Trâu bò liên tiếp chết vì giá rét, người dân "nuốt nước mắt" xẻ thịt bán rẻ gỡ gạc ít vốn

Ngọc Tú |

Chỉ trong mấy ngày qua, ở 3 huyện miền núi cao của Nghệ An đã có gần 500 con trâu bò bị chết do rét. Để gỡ gạc chút vốn, người dân đành xẻ thịt đem bán rẻ.

Gần 5 ngày qua, nhiều huyện ở Nghệ An liên tục xảy ra tình trạng mưa và giá rét. Nền nhiệt xuống rất thấp, nhiều nơi xuống dưới 3 độ C. Trong hai ngày 22 và 23/2, trời đã tạnh mưa nhưng ở các huyện miền núi cao nhiệt độ vẫn còn thấp chỉ khoảng 5-10 độC.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nếu trong ngày 21/2 huyện này ghi nhận 50 con trâu bò bị chết do giá rét thì đến ngày 23/2 con số đã tăng lên gấp hơn 5 lần, là 261 con.

Trâu bò liên tiếp chết vì giá rét, người dân nuốt nước mắt xẻ thịt bán rẻ gỡ gạc ít vốn - Ảnh 1.

Trời lạnh, người dân phải đốt củi sưởi ấm cho trâu bò.

Tình trạng trâu bò chết xảy ra nhiều tại các xã Na Ngoi, Huồi Tụ, Chiêu Lưu, Tây Sơn, Phà Đánh...

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến trâu bò chết nhiều do người dân thường nuôi thả rông trên rừng. Khi nhiệt độ xuống thấp, trâu bò trong rừng không có ăn và không có chỗ trú nên đói rét và chết.

Tại huyện Quế Phong, hơn 1 tuần qua xảy ra tình trạng mưa nặng hạt và rét đậm, rét hại trên diện rộng. Nhiệt độ thấp nhất xảy ra tại khu vực đồi núi cao như Pà Khốm, Huổi Mới (xã Tri Lễ) và một số bản của xã Nậm Nhóng. Nhiệt độ ban ngày duy trì vào khoảng 5- 6 độ C, nhưng ban đêm nhiệt độ xuống thấp hơn 2-3 độ.

Trâu bò liên tiếp chết vì giá rét, người dân nuốt nước mắt xẻ thịt bán rẻ gỡ gạc ít vốn - Ảnh 2.

Các chiến sỹ đồn biên phòng giúp người dân các huyện ở Nghệ An căng bạt, che kín chuồng trại cho gia súc tránh rét.

Cũng chính vì thế mà trâu bò của các hộ dân dù đã được đưa về trang trại, chuồng, nhưng đã có hơn 172 con trâu bò bị chết. Số trâu bò chết chủ yếu là bê nghé hoặc trâu bò già yếu.

Theo thống kê, huyện Quế Phong hiện có hơn 37.000 con trâu bò. Hiện huyện này đã có công văn về ứng phó với không khí lạnh rét đậm rét hại trên diện rộng, tuyên truyền đến bà con, không chăn thả trâu bò vào những ngày rét đậm như vừa qua. Đồng thời dùng các biện pháp chắn chuồng trại, sưởi ấm, kiếm thức ăn cho trâu bò trong những ngày này.

Các chiến sỹ biên phòng giúp người dân đốt lửa sưởi ấm cho trâu bò vượt qua giá rét.

Anh Lương Văn Nánh (SN 1982, trú xã Tri Lễ, Quế Phong) cho biết, gia đình anh có tất cả 9 con bò được thả rông trên rừng, rẫy cách nhà hơn 9km. 4 ngày trước, trời trở lạnh nhưng anh không nghĩ nhiệt độ xuống thấp kỷ lục như vậy nên không lùa về. Đến khi anh vào rừng kiểm tra thì đã thấy 4 con bò của gia đình bị chết.

"Mấy con bò là cả gia tài của nhà tôi. 4 con bị chết thiệt hại khoảng 25 triệu đồng. Làm cả mấy năm cũng không tích góp được từng đó. Mấy hôm nay trời lạnh quá, người cũng không chịu nổi chứ nói gì đến trâu bò", anh Nánh nói và cho biết, sau khi bò chết gia đình anh đành xẻ thị bán rẻ cho người dân để vớt vát ít đồng vốn.

Cũng như gia đình anh Nánh, nhiều hộ gia đình khác khi trâu bò chết cũng đành phải xẻ thịt để bán rẻ mong vớt vát được đồng tiền vốn nào thì hay đồng đó.

Trâu bò liên tiếp chết vì giá rét, người dân nuốt nước mắt xẻ thịt bán rẻ gỡ gạc ít vốn - Ảnh 4.

Lãnh đạo UBND huyện Quế Phong đi kiểm tra công tác phòng chống giá rét cho gia súc trên địa bàn.

Tại huyện miền núi Quỳ Châu hiện đã có 56 con trâu bò bị chết trong đợt rét kỷ lục 5 ngày qua. Số lượng trâu, bò bị chết rét xảy ra ở các xã Châu Thắng, Châu Hội, Châu Thuận, Diên Lãm, Châu Phong.

Chỉ tính riêng 3 huyện miền núi Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong đã có gần 500 con trâu bò bị chết. Tình trạng trâu bò chết do rét cũng diễn ra lẻ tẻ ở một số huyện khác.

Trâu bò liên tiếp chết vì giá rét, người dân nuốt nước mắt xẻ thịt bán rẻ gỡ gạc ít vốn - Ảnh 5.

Dù người dân thực hiện nhiều biện pháp nhưng tình trạng trâu bò chết do giá rét vẫn tiếp tục diễn ra.

Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục tuyền truyền, đôn đốc người dân lùa trâu bò về chuồng, che chắn chuồng trại, làm áo ấm và cho trâu bò ăn cháo muối, nước gừng ấm để giữ nhiệt trong những ngày lạnh giá.

Bên cạnh đó, nhiều xã thành lập các Tổ nông vụ để giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình khó khăn, neo người, giúp các gia đình có F0, F1 chăm sóc trâu bò.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại