Tranh cãi về tên lửa sắp rơi không kiểm soát xuống Trái Đất, căng thẳng Mỹ-Trung lan sang vũ trụ

Thùy Dương |

Khi mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc đang rơi trở lại Trái Đất, Mỹ và Trung Quốc lại có thêm một “đấu trường” mới khi hai nước ngày càng hiện diện nhiều trên vũ trụ.

Tên lửa Trường Chinh 5B rời Hải Nam, mang theo module lõi của Trạm Vũ trụ Thiên Cung. Ảnh: AFP

Tên lửa Trường Chinh 5B rời Hải Nam, mang theo module lõi của Trạm Vũ trụ Thiên Cung. Ảnh: AFP

Theo tờ SCMP, mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc đang rơi xuống Trái Đất mà chưa ai dự báo được địa điểm rơi. Sự việc này đang khiến Mỹ và Trung Quốc vướng vào cuộc tranh cãi mới liên quan tới lĩnh vực vũ trụ.

Ngày 6/5, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết dựa trên những những tính toán mới nhất, mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B có thể rơi xuống Trái Đất trong ngày 8/5 (theo giờ Mỹ). Lực lượng Vũ trụ Mỹ đang chú ý theo dõi vị trí của mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B trong vũ trụ, nhưng chỉ có thể xác định chính xác điểm rơi của mảnh vỡ cho tới vài giờ trước khi hồi quyển. Phát biểu với báo giới cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hi vọng mảnh vỡ của tên lửa sẽ rơi xuống biển.

Tên lửa Trường Chinh 5B được Trung Quốc phóng lên ngày 29/4 để đưa một module trạm không gian vào quỹ đạo. Ngày 5/5, truyền thông nhiều nước đưa tin tầng lõi của tên lửa đang “rơi không kiểm soát” vào quỹ đạo Trái Đất.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc nhận định mảnh vỡ của tên lửa có thể sẽ rơi xuống vùng biển quốc tế. Ông Wang Yanan - Tổng biên tập tạp chí Kiến thức Không gian - nhận định về tình hình: "Hầu hết các mảnh vỡ của tên lửa sẽ bốc cháy trong quá trình rơi lại Trái Đất, khiến cho chỉ có một phần rất nhỏ có thể rơi xuống đất, dẫn tới khả năng có thể rơi xuống các khu vực cách xa các hoạt động của con người hoặc rơi ở đại dương".

Cách đó chưa đầy một tháng, một sự kiện tương tự cũng gây sự chú ý của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc. Cánh tay robot của Trạm Vũ trụ Quốc tế đã thả 3 tấn pin chết và các rác thải khác. Số rác thải vũ trụ khổng lồ này sẽ bay quanh Trái Đất tới 4 năm rồi mới rơi trở lại bầu khí quyển.

Trang web tin tức vũ trụ Trung Quốc đã đăng ngay một bài viết cảnh báo về rủi ro của hành động nói trên: “Hãy cầu nguyện sao cho mảnh vỡ sẽ không trở lại và va vào trạm vũ trụ”.

Mỹ và Trung Quốc sẽ còn xung đột thường xuyên hơn về vấn đề rác vũ trụ khi mà quỹ đạo Trái Đất ngày càng nhiều loại rác này. Trong số trên 20.000 mảnh vỡ mà Trung Quốc đang theo dõi, hơn một nửa đã xuất hiện từ thập kỷ trước.

Nhà nghiên cứu Feng Hao và đồng nghiệp tại Viện Công nghệ Hệ thống Tàu vũ trụ Bắc Kinh cho biết số lượng các mảnh vỡ bay quanh Trái Đất tăng nhanh ở mức đáng báo động vì chúng có thể va vào nhau và tổng số mảnh vỡ sẽ tăng theo cấp số nhân.

Ông Feng Hao nói: “Ngay cả nếu con người không thực hiện hoạt động vũ trụ nào nữa, thì kết quả cuối cùng có thể là số lượng mảnh vỡ trên vũ trụ sẽ tiếp tục gia tăng. Cánh cửa lên vũ trụ của loài người có thể hoàn toàn bị chặn”.

Cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trong không gian vũ trụ sẽ khiến vấn đề thêm xấu đi. Cả hai nước đều có kế hoạch tham vọng mở rộng chương trình vũ trụ đáng kể trong vài năm tới. Họ sẽ phóng hàng chục nghìn vệ tinh cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên các quỹ đạo từ Trái Đất tới Mặt Trăng.

Theo ước tính của ông Feng Hao, tới năm 2033, quỹ đạo địa tĩnh học sẽ chật chội tới mức chỉ cần phóng thêm vệ tinh là có thể kích hoạt chuỗi va chạm thảm họa.

Một nhà khoa học vũ trụ Trung Quốc khác cảnh báo: Mảnh vỡ vũ trụ có thể trở thành vấn đề chính trị quan trọng như biến đổi khí hậu. Khi không gian ở một số quỹ đạo quan trọng ngày càng chật chội, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không tránh khỏi leo thang. Ông nói: “Trung Quốc có thể bắt Mỹ chịu trách nhiệm vì xả rác thải vũ trụ trước đây, còn Mỹ có thể tìm cách hạn chế các sứ mệnh tương lai của Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới địa chính trị liên quan mọi quốc gia trên Trái Đất”.

Rạn nứt chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ cũng cản trở hợp tác quốc tế trong giải quyết vấn đề rác thải vũ trụ. Chia sẻ thông tin về theo dõi mảnh vỡ còn ít ỏi vì một số công nghệ liên quan tới quân sự và vì không nước nào định phối hợp để dọn dẹp.

Nhà khoa học nói trên ví von: “Không khác gì hai lái xe tranh nhau tay lái khi ô tô đang lao về phía bức tường”.

Trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc sẽ còn xung đột nhiều về vấn đề tương tự. Các nhà khoa học vũ trụ cho rằng mảnh vỡ rơi trở lại Trái Đất không gây ra nhiều mối đe dọa bằng hàng tấn mảnh vỡ đang bay trong quỹ đạo.

Tranh cãi về tên lửa sắp rơi không kiểm soát xuống Trái Đất, căng thẳng Mỹ-Trung lan sang vũ trụ - Ảnh 1.

Tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc rời bệ phóng tại Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam ngày 29/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Dự án Starlink của công ty SpaceX của Mỹ định đưa 42.000 vệ tinh vào quỹ đạo gần Trái Đất, mang kết nối internet tốc độ cao cho các khu vực hẻo lánh nhất cũng như người dùng trong quân đội.

Tuy nhiên, tính toán của ông Feng Hao cho thấy dự án này của Mỹ sẽ tăng nguy cơ va chạm ở quỹ đạo gần Trái Đất tới gần 18 lần. Các vệ tinh nhỏ sẽ đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các tài sản vũ trụ của các nước khác, trong đó có trạm vũ trụ mới của Trung Quốc.

Ông Gan Yong, quan chức thuộc Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, cho biết trước đây, Trung Quốc ít tham gia quản lý vấn đề vũ trụ vì tiếng nói và ảnh hưởng chua đủ. Nhưng điều này sẽ sớm thay đổi và Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh khi Mỹ và các nước phương Tây tìm cách xây dựng trật tự vũ trụ quốc tế mới.

Ông Gan Yong nói thêm: “Trung Quốc sẽ phối hợp với Nga và các nước bạn bè để đối phó với mối đe dọa an ninh vũ trụ và thiết lập bộ quy tắc hành xử để sử dụng, phát triển vũ trụ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại