Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)
Thời điểm phạm tội hay tại thời điểm khởi tố?
Tại phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu 3 vấn đề liên quan đến tài sản nhà nước trong các bản án:
Đầu tiên là việc xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra dựa vào giá trị tài sản tại thời điểm phạm tội hay tại thời điểm khởi tố?
Thứ hai là vì sao tòa xử nơi thì căn cứ giá trị tài sản tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, nơi thì căn cứ giá trị tài sản tại thời điểm khởi tố để xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo?
“Để xảy ra tình trạng bất nhất như vậy, trách nhiệm của Chánh án như thế nào, giải pháp tới là gì?”, đại biểu Thuý đặt câu hỏi.
Đồng thời, nữ đại biểu đang là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội cũng chuyển câu hỏi đến Viện trưởng VKSND Tối cao.
Trả lời vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hậu quả trong các vụ án nói chung, xét cả về quy định của luật cũng như khoa học pháp lý, phải được tính ở thời điểm xảy ra sự kiện phạm tội, không được tính ở thời điểm khởi tố.
“Tất cả các tình tiết khách quan, động cơ, mục đích, hành vi và kể cả thủ đoạn, phải được tính ở cùng một thời điểm, không thể tính ở các thời điểm khác nhau”, ông Bình khẳng định.
Theo Chánh án, hành vi, mục đích, ngày giờ thì ở cùng một thời điểm, riêng hậu quả tính ở thời điểm khác là không khoa học. “Bởi vì có thể năm nay phát hiện và khởi tố thì giá là 100 tỷ, nhưng năm ngoái mà phát hiện thì chỉ 50 tỷ, nhưng sang năm mới phát hiện thì sẽ là 200 tỷ”, ông Bình ví dụ.
“Việc xác định hậu quả ở một thời điểm tùy nghi như vậy là không công bằng về mặt khoa học, cho nên phải xác định ở cùng một thời điểm”, Chánh án nêu rõ.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình
Cũng theo ông Bình, trước đây có nhận thức, ví dụ ở thời điểm vi phạm về dự án thì chỉ có 100 tỷ thôi. Song đến bây giờ giá đất lên 200 tỷ mà xác định vụ án chỉ có 100 tỷ theo đúng quy định, như vậy quy mô vụ án giảm đi so với giá hiện hành.
Chánh án cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ra một nghị quyết hướng dẫn là từ nay trở đi tất cả các vụ án đều được xác định ở thời điểm khởi tố. Tuy nhiên, về xác định tài sản thì phải thu toàn bộ giá trị hiện hành dự án đó, nếu 100 tỷ thì thu 100 tỷ, nếu 300 tỷ ở thời điểm thi hành án thì thu toàn bộ lô đất đó, chứ không thu giá trị 100 tỷ. Như vậy, tài sản nhà nước cũng không bị thất thoát.
Kiểm tra lại vụ án có mức chênh lệch 1.600 tỷ đồng
Tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhắc lại câu hỏi về phần trách nhiệm của Chánh án, vì thấy chưa đề cập. Nói về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bà Thuý cho biết, bà “có rất nhiều bản án trong tay” và nêu 2 bản án để lấy ví dụ.
Thứ nhất, bản án hình sự phúc thẩm 158 ngày 15/5/2020 liên quan đến 3 tài sản đất đai nhà nước tính theo giá đất tại thời điểm khởi tố.
Thứ hai, bản án hình sự phúc thẩm ngày 29/11/2021 khu đất 812 Lê Duẩn, Quận 1, TP HCM, xác định thiệt hại tại thời điểm các bị cáo phạm tội.
“Ở đây thời điểm khởi tố là 1.927 tỷ đồng, nhưng nếu tại thời điểm phạm tội thì chỉ có 252 tỷ đồng, chênh lệch trên 1.600 tỷ đồng”, bà Thuý cho hay.
Về vụ án này, bà Thuý muốn nhấn mạnh, sau khi có quyết định giám đốc thẩm số 14 ngày 5/12/2019 của TAND Tối cao do chính Chánh án ký. Bà Thuý chất vấn Chánh án có kháng nghị bản án để xử đúng với quy định pháp luật không?
Trả lời sau đó, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, về vụ án cụ thể, ông sẽ kiểm tra lại, nhưng về trách nhiệm của Chánh án, ông khẳng định đã trả lời.
“Khi có những bản án khác nhau như thế này trong một thời gian từ trước năm 2022, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng giao cho Hội đồng thẩm phán có một nghị quyết hướng dẫn, thì chúng tôi đã ra nghị quyết này. Và từ đấy đến nay, tất cả các vụ án xét xử ở thời điểm xảy ra sự kiện phạm tội”, ông Bình nêu.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí
Toà - Viện sẽ trao đổi và thống nhất
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng trả lời câu hỏi của đại biểu Thuý về vấn đề xác định giá trị tài sản tại thời điểm phạm tội hay tại thời điểm khởi tố.
Theo ông Trí, đây là vấn đề có nhiều ý kiến thời gian qua và cũng từ trong thực tiễn một số vụ án lớn
Theo ông Trí, nếu chọn thời điểm hành vi thực hiện phạm tội thì có những vụ án 5-10 năm sau mới điều tra, truy tố, xét xử. Sau 5-10 năm đó, đất đai đã lên gấp 10 lần, thậm chí hơn 10 lần; có những trường hợp phạm tội xong rồi, nếu xác định thời điểm đó tính ra giá trị thì "bị cáo lãi". Chẳng hạn thời điểm đó giá 100 tỷ, nhưng 10 năm sau giá đã lên tới 1.000 tỷ. Nếu tính thiệt hại ở thời điểm hành vi phạm tội thì gây thiệt hại có 100 tỷ.
“Nên tôi có nói tình huống thứ hai là cơ quan nhà nước không có chủ trương và không có nhu cầu bán hay chuyển nhượng tài sản, đất đai đó cho đối tượng đó, nhưng vì đối tượng này móc ngoặc để mua cho bằng được qua các thủ tục không đúng pháp luật thì mới có vụ án.
Nếu không có sự móc ngoặc này thì đất còn nguyên ở đó, 10 năm sau lên bao nhiêu lần thì Nhà nước hưởng chứ làm sao lại có chuyện bắt Nhà nước phải tính vào thời điểm hành vi vi phạm pháp luật được”, ông Trí phân tích.
Theo ông Trí, Nghị quyết 03 của Toà án cũng chia ra rất nhiều dạng, có dạng tính thời điểm thực hiện hành vi, nhưng có dạng là thời điểm khởi tố, bởi vì có những tội phạm hành vi phạm tội kéo dài.
“Vừa rồi chúng tôi có ý kiến bằng văn bản gửi sang TAND Tối cao để bàn cách áp dụng Nghị quyết 03 của tòa, đảm bảo làm sao tài sản Nhà nước không mất mà bị cáo cũng không bị thiệt. Tức là làm sao cho công bằng… Nghị quyết 03 đã ra được một bước về mặt pháp lý để hướng dẫn pháp luật. Nhưng cụ thể trong từng trường hợp như thế nào thì VKS và Tòa tối cao sẽ bàn để trao đổi và thống nhất vấn đề này”, ông Trí cho hay.