Trật tự thế giới mới và sự nổi lên của các nước tầm trung

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) |

Xung đột Nga – Ukraine nổ ra, đối đầu Nga – phương Tây gia tăng và căng thẳng Mỹ - Trung leo thang đang dẫn đến những thay đổi trong trật tự thế giới cũng như định hình lại vai trò của các nước tầm trung.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine trong năm nay đã đặt dấu chấm hết cho giai đoạn hòa giải giữa Nga và phương Tây hậu Chiến tranh Lạnh. Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc cũng gia tăng với những căng thẳng liên quan đến vấn đề Đài Loan và việc Washington thắt chặt xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Cuộc đối đầu nước lớn đã quay trở lại.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan trao đổi với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nusa Dua, Bali tháng 11/2022. Ảnh: Getty

Thậm chí, những quốc gia không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cũng như không áp hạn chế thương mại với Nga và Trung Quốc, cũng phải lo ngại. Cuộc xung đột ở Ukraine với những diễn biến khó lường khiến các nhà quan sát không loại trừ nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt kinh tế mà các bên áp đặt lẫn nhau cũng đe dọa dòng chảy đầu tư và thương mại trên thế giới.

Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa liên minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu với Nga và Trung Quốc đã mang đến những mối đe dọa cũng như cơ hội cho các quốc gia tầm trung. Trong nỗ lực hướng các vấn đề thế giới theo lập trường của mình, Washington, Brussels, Bắc Kinh và Moscow phải chú ý hơn đến các quốc gia trung lập như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Indonesia và Nam Phi.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chịu nhiều sức ép trong nước nhưng trên trường quốc tế ông đã xoay xở để duy trì khéo léo vị thế của mình. Bất chấp việc là một thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia vào các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây. Chính quyền Tổng thống Erdogan thậm chí đã cản trở việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời tìm kiếm những nhượng bộ từ các đồng minh trong các vấn đề liên quan đến lợi ích của mình.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng về địa chính trị trong cuộc xung đột ở Ukraine giúp Ankara đạt được những ảnh hưởng nhất định. Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian hòa giải cho thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen, ngăn chặn lạm phát giá lương thực trên thế giới. Ngoài ra, quốc gia này cũng có thể đóng vai trò đáng kể trong những cuộc đàm phán hòa bình tương lai.

Giá năng lượng tăng cao do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine cũng làm gia tăng ảnh hưởng của Saudi Arabia. Mùa hè vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm tới thủ đô Riyadh của nước này và trong những tuần gần đây, Saudi Arabia cũng vừa tiếp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong khi đó, Ấn Độ, với nguyện vọng thực tế là trở thành một trong những cường quốc thế giới trong thế kỷ này cũng lựa chọn cân bằng trong quan hệ với các nước lớn. New Delhi có lẽ khiến một số nước phương Tây không hài lòng khi nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ Nga nhưng Ấn Độ hiểu rõ nước này có thể tránh được các biện pháp đáp trả bởi Ấn Độ có vai trò quan trọng trong nỗ lực của phương Tây để cân bằng quyền lực với Trung Quốc.

Trên thực tế, phương Tây không thể phớt lờ các quốc gia tầm trung trong G20. Sức mạnh kinh tế gia tăng của các nước này đồng nghĩa với việc họ có vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hình các quy tắc về thương mại, công nghệ, trừng phạt và quy chuẩn quốc tế. Tuyên bố của G20 sau Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 11 tại Indonesia không thể đạt được lập trường chung về việc chỉ trích Nga đã cho thấy ảnh hưởng của các nước tầm trung ở Bán cầu Nam.

Dù vậy, bản thân những quốc gia tầm trung này cũng cần suy nghĩ cẩn thận về lập trường của mình. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Ấn Độ hay các nước vùng Vịnh đều đang cố gắng khai thác lợi ích đạt được trong quan hệ với các nước lớn, nhưng cũng đồng thời tránh chỉ trích hay đứng về phía bất kỳ bên nào./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại