Tranh luận Macron - Le Pen: Cân bằng hơn nhưng khó tạo bước ngoặt quyết định

Quang Dũng |

Cuộc tranh luận trên truyền hình tối 20/4 giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bà Le Pen được cho là sẽ tác động rất lớn tới sự quyết định của cử tri Pháp trước thềm vòng 2 cuộc bầu cử.

Ông Macron và bà Le Pen trong cuộc tranh luận tối 20/4. Ảnh: Le Monde

Ông Macron và bà Le Pen trong cuộc tranh luận tối 20/4. Ảnh: Le Monde

Dư luận Pháp về cuộc tranh luận

Cuộc tranh luận trên truyền hình giữa 2 ứng cử viên: đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia”, bà Marine Le Pen, bắt đầu vào 21h tối 20/04 (theo giờ Paris) và kéo dài gần 3 tiếng. Hai ứng cử viên đã bắt đầu cuộc tranh luận bằng chủ đề thu hút sự quan tâm lớn nhất hiện nay của các cử tri Pháp là sức mua, tiếp đến là về các vấn đề quốc tế, bao gồm cuộc chiến tại Ukraine, chính sách của Pháp đối với Nga, về quan điểm của Pháp với tiến trình hội nhập và phát triển Liên minh châu Âu (EU). Tiếp theo là các chủ đề về y tế, cải cách hưu trí, môi trường, năng lượng, giáo dục, an ninh, nhập cư.

Về tổng thể, qua những gì đã thể hiện thì có thể thấy đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn là người nắm giữ thế chủ động trong tranh luận. Khác với cách đây 5 năm, trong lần tranh luận này bà Marine Le Pen đã rất tập trung và cố gắng giữ một hình ảnh ôn hoà, điềm tĩnh hơn.

Tuy nhiên, có lẽ chính việc quá ý thức đến việc phải giữ hình ảnh nên bà Marine Le Pen đã khởi đầu cuộc tranh luận một cách tương đối căng thẳng. Sự căng thẳng này thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể và qua cả việc bà Marine Le Pen phát triển các luận điểm của mình một cách tương đối chậm, đôi khi quá ngập ngừng và không tạo được điểm nhấn trong cả ngôn ngữ lẫn hình thức thể hiện. Trong 30-45 phút đầu của cuộc tranh luận, có thể nói là bà Marine Le Pen đã rơi vào thế bị động, phản ứng một cách thụ động trước các luận điểm của ông Macron và không áp đặt được các quan điểm của mình.

Cụ thể, trong chủ đề cử tri Pháp quan tâm nhất là sức mua, bà Marine Le Pen nêu giải pháp của mình là cắt giảm thuế VAT từ mức 20% hiện nay xuống còn 5,5% đối với mặt hàng năng lượng nhưng không nêu được giải pháp tài chính bù đắp cho sự cắt giảm thuế, cũng như không giải thích được tại sao lại bỏ phiếu chống vào năm ngoái nhưng nay lại ủng hộ chính sách “lá chắn giá”, tức việc áp đặt giá trần đối với nhiên liệu mà chính phủ Pháp đang áp dụng. Đây có thể xem là một sự mất điểm đáng tiếc của bà Le Pen bởi chính nhờ chủ đề này mà bà Le Pen đã tiến rất nhanh trong thời gian qua, nhưng khi đối mặt với ông Macron thì bà Le Pen lại không thể áp đặt được quan điểm.

Đối với chủ đề tiếp theo là cuộc chiến tại Ukraine và vai trò của châu Âu, vốn là thế mạnh của ông Macron, bà Marine Le Pen cũng không bảo vệ được một cách mạnh mẽ quan điểm của mình về việc nước Pháp cần xử lý quan hệ với Nga ra sao, thay vào đó lại phải dành phần lớn thời gian để bác bỏ chỉ trích của ông Macron rằng đảng “Tập hợp quốc gia” của bà phụ thuộc tài chính vào Nga thông qua các khoản vay từ một ngân hàng Nga cách đây vài năm nên không thể có quan điểm chính trị độc lập.

Khi được hỏi về việc có ủng hộ việc nước Pháp tiếp tục ở lại trong liên minh châu Âu – EU và coi trọng quan hệ mang tính dẫn dắt của bộ đôi Pháp-Đức hay không, bà Marine Le Pen đã phủ nhận việc muốn đưa nước Pháp ra khỏi EU, nhưng cho rằng ông Macron coi trọng chủ quyền châu Âu hơn chủ quyền nước Pháp nên cần phải thay đổi các Hiệp ước của châu Âu để kiểm soát tốt hơn biên giới và lượng lao động từ các nước Đông Âu tràn sang nước Pháp.

Phải đến các chủ đề sau như năng lượng, giáo duc, và đặc biệt là an ninh, nhập cư, trưng cầu ý dân bà Marine Le Pen mới dần lấy lại sự cân bằng và phần nào có được sự chủ động. Nhìn chung, về tổng thể, bà Marine Le Pen đã làm tốt hơn nhiều năm 2017, tránh được những vấp váp đáng tiếc nhưng không thể nói là đã có một cuộc tranh luận nổi bật.

Ông Macron vẫn là người giữ thế chủ động, có chiến lược tranh luận tinh vi hơn, thể hiện một thái độ áp đảo, thậm chí có thể gọi là ngạo mạn hơn, và cũng hiểu rõ các hồ sơ tranh luận hơn. Điều đáng nói hơn nữa, đó là trong cuộc tranh luận này, dường như ông Macron và bà Marine Le Pen lại đổi vai trò, khi ông Macron mới là người chủ động tấn công các luận điểm của bà Le Pen hơn là điều ngược lại. Vì thế, nếu nói về chất lượng tranh luận, ông Macron có thể xem là chiếm ưu thế hơn bà Le Pen nhưng về thái độ thể hiện thì chưa chắc nhiều cử tri Pháp đã thích cách mà ông Macron thể hiện.

Chiến thuật của các ứng cử viên

Đa số cử tri Pháp đã bầu cho ông Jean-Luc Mélenchon tại vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hôm 10/04 là những lao động bình dân, những người nghèo hay giới trẻ bởi ông Mélenchon theo đuổi một đường lối thiên tả, rất chú trọng đến các chính sách an sinh xã hội.

Trong cuộc tranh luận giữa ông Macron và bà Le Pen, cả hai đều đã ít nhiều lấy lại một số chiến lược tranh cử của ông Mélenchon nhằm lôi kéo thêm các cử tri đang lưỡng lự bên cánh tả. Với bà Marine Le Pen là việc giảm thuế VAT nhằm tăng sức mua cho người dân, giúp người dân tiết kiệm thêm từ 100-150 euro mỗi tháng, đầu tư 20 tỷ euro cho lĩnh vực y tế, giữ độ tuổi về hưu chỉ ở mức 60 đến 62 tuổi.

Đối với ông Macron, ý định lôi kéo các cử tri của ông Mélenchon thể hiện rõ nhất ở việc tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực môi trường trong các cuộc mít tinh tranh cử trong tuần qua, với một loạt các hứa hẹn về sinh thái như giao Thủ tướng phụ trách trực tiếp lĩnh vực môi trường, tạo thêm 2 bộ phụ trách việc hoạch định chiến lược năng lượng và sinh thái. Ông Macron cũng thể hiện sự mềm dẻo hơn trong vấn đề cải cách hưu trí khi không còn kiên quyết giữ độ tuổi về hưu là 65 tuổi, cũng như công kích rất mạnh bà Marine Le Pen trong chủ đề cấm phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt tại nơi công cộng.

Tuy nhiên, qua những gì đã thể hiện trong cuộc tranh luận, cả ông Macron và bà Le Pen đều tập trung nhiều hơn đến các luận điểm của mình, hơn là ưu tiên theo đuổi các chủ đề để lôi kéo cử tri của ông Mélenchon. Điều này có lẽ cũng đến từ một thực tế, đó là các cuộc thăm dò dư luận cũng như phân tích từ sau vòng 1 cuộc bầu cử đến nay cho thấy, mặc dù gần 8 triệu cử tri Pháp đã bỏ phiếu cho ông Mélenchon là một lực lượng rất quan trọng, có thể mang tính quyết định đến vòng 2 cuộc bầu cử nhưng lượng cử tri này hầu như không bị thuyết phục bởi cả ông Macron lẫn bà Le Pen.

Chỉ có chưa đến 1/3 số cử tri này sẽ bỏ phiếu cho ông Macron ở vòng 2 vì muốn ngăn cản bà Le Pen còn phần lớn tuyên bố sẽ bỏ phiếu trắng hoặc không đi bỏ phiếu. Do đó, cả ông Macron lẫn bà Le Pen đều khó có thể mong đợi nhiều vào lượng cử tri này.

Bà Le Pen tiếp tục được đánh giá là ẩn số khó đoán trong vòng 2

Những gì đã thể hiện trong suốt 5 năm qua và rõ nhất là trong cuộc tranh luận vừa qua cho thấy, bà Marine Le Pen đã thay đổi rất nhiều và đã phần nào thành công trong việc mềm hoá hình ảnh của mình và sự thay đổi này được ghi nhận bởi kết quả cao tại vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống hôm 10/04.

Dù là một thay đổi thực chất hay chỉ là một chiến thuật tạm thời nhưng rõ ràng vào thời điểm này, bà Marine Le Pen đang thể hiện mình như một ứng cử viên nghiêm túc, một chính trị gia có những cương lĩnh chính trị, chính sách điều hành rõ ràng nếu như lên làm Tổng thống Pháp, thay vì chỉ tập trung lôi kéo cử tri trong các vấn đề gây chia rẽ như trước kia. Nói cách khác, bà Marine Le Pen hiện tại đã được nhìn nhận như một chính trị gia có thể dẫn dắt nước Pháp.

Câu hỏi đặt ra là liệu cuộc tranh luận tối 20/04 có thể giúp bà Marine Le Pen thuyết phục được những cử tri Pháp đang lưỡng lự để qua đó đảo ngược được thế bất lợi hiện nay của mình hay không? Đây rõ ràng là một thách thức, không chỉ vì bà Marine Le Pen mặc dù đã làm tốt hơn năm 2017 nhưng cũng không thể hiện được sự vượt trội trong tranh luận với ông Emmanuel Macron.

Cuộc thăm dò dư luận do hãng Elabe thực hiện ngay sau khi kết thúc tranh luận cho thấy, 59% số người được hỏi cho rằng ông Emmanuel Macron thể hiện thuyết phục hơn, so với 39% chọn bà Le Pen. Năm 2017, con số này là 63% cho ông Macron. Nói cách khác, dù bà Le Pen đã làm tốt hơn nhưng vẫn chưa đủ để có thể trông đợi rằng cuộc tranh luận này sẽ đảo ngược được thế bất lợi hiện nay. Thực tế, trong nền chính trị Pháp, kể từ khi có các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa 2 ứng cử viên Ttổng thống năm 1974, hầu như kết quả các cuộc tranh luận không đảo ngược được xu hướng cử tri trước đó.

Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bà Marine Le Pen không còn cơ hội chiến thắng. Dù khoảng cách với ông Macron có thể sẽ gia tăng sau cuộc tranh luận nhưng bà Le Pen vẫn có thể trông đợi vào những yếu tố còn khó đoán, như lượng cử tri vắng mặt hay lượng cử tri ủng hộ bà Le Pen một cách âm thầm. Đây là yếu tố không thể xem nhẹ bởi khác với năm 2017, các cử tri Pháp hiện nay không quá hào hứng với việc tạo dựng một “rào cản cộng hoà” để ngăn bà Le Pen như trước và lượng cử tri bất mãn với kết quả 5 năm cầm quyền của ông Macron cũng không hề ít. Do đó, bà Marine Le Pen vẫn còn cơ hội chiến thắng ngày 24/04 tới, dù nhỏ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại