Phần lớn trẻ em sống trong các trại mồ côi ở Kenya vẫn có cha mẹ còn sống.
Trại trẻ mồ côi: Điểm du lịch?
“Việc sử dụng các trại trẻ mồ côi như Mombasa làm điểm đến du lịch là phi đạo đức và thúc đẩy nạn buôn bán trẻ em.
Các băng nhóm buôn người đang có được nơi trú ẩn an toàn để che giấu hành vi của mình. Điều đáng quan tâm là, ngày càng nhiều du khách tìm đến trại trẻ mồ côi như một điểm đến du lịch.
Du khách coi đó như một phần trải nghiệm quan trọng trong chuyến du lịch đến Kenya”, Michelle Oliel, nhân viên của Stahili - Tổ chức chống lại nạn bóc lột trẻ em ở Kenya nói.
Michelle Oliel nói thêm rằng, cô đến nhiều trại trẻ mồ côi để trải nghiệm thực tế và những gì tận mắt chứng kiến thực sự đau lòng.
“Ngay sau khi nhìn thấy tôi, bọn trẻ bắt đầu nhảy múa và xin tiền từ tôi cũng như những khách du lịch khác. Chúng biết rằng, khách du lịch là những người có tiền”, Oliel nói.
Ước tính, ở Kenya hiện có hơn 800 trại trẻ mồ côi đã đăng ký hoạt động, với khoảng 45.000 trẻ em.
Các nhà nghiên cứu xã hội học cho hay, phần lớn trẻ em trong các trại trẻ mồ côi ở Kenya vẫn có cha mẹ còn sống.
Sophie Otiende, nhân viên của Haart Kenya - Tổ chức từ thiện giúp đỡ trẻ em bị buôn bán vào trại trẻ mồ côi trở lại gia đình và cộng đồng cho biết, cô và các đồng nghiệp của mình đang nỗ lực đấu tranh để ngăn chặn nạn bóc lột trẻ em trong các trại mồ côi.
“Ai cũng cần tiền để đảm bảo cuộc sống nhưng kiếm tiền bằng việc làm phi đạo đức sẽ phải trả giá đắt. Những đứa trẻ bị buôn bán vào trại trẻ mồ côi thường bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng.
Chúng tôi hiện có trung tâm điều trị, tư vấn tâm lý ngắn hạn cho các em bị tổn thương. Tất nhiên, chúng tôi không bao giờ mở cửa trung tâm để chào đón khách du lịch”, Sophie Otiende nói.
Nhà hoạt động nhân quyền Sophie Otiende (phải) và Michelle Oliel đang nỗ lực hỗ trợ nạn nhân trẻ em bị bóc lột trong các trại trẻ mồ côi ở Kenya.
Trẻ em ở trại trẻ mồ côi đến từ những gia đình dễ bị tổn thương
Joseph Mwuwara (20 tuổi), từng bị bán vào trại trẻ mồ côi từ khi còn nhỏ.
Trong một bài phát biểu tại hội nghị do Thomson Reuters Foundation’s Trust tổ chức về nạn buôn người, Joseph Mwuwara đã kể lại cuộc hành trình bị đưa vào trại trẻ mồ côi của mình.
“Khi đó tôi sống cùng bà ngoại. Một hôm, một người lạ đến nhà thuyết phục bà cho chúng tôi đến trại trẻ mồ côi.
Chúng tôi được hứa hẹn về một nền giáo dục, hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy.
Ngày đầu tiên, ngày thứ hai, họ đối xử với anh em tôi khá tốt nhưng sau đó, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Đôi khi tôi phải bỏ học vì tình nguyện viên đến, chỉ để thực hành các bài hát và điệu múa.
Nếu tình nguyện viên hài lòng với những gì chúng tôi đã làm, họ sẽ cho tiền và ngược lại”, Joseph Mwuwara kể lại.
Cuối cùng, Mwuwara đã được đưa trở lại với bà ngoại nhưng tâm lý bị tổn thương sâu sắc sau những gì đã trải qua.
“Bà tôi đã khóc rất nhiều vì hối hận khi nhìn thấy anh em tôi trở về.
Tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Tổ chức từ thiện Stahili. Họ hỗ trợ tôi trong việc đào tạo việc làm, giúp tôi thay đổi cuộc đời”, Joseph Mwuwara nói.
“Có những người chuyên tìm kiếm trẻ em cho các trại trẻ mồ côi từ gia đình dễ bị tổn thương.
Chiêu bài phổ biến là các gia đình được hứa hẹn rằng, con em họ sẽ được chu cấp kinh phí học tập, thực phẩm và đảm bảo an ninh.
Đây là điều tất yếu xảy ra khi nhiều gia đình ở Kenya đang sống trong tình trạng nghèo đói trong khi hệ thống an sinh xã hội chưa được đảm bảo”, Sophie Otiende cho biết.