Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý. Tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 12-14/7, sẽ cho ý kiến về dự án Luật này.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi đề xuất trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước ô tô
Theo cơ quan soạn thảo, luật này quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về TTATGT đường bộ; quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ.
Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ. Xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông là lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT đường bộ và chịu trách nhiệm tham mưu với cấp có thẩm quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ.
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về TTATGT đường bộ trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.
Đồng thời, chịu trách nhiệm trong quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ, phát triển phương tiện giao thông đường bộ; trong quản lý vận tải đường bộ và quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước ô tô
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ quy định, người điều khiển phương tiện có trách nhiệm chấp hành việc dừng phương tiện và kiểm soát của lực lượng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; có quyền khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm của người thực thi công vụ theo quy định của pháp luật.
Tại điều 9 của dự thảo luật quy định trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi có nhiều quy định rõ ràng hơn.
Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Về việc sử dụng tín hiệu còi, dự thảo luật nêu rõ, chỉ được sử dụng tín hiệu còi của phương tiện trong các trường hợp báo hiệu cho người đi bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi xuất hiện tình huống có thể mất an toàn giao thông; báo hiệu chuẩn bị vượt xe.
Không sử dụng còi liên tục; không sử dụng còi trong thời gian từ 22h - 5h sáng hôm sau trong đô thị, khu đông dân cư và khu vực cơ sở điều trị bệnh, trạm cấp cứu, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của luật này.
Quyền hạn của cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát
Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc trường hợp quy định tại Điều 55 Luật này để kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa, hành lý, giấy tờ của phương tiện và người điều khiển phương tiện nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp thông tin giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì thực hiện kiểm soát các thông tin giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử.
Cảnh sát xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông theo quy định tại Điều 57 Luật này.
Ngoài ra, được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật.