không tiêm cho trẻ em thì không thể hoàn thiện lá chắn phòng thủ với Covid-19 cho cộng đồng" - BS Phạm Quang Thái thông tin trên báo Giadinhnet.

Trẻ em sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 vào cuối năm nay - Ảnh 1.

Vaccine Pfizer đã có thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 đến 18 tuổi.

Dự kiến triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em vào quý 4 năm nay

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với Thanh niên, PGS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, nước ta đã ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 là trẻ em, trong đó có cả trẻ nhỏ. Dịch Covid-19 khiến nhiều trẻ em không được đến trường học trực tiếp, ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng tiếp thu kiến thức và sự phát triển của trẻ. Do đó, việc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em nước ta đang được xem xét và ưu tiên.

“Với trẻ nhỏ, Bộ Y tế đã đặt mua vắc xin Pfizer để sớm tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, dự kiến triển khai trong quý 4 năm nay, nếu các đơn vị cung ứng vắc xin thực hiện theo đúng tiến độ cam kết”, PGS Dương Thị Hồng thông tin thêm.

Trẻ em sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 vào cuối năm nay - Ảnh 2.

Quận Thanh Xuân, Hà Nội di dời người dân trong "ổ dịch" phường Thanh Xuân Trung đến vùng an toàn, trong đó có nhiều trẻ em đi cùng gia đình.

Cũng trao đổi với báo trên, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, tính đến đầu tháng 9, cả nước đã có 11.822 trẻ em là F0, 27.334 trẻ em là F1. Tại các địa phương đang phải giãn cách xã hội, nhiều tháng liền trẻ em không được ra khỏi nhà, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần, sang chấn tâm lý. Việc học trực tuyến của các em học sinh không phải nơi nào cũng thuận lợi. Vì vậy, cần có các giải pháp sớm để bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), thông tin thêm: Trẻ e bị lây nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục tăng lên. Tính đến sáng nay, tại TP.HCM, số TE mắc Covid-19 đã tăng lên hơn 3.000 em. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gia tăng do có cha mẹ tử vong vì Covid-19, hiện 250 em mồ cô cha mẹ.

Còn tại Hà Nội, số trẻ mắc Covid từ 0-5 tuổi chiếm 5% số ca mắc. "Rất may chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong, tuy nhiên tại TP.HCM, Bình Dương đã có cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có các ca F0, đa số các em là khuyết tật, sức khỏe yếu, mắc bệnh nền… dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Điều mà chúng tôi lo ngại nữa là nhiều trẻ em bỗng nhiên rơi vào hoàn cảnh không có người thân chăm sóc, nguy cơ sang chấn tâm lý là rất lớn", ông Nam cho biết.

Từ thực tế trên, bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: "Khi Việt Nam có vắc xin cho trẻ em dưới 18 tuổi, chúng tôi sẽ ưu tiên tuyệt đối cho trẻ em".

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại