Con gái út cựu Thủ tướng Thaksin - ứng cử viên hàng đầu cho chức Thủ tướng Thái

Kiệt Linh |

Theo một cuộc thăm dò dư luận vừa được công bố, con gái út của tỷ phú cũng là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vẫn là lựa chọn hàng đầu cho vị trí Thủ tướng Thái Lan trong cuộc bầu cử sắp tới.

Bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Ảnh: AP.

Bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Ảnh: AP.

Bà Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, có cha là cựu Thủ tướng Thaksin và dì cũng là cựu Thủ tướng Yingluck. Cả ông Thaksin và bà Yingluck đều lãnh đạo các chính phủ do dân bầu lên nhưng lại bị lật đổ trong các cuộc đảo chính. Theo kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (NIDA), bà Paetongtarn Shinawatra đang là lựa chọn hàng đầu của 34% số người được hỏi.

Tỷ lệ ủng hộ bà Paetongtarn tăng mạnh từ 21,6% so với cuộc thăm dò hồi tháng 9, khi đa số được khảo sát vẫn chưa đưa ra quyết định. NIDA đã thăm dò ý kiến ​​của 2.000 người trong độ tuổi bầu cử từ ngày 17 đến ngày 22/12.

Theo ủy ban bầu của của Thái Lan, nước này sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử vào tháng 5 năm sau. Tuy nhiên, đến nay chưa có ngày nào được ấn định.

Được biết đến nhiều nhất với biệt danh "Ung Ing", bà Paetongtarn đang nắm giữ vị trí điều hành Đảng Pheu Thai. Đảng này vẫn chưa chọn bà làm ứng cử viên Thủ tướng cho cuộc bầu cử sắp tới.

Cái tên Shinawatra đã chứng tỏ sức hút lớn trong cuộc bầu cử ở Thái Lan kể từ năm 2001. Nhờ vào các chính sách dân túy, cựu Thủ tướng Thaksin và sau này là cựu Thủ tướng Yingluck cùng với các đồng minh của họ giành được hàng chục triệu phiếu bầu từ tầng lớp lao động nghèo ở nông thôn và thành thị trong các cuộc bỏ phiếu từ năm 2001 đến 2011.

Những người được hỏi trong cuộc thăm dò của NIDA đều nói rằng họ ủng hộ bà Paetongtarn là vì "các chính sách của đảng và những thành tựu trước đây của gia đình Shinawatra."

Tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm Thái Lan Prayuth cũng được cải thiện, lên 14,05% từ mức 10,1% so với lần thăm dò trước, theo NIDA. Ông Prayuth nắm quyền từ năm 2014, khi với tư cách là người đứng đầu quân đội, ông đã lãnh đạo một cuộc đảo chính chống lại chính phủ do bà Yingluck điều hành.

Ông Thaksin và bà Yingluck đã phải sống lưu vong để tránh án tù do tòa án tuyên trong thời kỳ nắm quyền của quân đội.

Lãnh đạo đảng Tiến lên đối lập Pita Limjaroenrat đứng thứ ba trong cuộc thăm dò với 13,25% phiếu ủng hộ, trong khi 8,25% người được hỏi chưa quyết định về lựa chọn của họ.

Thái Lan từng rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị kéo dài hơn một thập kỷ. Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ cuộc đối đầu gay gắt và không khoan nhượng giữa một bên là lực lượng áo vàng chống cựu Thủ tướng Thaksin và bên kia là lực lượng áo đỏ ủng hộ ông này cũng như các đồng minh của ông.

Mặc dù ông Thaksin đã rời xa chính trường và đã phải đi sống lưu vong ở nước ngoài kể từ sau khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006 nhưng vị cựu chính khách này vẫn là một nhân vật đầy ảnh hưởng và quyền lực trên chính trường Thái Lan.

Ông Thaksin là nguyên nhân chính gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Thái Lan. Trong khi cựu Thủ tướng Thaksin bị các tầng lớp hoàng gia, trung lưu và thành thị ghét cay ghét đắng thì ông này lại rất được lòng người dân ở các vùng nông thôn. Nhờ một loạt chính sách dân túy làm lợi cho người dân nghèo, người dân nông thôn, ông Thaksin đã xây dựng cho mình một lực lượng ủng hộ rộng khắp, chiếm đa số trong dân chúng Thái Lan. Đó là lý do khiến ông cùng với các đồng minh của mình giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử được tổ chức kể từ năm 2001 đến giờ. Tuy nhiên, mỗi lần một chính phủ thân Thaksin lên cầm quyền thì sớm muộn đều bị lực lượng áo vàng lật đổ bằng cách này hay cách khác.

Không rõ cuộc bầu cử ở Thái Lan vào tháng năm tới liệu có đi vào vết xe đổ của các cuộc bầu cử trước đó hay không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại