Trào lưu Mukbang ở Trung Quốc: Từ nổi tiếng ảo với chiêu trò tinh vi đến sự lãng phí thức ăn đã "bóp chết" những người làm nghề chân chính

HY LI |

Dư luận hiện tại vô cùng phẫn nộ và lên án kịch liệt những blogger ăn uống không ngần ngại dùng thủ thuật để kiếm tiền.

Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), khoảng 1/3 lượng lương thực trên thế giới bị thất thoát và lãng phí mỗi năm, tổng cộng khoảng 1,3 tỷ tấn mỗi năm. 

Và vì thế đã dẫn đến tình trạng có ít nhất 820 triệu người trên thế giới phải đối mặt với nạn đói, điều này tương đương với việc cứ 9 người sẽ có 1 người chịu đói.

Mới đây, đài truyền hình CCTV (Trung Quốc) đã làm một bài phóng sự chỉ trích sự lãng phí của các Mukbang. 

Theo lời quảng cáo ban đầu của các Mukbang này, một người có thể ăn sạch sẽ lượng thức ăn của 10 người. Nhưng những Mukbang này có thật sự tài giỏi đến thế?

Mukbang là thuật ngữ tiếng Hàn chỉ những người ăn uống trước máy quay phim, phổ biến ở Hàn Quốc từ năm 2010 và dần lan rộng khắp thế giới, trở thành một xu hướng toàn cầu. 

Tại Trung Quốc, họ được gọi là "Đại vị vương" (大胃王) hay blogger ăn uống (Food blogger).

Trào lưu Mukbang ở Trung Quốc: Từ nổi tiếng ảo với chiêu trò tinh vi đến sự lãng phí thức ăn đã bóp chết những người làm nghề chân chính - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Vào tháng 5/2016, một blogger ăn uống Trung Quốc tên là Mật Tử Quân đã đăng tải video ăn 10 thùng mì gà cay (Hot Chicken Flavor Ramen) trong 16 phút 20 giây. 

Với nhiều người, ăn mì gà cay là một thử thách lớn, huống chi là ăn đến 10 thùng mì liên tiếp.

Mật Tử Quân ngay lập tức đã khiến hàng loạt cư dân mạng bái phục và nhận về hơn 1,7 triệu lượt xem. Kể từ đó, trào lưu này ngày càng phát triển ở Trung Quốc.

Bạn có thể ăn một vài bát mì Lương bì nhưng một blogger ăn uống có thể dễ dàng ăn hết 10 bát. Bạn có thể ăn nửa kg tôm hùm là đủ nhưng một blogger ăn uống có thể xử lý sạch sẽ cả 25kg tôm hùm chất cao như núi. 

Ngoài ra, họ còn có loạt thử thách lớn như ăn 10 con gà nướng, 30 thau bún, 100 miếng gà rán, 200 cái sủi cảo, 1000 con cua lớn, 1222 xiên que,...

Sự đánh đổi giữa sức khỏe và tiền bạc, danh vọng

Để thu hút lượng người xem lớn, blogger ăn uống không chỉ phải ăn khối lượng thức ăn lớn mà còn phải tìm cách có được những chi tiết "giật gân" mà các đồng nghiệp khó có thể làm theo: Cố gắng ăn món thật cay nồng và để lộ đôi môi sưng tấy; ăn thịt ếch sống; ngâm chân vào "thuyền" mì rồi dùng tay vớt mì lên ăn;...

Trào lưu Mukbang ở Trung Quốc: Từ nổi tiếng ảo với chiêu trò tinh vi đến sự lãng phí thức ăn đã bóp chết những người làm nghề chân chính - Ảnh 3.

Một blogger ăn uống thực hiện trải nghiệm kỳ quái.

Chắc chắn người xem sẽ luôn thắc mắc tại sao họ lại có thể ăn nhiều như thế, dường như họ có 3, 4 dạ dày trong cơ thể. 

Thực tế, trên thế giới có nhiều người kỳ lạ như thế. Chẳng hạn như Yuka Kinoshita, một blogger ăn uống nổi tiếng ở Nhật Bản. Cô có thể ăn 100 miếng sushi, tức là phần ăn gấp 9 lần người bình thường.

Lúc đói, dạ dày của Yuka Kinoshita chỉ lớn hơn mức trung bình một chút nhưng sau khi ăn 100 miếng sushi thì dạ dày cô sẽ to lên 66 lần so với kích thước ban đầu.

Tuy nhiên, trên thế gian này chỉ có số ít người có khả năng đó. Hầu hết những video ăn uống được đăng tải lên internet đều đã bị "động tay động chân", chủ yếu là chỉnh sửa video và nôn bỏ thức ăn.

Chẳng hạn như khi ăn 10 con gà nướng, trên thực tế các blogger ăn uống chỉ nhai rồi nhổ ra, thậm chí có người còn thẳng tay vứt thức ăn đi. 

Sau đó, bộ phận hậu kỳ sẽ cắt ghép các đoạn video để mang lại cảm giác ăn từ đầu đến miếng thức ăn cuối cùng.

Video có thể chỉnh sửa còn phát sóng trực tiếp cũng có thể làm giả, nhưng lúc này những blogger ăn uống sẽ có cảm giác khó chịu hơn. 

Khán giả có thể khắt khe đến chừng nào thì cũng không thể cấm các blogger không được đi vệ sinh giữa buổi phát sóng trực tiếp kéo dài vài tiếng đồng hồ. 

Lợi dụng những kẽ hở này, họ sẽ vào nhà vệ sinh dùng ngón tay ấn vào gốc lưỡi để gây nôn.

Cũng có người nhờ vào một công cụ dài hơn 40cm, họ đặt ống này nối giữa cổ họng và dạ dày để có thể dễ dàng lấy đi những thứ vừa ăn trước đó.

Trào lưu Mukbang ở Trung Quốc: Từ nổi tiếng ảo với chiêu trò tinh vi đến sự lãng phí thức ăn đã bóp chết những người làm nghề chân chính - Ảnh 4.

Blogger ăn uống Dư Đa Đa hiện có hơn 243 nghìn lượt theo dõi trên Youtube.

Nếu đã đau đớn như thế thì tại sao ngày càng có nhiều người dấn thân vào công việc này? Tất nhiên là vì tiền.

Thời gian trôi qua, thị hiếu của người xem cũng không ngừng thay đổi. Và khi đã chọn trở thành blogger ăn uống thì phải cần liên tục đổi mới để thu hút lượt xem. Một khi có được lượng người xem lớn thì có thể thu về một số tiền khổng lồ.

Chẳng hạn như Mật Tử Quân, trong năm 2018 cô có khoản thu nhập lên đến 7 triệu nhân dân tệ (23.4 tỷ VND theo tỷ giá hiện tại). 

Các blogger ăn uống nổi tiếng tại Trung Quốc như Lãng Vị Tiên hay Đóa Nhất cũng có thể dễ dàng kiếm được hàng triệu nhân dân tệ mỗi năm.

Hiện tại, mỗi video của Mật Tử Quân trung bình có hơn 60 nghìn lượt thích và gần 3 triệu lượt xem. 

Theo điều tra của tờ Beijing News trên một nền tảng quảng cáo, giá một đơn hàng quảng cáo hiện tại của Mật Tử Quân trong 20s là hơn 320 nghìn nhân dân tệ (hơn 1 tỷ VND).

Tính đến ngày 16/8/2020, Mật Tử Quân đã nhận được 38 đơn hàng với giá trị hơn 10 triệu nhân dân tệ (gần 33.5 tỷ VND). Hơn nữa, đây chỉ là dữ liệu của một nền tảng quảng cáo, mỗi blogger ăn uống có thể hợp tác với nhiều nền tảng khác nhau.

Bi kịch của những người làm nghề chân chính

Tuy nhiên, sự cạnh tranh quá mức có thể ảnh hưởng đến nhiều công ty khác, thậm chí là phá hủy cả một ngành công nghiệp. Blogger ăn uống dùng thủ thuật còn tệ hơn cả tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Mặc dù dạ dày có khác thường đến thế nào thì cũng luôn có giới hạn. Rất nhiều blogger ăn uống phải dùng đến thủ thuật để phá những kỷ lục trong nghề. 

Điều này đã trực tiếp dẫn đến tình trạng "Tiền xấu đuổi tiền tốt" (Định luật Gresham), nghĩa là những điều tốt đẹp sẽ bị loại bỏ bởi những vấn đề tiêu cực. Rất nhiều blogger ăn uống chân chính đã phải lặng lẽ kết thúc sự nghiệp.

Một thời gian trước đây, tại Trung Quốc có một nữ blogger ăn uống tên là Cung Dịch Manh, cô luôn theo nghề một cách chân thực nhất có thể. 

Tuy nhiên dưới ảnh hưởng của những đồng nghiệp cực đoạn, blogger ăn uống chân chính từ lâu đã không còn làm hài lòng khán giả nữa và ngày càng mất chỗ đứng trong thị trường.

Trào lưu Mukbang ở Trung Quốc: Từ nổi tiếng ảo với chiêu trò tinh vi đến sự lãng phí thức ăn đã bóp chết những người làm nghề chân chính - Ảnh 6.

Blogger ăn uống tên là Cung Dịch Manh.

Chi phí thực phẩm đều là tiền túi của Cung Dịch Manh, mỗi buổi phát sóng tiêu tốn 5 nghìn - 6 nghìn nhân dân tệ (17 - 20 triệu đồng). 

Nhưng hoạt động lâu dài mà cô gái trẻ không thể tạo ra lợi nhuận mà thay vào đó là khoản nợ 260 nghìn nhân dân tệ (870 triệu đồng). 

Và một điều bi kịch hơn là, không những không kiếm được tiền lại còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Cơ thể mỗi người cũng giống một chiếc máy tính, chơi hàng chục trò chơi cùng lúc sẽ khiến CPU xuống cấp và dễ gặp sự cố. 

Ăn uống quá độ trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể mũm mĩm hơn, dẫn đến các bệnh trạng như gan nhiễm mỡ, tiểu đường, tăng huyết áp,...

Dung tích dạ dày của một người trưởng thành khoảng 1.4 nghìn ml đối với nam và 1.2 nghìn ml đối với nữ, có thể chứa khoảng 3kg thức ăn. 

Nếu tiếp tục đưa vào cơ thể lượng thực phẩm khác sẽ khiến dạ dày hoạt động kém đi, có thể dẫn đến khó tiêu, viêm tụy cấp tính hoặc thậm chí là vỡ dạ dày.

Ngay cả khi nôn ra sau khi ăn thì cơ thể cũng sẽ bị tổn thương, bởi axit trong dạ dày sẽ làm mòn răng và bỏng thực quản khi nôn ra.

Hậu quả kinh khủng nhất là một sinh mạng đã khép lại.

Trào lưu Mukbang ở Trung Quốc: Từ nổi tiếng ảo với chiêu trò tinh vi đến sự lãng phí thức ăn đã bóp chết những người làm nghề chân chính - Ảnh 8.

Blogger ăn uống nổi tiếng Bối Lạp.

Tháng 6/2020, một blogger ăn uống họ Vương đến từ Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh) đã bất tỉnh khi đang ăn một bát thịt heo kho tộ và tử vong 1 tuần sau đó. 

Được biết chỉ sau nửa năm theo nghề, cân nặng của anh đã tăng vọt từ 100kg lên 140kg.

Bác sĩ cho biết, anh Vương chết do xuất huyết não, huyết áp và lipit máu quá cao. Mặc dù anh uống thuốc hỗ trợ thường xuyên nhưng vì luôn phải ăn số lượng thức ăn quá lớn trong lúc phát sóng trực tiếp nên cơ thể ngày càng suy yếu.

Sự lãng phí thức ăn một cách đáng xấu hổ

Cách đây không lâu, Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo Trái đất có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực kinh khủng nhất trong 50 năm, tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng đã xảy ra tại 25 quốc gia. 

Tại khu ổ chuột lớn nhất Kenya, người dân bất chấp dịch bệnh đang hoành hành mà chỉ đấu tranh để có được viện trợ thực phẩm.

Mặc dù Trung Quốc sẽ không khan hiếm lương thực nhưng trên thực tế, họ không có đủ thức ăn. 

Trong một cuộc phỏng vấn, nhà nông học Viên Long Bình cho biết, dân số Trung Quốc gần 1,4 tỷ người nhưng không có đủ lương thực, buộc phải nhập khẩu nhưng cũng chỉ nhập khẩu một phần thôi. 

Chẳng hạn như, người Trung Quốc thích ăn đậu hủ nhưng không đủ đậu này, do đó phải nhập khẩu 70 - 80 triệu tấn đậu nành mỗi năm.

Ông Viên Long Bình thẳng thắn chia sẻ: "Một hạt ngũ cốc có thể cứu một đất nước cũng có thể làm hỏng một đất nước, đó là sự quan trọng của lương thực. 

Trong nạn đói những năm 1960, tôi từng chứng kiến rất nhiều người chết vì đói. Người ăn mày sẽ phải xin xỏ ai khi tất cả mọi người đều không có gì để ăn?".

Hiện tại, dư luận vô cùng phẫn nộ và lên án kịch liệt những blogger ăn uống không ngần ngại dùng thủ thuật để kiếm tiền. Họ đã làm náo loạn một ngành công nghiệp và gây ra sự thất thoát lương thực khổng lồ.

Trân trọng lương thực không chỉ là yêu thương bản thân mình mà cũng là sự yêu thương những người xung quanh. Còn rất nhiều người đói khát ở các góc khuất mà chúng ta khó có thể nhìn thấy được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại