Tranh cãi về "ngôi làng có nhiều người da trắng nhất châu Á" của Nas Daily: Nhân vật truyền cảm hứng hay kẻ thiếu tôn trọng văn hóa?

Thạch Anh |

Vào ngày 8/2, trang nội dung Nas Daily đã đăng tải một đoạn video nói về những lý do khiến đảo Bali được yêu thích bởi khách du lịch phương Tây. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chia sẻ này đã vấp phải nhiều chỉ trích dữ dội.

Đoạn video gây ra nhiều phản đối về du lịch Bali

"Cô ấy là người da trắng. Anh ấy là người da trắng. Và họ cũng là người da trắng", đó là câu mở đầu ngắn gọn, thậm chí có phần quen thuộc đối với những ai yêu thích và thường xuyên theo dõi các vlog về du lịch.

Nas Daily, trang nội dung của một trong những vlogger du lịch nổi tiếng có tên Nuseir Yassin, mới đây đã đăng tải đoạn video dài 1 phút giới thiệu về một nơi mà theo anh, đó là “ngôi làng có nhiều người da trắng nhất châu Á”.

Tranh cãi về ngôi làng có nhiều người da trắng nhất châu Á của Nas Daily: Nhân vật truyền cảm hứng hay kẻ thiếu tôn trọng văn hóa? - Ảnh 1.

Nuseir Yassin, người đứng sau trang nội dung về văn hoá và du lịch nổi tiếng Nas Daily

Thực tế, nơi này không phải là một ngôi làng mà là hòn đảo và đồng thời cũng là một tỉnh của đất nước Indonesia - đảo Bali. Vốn sở hữu vẻ đẹp nổi tiếng toàn thế giới, được mệnh danh là "thiên đường trên mặt đất", vậy nên chẳng có gì lạ khi hòn đảo này thu hút vô số lượt khách du lịch nước ngoài đến đây mỗi năm, trong đó có cả khách đến từ châu Âu.

Trong đoạn video này, Yassin đã lần lượt giới thiệu những lý do khiến người phương Tây yêu thích địa điểm này đến vậy, bao gồm: thiên nhiên tuyệt đẹp, người dân bản địa hiếu khách, giá cả phải chăng và cuối cùng là việc di chuyển bằng xe gắn máy.

Tưởng chừng như đây chỉ là những đặc điểm hết sức thông thường để thu hút du lịch, nhưng thực tế, cách nói của Yassin đã khiến không ít người cảm thấy khó chịu, đặc biệt là khi anh này nhấn mạnh vào chi phí tiêu dùng: "Tất cả mọi thứ ở đây đều có giá cả phải chăng, ít nhất là đối với khách du lịch da trắng".

Theo SCMP, bên dưới đoạn vlog, nhiều người Indonesia đã để lại bình luận và thể hiện thái độ không đồng tình khi Yassin nói về du lịch bằng cách này, cụ thể đoạn bình luận như sau: "Có phải bạn đã thực sự nói là ‘ít nhất mọi thứ đều hợp túi tiền với khách du lịch da trắng’? Bạn nghĩ tại sao mọi thứ lại rẻ thế? Thật không may, Bali chính là ví dụ hoàn hảo cho sự bất bình đẳng xã hội. Những người giàu có đang sống và tận hưởng cuộc sống, trong khi những người Bali địa phương phải làm việc cật lực chỉ để trang trải những nhu cầu thiết yếu hàng ngày".

Nhiều người khác cũng đồng tình với bình luận trên và cho rằng “giá cả phải chăng” ở đây là một vấn đề xã hội cần phải được giải quyết chứ không phải là một ưu thế về du lịch để đem ra quảng bá.

Tranh cãi về ngôi làng có nhiều người da trắng nhất châu Á của Nas Daily: Nhân vật truyền cảm hứng hay kẻ thiếu tôn trọng văn hóa? - Ảnh 2.

Theo những bình luận này, người lao động ở Bali hiện đang nhận mức lương "bèo bọt", thiên nhiên bị khai thác quá mức trong khi những vị khách du lịch chỉ phải bỏ ra số tiền khoảng 4 USD (khoảng 95 nghìn đồng) để được ăn trong một nhà hàng và cho rằng khoản tiền của mình đang cứu giúp những người nghèo khổ.

Chưa hết, trang TODAYonline cho biết nhiều người Bali lên tiếng cáo buộc rằng có một số lượng lớn người nước ngoài đang sinh sống và làm việc bất hợp pháp tại hòn đảo, thu lợi từ lối sống bình dân mà không cần phải xin visa lao động và nộp thuế thu nhập.

Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất trong đoạn video chỉ kéo dài 60 giây. Hầu như toàn bộ nhân vật xuất hiện trong đoạn vlog đều là người da trắng, chỉ có duy nhất hai người châu Á xuất hiện chớp nhoáng với vai trò là gương mặt đại diện cho lĩnh vực khách sạn ở Bali.

Điều này đã khiến nhiều người xem cảm thấy không hài lòng. Bên dưới phần bình luận, họ cho rằng cách người dân Indonesia xuất hiện để mô tả cho lòng hiếu khách rất tuyệt, nhưng đồng thời nó cũng khiến họ cảm thấy như tất cả những người bản địa đều chỉ là phục vụ của người da trắng.

Tranh cãi về ngôi làng có nhiều người da trắng nhất châu Á của Nas Daily: Nhân vật truyền cảm hứng hay kẻ thiếu tôn trọng văn hóa? - Ảnh 3.

Chưa dừng lại ở đó, theo SCMP, việc Bali không có phương tiện giao thông công cộng được nhắc tới như một ưu điểm là không đúng với thực tế. Vlogger Yassin cho rằng việc lái xe tay ga chạy qua "những cánh đồng lúa xanh tuyệt đẹp" là niềm vui của khách du lịch, đi kèm với đó là hình ảnh hai người da trắng chở nhau trên một chiếc xe mà không ai đội mũ bảo hiểm.

Thế nhưng, vlogger nổi tiếng này lại không nhắc đến việc có hàng trăm vụ tai nạn xe máy diễn ra ở đây do người nước ngoài lái xe thiếu cẩn thận, không đội mũ bảo hiểm và uống rượu bia khi lái xe.

Điều này đã khiến người xem đặt ra câu hỏi dưới phần bình luận: “Người tạo ra một nội dung như vậy hoàn toàn thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng… Tại sao bạn không tạo nội dung để giáo dục những vị khách du lịch trong tương lai và giúp ích cho người dân địa phương?”.

Đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ đến từ người xem, Yassin đã để lại bình luận trên trang Instagram của mình mà theo TODAYonline là có phần mỉa mai: “Người da trắng sống ở Bali đang tức giận vì một người đàn ông da nâu nói với thế giới rằng nhiều người da trắng đang sống ở Bali. Cảm ơn tất cả mọi người vì những bình luận”.

Tranh cãi về ngôi làng có nhiều người da trắng nhất châu Á của Nas Daily: Nhân vật truyền cảm hứng hay kẻ thiếu tôn trọng văn hóa? - Ảnh 4.

Thay vì tiếp nhận ý kiến từ người xem, Yassin lại chỉ lên tiếng phản bác

Ngoài ra, Yassin cũng bổ sung rằng anh sẽ làm ra một video khác để nói về vấn đề phân biệt chủng tộc, ám chỉ việc người châu Á không thích có quá nhiều người da trắng ở Bali. Một lần nữa, vlogger này khiến người hâm mộ và người dùng mạng xã hội thất vọng vì đã phớt lờ ý kiến đóng góp, chỉ khăng khăng với quan điểm của mình.

Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối kịch liệt của công chúng, cổng thông tin Detikcom của Indonesia vào hôm thứ Ba (14/2) đã đưa tin rằng ông Tjokorda Bagus Pemayun, người đứng đầu cơ quan du lịch Bali đã đứng ra để bảo vệ cho đoạn vlog trên.

"Trong video, cậu ấy đang ca ngợi Bali, chẳng hạn như lúc cậu ấy nói về việc thiên nhiên ở Bali rất xanh. Điều này thực sự tốt cho việc quảng bá du lịch", ông Pemayun cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng đoạn video sẽ không có bất cứ tác động tiêu cực nào đối với du lịch Bali.

Nas Daily là gì và ai là người đứng sau?

Nas Daily là một trang nội dung nổi tiếng về du lịch trên các trang mạng xã hội với hơn 21 triệu lượt theo dõi trên Facebook và hơn 3 triệu lượt đăng kí trên YouTube.

Người đứng sau Nas Daily là Nuseir Yassin, nhà sáng tạo nội dung, đồng thời cũng là vlogger người Israel. Nuseir Yassin sinh năm 1992, xuất thân từ một gia đình trung lưu. Năm 19 tuổi, Yassin nhận được học bổng toàn phần của trường đại học Harvard danh giá, chuyên ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ.

Tranh cãi về ngôi làng có nhiều người da trắng nhất châu Á của Nas Daily: Nhân vật truyền cảm hứng hay kẻ thiếu tôn trọng văn hóa? - Ảnh 5.

Năm 2014, Yassin chuyển đến thành phố New York để làm việc trong ngành công nghệ với mức lương lên đến hơn 100.000 USD mỗi năm (tương đương 2,3 tỷ đồng). Thế nhưng, Yassin lại không hài lòng với cuộc sống hiện tại và quyết định nghỉ việc để du lịch khắp thế giới sau khi tiết kiệm được 60.000 USD (tương đương 1,4 tỷ đồng).

Nas Daily được biết đến rộng rãi nhờ vào loạt video dài 1 phút, chia sẻ lại những chuyến đi và trải nghiệm của Yassin tại nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài công việc tạo video, Yassin còn làm podcast và dạy sáng tạo nội dung thông qua nền tảng học tập kỹ thuật số Nas Academy của mình. Ra mắt vào năm 2020, Nas Academy chuyên cung cấp các khóa học online về cách làm video cho nhiều đối tượng.

Những tranh cãi về nội dung

Đoạn video về người da trắng ở Bali không phải là nội dung đầu tiên của Nas Daily gây ra các cuộc tranh cãi.

Vào năm 2019, Nas Daily đã đến Philippines để quay video chia sẻ về The Cacao Project, một dự án được thành lập bởi nữ doanh nhân trẻ Louise de Guzman Mabulo nhằm cung cấp cây cacao và hướng dẫn cách trồng cho bà con nông dân tại San Fernando, giúp nông dân địa phương kiếm thêm thu nhập sau trận bão Nina.

Đoạn video khi đó đã nhận được nhiều sự yêu thích, nhưng hai năm sau, chính Mabulo đã lên tiếng tố cáo chủ kênh Nas Daily có thái độ khinh thường những người nông dân và không quan tâm đến văn hoá như những gì đã thể hiện trong video.

Cụ thể, Mabulo đã đăng một bài viết lên trang cá nhân cho biết cô từng là một người hâm mộ của Yassin, nhưng sau khi làm việc trực tiếp với người này, ấn tượng tốt trong lòng cô đã sụp đổ.

Tranh cãi về ngôi làng có nhiều người da trắng nhất châu Á của Nas Daily: Nhân vật truyền cảm hứng hay kẻ thiếu tôn trọng văn hóa? - Ảnh 6.

Theo bài viết của nữ doanh nhân, Yassin đã đã liên tục "bắt chước, chế nhạo ngôn ngữ địa phương, phát ra những từ có âm tiết giống tiếng Tagalog (tiếng mẹ đẻ của một phần tư dân số Philippines) và nói rằng nghe nó thật ngu ngốc".

Chưa hết, Yassin còn liên tục tỏ ra khinh thường mức sống của người dân nơi đây: “Anh ta nhiều lần nói quê tôi nghèo, nói rằng 'Nông dân nghèo quá' hoặc 'Tại sao người Philippines lại nghèo như vậy?'”.

Mabulo còn tiết lộ rằng Yassin chẳng quan tâm gì đến nông dân hoặc trang trại, thay vào đó, vlogger này chỉ muốn có được một câu chuyện hay, dễ trình bày và thu hút nhiều lượt xem từ người dân Philippines.

Quá đáng hơn, Yassin thậm chí còn đùa cợt rằng chỉ cần đặt chữ Philippines vào tiêu đề thôi là video của anh ta sẽ có hàng triệu lượt xem, dưới phần bình luận sẽ đầy những nội dung "tự hào là người Philippines".

Trước đó, Yassin cũng từng bị tố cáo lợi dụng văn hoá truyền thống nhằm mục đích thương mại. Nền tảng Nas Academy đã mở một khoá học xăm mình và cam kết được giảng dạy bởi nghệ nhân xăm mình truyền thống người Philippines tên Whang-Od. Tuy nhiên, Gracia Palicas, cháu gái của nghệ nhân này đã nói rằng đó là khoá học lừa đảo bởi bà của cô chưa bao giờ ký hợp đồng với nền tảng này.

Tranh cãi về ngôi làng có nhiều người da trắng nhất châu Á của Nas Daily: Nhân vật truyền cảm hứng hay kẻ thiếu tôn trọng văn hóa? - Ảnh 7.

Vlogger nổi tiếng cũng từng bị chỉ trích vì lợi dụng văn hoá để kiếm tiền

Ngoài ra, nam vlogger cũng từng nhận nhiều ý kiến trái chiều với những phát ngôn của mình, tiêu biểu như việc anh gọi Singapore là đất nước "gần như hoàn hảo" chỉ sau vài ngày ở đây, hoặc sử dụng hình ảnh bãi đỗ xe ở bang Johor của đất nước Malaysia để ám chỉ việc đỗ xe bừa bãi và so sánh với Singapore.

Từ những vấn đề xoay quanh nội dung và phát ngôn trên kênh Nas Daily, chúng ta buộc phải đặt ra câu hỏi về ý thức của những người sáng tạo nội dung trên các trang mạng xã hội.

Tranh cãi về ngôi làng có nhiều người da trắng nhất châu Á của Nas Daily: Nhân vật truyền cảm hứng hay kẻ thiếu tôn trọng văn hóa? - Ảnh 8.

Với mức độ ảnh hưởng tới hàng triệu người trên khắp thế giới, liệu Nas Daily có đang quá "hời hợt" trước những thông tin mà mình đưa ra? Văn hoá là hồn cốt của một dân tộc, vậy nên một người làm sáng tạo nội dung về văn hoá, du lịch mà chỉ tập trung vào bề nổi, tìm kiếm những câu chuyện thú vị để câu view thì thông điệp mà họ đưa ra có mấy phần chính xác?

Vấn đề của Nas Daily cũng là một hồi chuông cảnh báo cho những nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, bất kỳ thông tin nào trước khi đưa ra đều cần được nghiên cứu và kiểm chứng cẩn thận. Sự thật, dù tích cực hay tiêu cực, cũng cần phải được tôn trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại