Tranh thủ lúc vợ đi chợ, người thợ rèn Hà Lan ở nhà tự phẫu thuật lấy sỏi bàng quang ra ngoài

ZKNIGHT |

Viên sỏi nặng tới 113 gam và có kích thước bằng một quả trứng gà.

Nếu bạn muốn biết tột cùng của sự dũng cảm là gì, hãy đọc câu chuyện có thật được ghi lại trong y văn này. 

Nó xảy ra vào năm 1651, tại Hà Lan. Nhân vật chính của chúng ta là một người thợ rèn được cả thế giới biết đến với cái tên Jan de Doot.

Buổi sáng hôm đó, Jan de Doot tỉnh dậy và biết hôm nay anh ấy phải làm một việc quan trọng. Không muốn vợ mình ở nhà và chứng kiến, Jan de Doot đã đuổi khéo cô ấy đi chợ, sau đó gọi anh trai lại và nói rằng mình cần một sự giúp đỡ rất riêng tư.

Chắc chắn, Jan de Doot đã phải giải thích rất nhiều với vợ mình sau khi cô ấy đi chợ về. Bởi trong chính khoảng thời gian ấy, anh ta đã tranh thủ làm một việc cực kỳ nguy hiểm: tự phẫu thuật cho chính bản thân mình.

Tranh thủ lúc vợ đi chợ, người thợ rèn Hà Lan ở nhà tự phẫu thuật lấy sỏi bàng quang ra ngoài - Ảnh 1.

Jan de Doot, người thợ rèn người Hà Lan tự phẫu thuật lấy sỏi bàng quang ra ngoài.

Phẫu thuật, dù đại phẫu hay tiểu phẫu đều là những hoạt động phức tạp và nguy hiểm. 

Vậy mà Jan de Doot, người thợ rèn Hà Lan đã quyết định tự rạch bụng mình, tìm kiếm đâu là bàng quang để cố gắng lấy ra một viên sỏi đang khiến cơ quan bài tiết của anh ấy bị tắc nghẽn.

Toàn bộ quá trình tự phẫu thuật của Jan de Doot đã được ghi lại trong một cuốn sách có tên là Observationes Medicae của tác giả Nicolaes Tulp, một bác sĩ và cũng từng là Thị trưởng của Amsterdam trong thế kỷ 17. 

Cuốn sách được xuất bản năm 1672 liệt kê hơn 200 trường hợp y tế, bây giờ đã trở thành một tài liệu tham khảo hết sức quý giá.

Trước khi thực hiện cuộc phẫu thuật khủng khiếp, Jan de Doot đã có khoảng thời gian dài phải đối mặt với vấn đề sỏi bàng quang. 

Anh từng phải phẫu thuật hai lần trước đó, hai lần này là nhờ các bác sĩ để loại bỏ những viên sỏi ra khỏi cơ thể.

Đối với viên sỏi thứ ba dường như bị sót lại, Jan de Doot đã quyết định tự mình phẫu thuật lấy. 

Bạn có thể tưởng tượng ra sự đau đớn của những ca phẫu thuật trong thế kỷ 17 khác với ngày nay thế nào, để biết đó là một quyết định cần lấy hết lòng can đảm của một người thợ rèn.

Tranh thủ lúc vợ đi chợ, người thợ rèn Hà Lan ở nhà tự phẫu thuật lấy sỏi bàng quang ra ngoài - Ảnh 2.

Ca phẫu thuật được ghi lại trong cuốn sách Obervationes Medicae của tác giả Nicolaes Tulp.

Ca phẫu thuật đã diễn ra trong đúng khoảng thời gian mà vợ Jan de Doot đi chợ. Anh ấy ngồi xổm trong phòng, cùng lúc nhờ người anh giữ hộ bộ phận sinh dục lật sang một bên. 

Điều này cho phép Jan de Doot dùng một tay để xác định và đánh dấu vị trí viên sỏi trong cơ thể.

Người thợ rèn sau đó dùng tay còn lại cắt vào đáy chậu mình. Anh ta làm động tác squat một vài lần để miệng vết thương mở rộng, vừa đủ để có thể trục xuất viên sỏi.

Điều khủng khiếp nhất được cho là đã diễn ra, Jan de Doot thò ngón tay vào vết rạch, mò viên sỏi bàng quang và móc nó ra ngoài. 

Dường như việc này đã làm hỏng bàng quang của anh ấy, nhưng viên sỏi cuối cùng cũng đã bị loại bỏ.

Nó nặng tới 113 gam và có kích thước bằng một quả trứng gà.

Sau khi hoàn thành công việc, Jan de Doot vẫn còn tỉnh táo để bảo anh trai đi gọi một thầy thuốc tới khâu vết mổ lại cho mình. 

Có vẻ, cuộc tự phẫu thuật đã thành công và người ta cho rằng Jan de Doot đã hồi phục và sống ít nhất 5 năm sau đó.

Tranh thủ lúc vợ đi chợ, người thợ rèn Hà Lan ở nhà tự phẫu thuật lấy sỏi bàng quang ra ngoài - Ảnh 3.

Viên sỏi mà Jan de Doot đã tự mình lấy ra khỏi cơ thể nặng tới 113 gam, và có kích thước bằng một quả trứng gà.

Câu chuyện hấp dẫn về người thợ rèn tự phẫu thuật để lấy sỏi bàng quang đã lan truyền và trở thành một đề tài chiếm được sự ngạc nhiên và khâm phục của công chúng. 

Nhưng đối với những người am hiểu y học, nó có khá nhiều uẩn khúc.

Các bác sĩ nghi ngờ việc Jan de Doot có thể thực hiện toàn bộ quy trình phẫu thuật mà không có kiến thức chuyên môn và dụng cụ y tế thích hợp. 

Hơn nữa, câu chuyện kể rằng anh ta chỉ cần một tay để làm điều mà mọi bác sĩ cần dùng cả 2 tay.

Ngay cả khi những chuyên gia ở thế kỷ 20 suy nghĩ lại về vụ việc, họ cũng nghi ngờ việc viên sỏi được người thợ rèn người Hà Lan lấy ra một cách quá dễ dàng. 

Một giả thuyết cho rằng có thể viên sỏi đã lọt qua các vết mổ sót lại trên bàng quang của Jan de Doot từ hai cuộc phẫu thuật trước.

Rồi bằng cách nào đó, viên sỏi thứ ba này đã rơi ra ngoài và dính vào lớp mô ngay dưới bề mặt da đáy chậu. Giả thuyết này là một lời giải thích hợp lý cho việc một người thợ rèn có thể tự mình phẫu thuật để lấy nó ra ngoài.

Với trọng lượng 113 gam, Jan de Doot thực sự có thể cảm nhận được viên sỏi ở đâu. 

Có khả năng nó đã hình thành do một chứng viêm nghiêm trọng chứ không đơn giản là nhiễm trùng mạn tính đường tiết niệu, hoặc có lẽ đó là vấn đề với tuyến tiền liệt khiến anh ta đau khổ.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, những người Hà Lan khi đó đã rất cảm phục lòng dũng cảm của Jan de Doot. 

Carel van Savoyen, một họa sĩ ở Antwerp đã vẽ một bức họa chân dung cho anh, với một tay đang cầm viên sỏi và tay còn lại cầm dao mổ. Bức họa năm 1655 hiện vẫn đang được trưng bày tại Đại học Leiden ở Hà Lan.

Tranh thủ lúc vợ đi chợ, người thợ rèn Hà Lan ở nhà tự phẫu thuật lấy sỏi bàng quang ra ngoài - Ảnh 4.

Bức họa vẽ Jan de Doot của họa sĩ người Hà Lan Carel van Savoyen

Đối với câu hỏi liệu Jan de Doot có phải là trường hợp duy nhất tự mình thực hiện một cuộc phẫu thuật hay không, câu trả lời là không. 

Trong lịch sử, khi những trường hợp vô cùng cấp bách xảy ra, nhiều người cũng đã phải tự cầm dao và tự phẫu thuật cho bản thân mình.

Trường hợp của kỹ sư cơ khí người Mỹ Aron Ralston năm 2003 là một ví dụ. Trong chuyến đi du lịch một mình ở Công viên quốc gia Canyonlands, Ralston bị một tảng đá nặng gần 400 kg đè xuống cẳng tay phải. 

Nó đã khiến anh bị mắc kẹt dưới Blue John Canyon, một hẻm núi hoang và không có người giúp.

Sau 5 ngày tìm đủ mọi cách mà không thể tự giải cứu mình, Ralston đã quyết định dùng chiếc dao du lịch để cắt bỏ cách tay đã hoại tử. 

Về cơ bản, anh ta đã phải cứa nó từng chút một với con dao khá cùn và cuối cùng tự bẻ gãy xương của mình.

Tranh thủ lúc vợ đi chợ, người thợ rèn Hà Lan ở nhà tự phẫu thuật lấy sỏi bàng quang ra ngoài - Ảnh 5.

Aron Ralston và tình huống anh gặp phải.

Với lòng can đảm vô hạn của mình, Ralston sống sót. Câu chuyện của anh đã được dựng lại thành một bộ phim năm 2010: 127 Hours mô tả lại cuộc chiến nội tâm cũng như nỗ lực sinh tồn tuyệt vời của con người khi rơi vào thảm cảnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại