Theo Korea Herald, nữ giáo viên mầm non tại một nhà trẻ ở thành phố Gimpo, Hàn Quốc, đã tự tử vào một ngày thứ Bảy giữa tháng 10/2018, chỉ hai ngày sau khi thông tin về việc cô bạo hành trẻ nhỏ được đăng tải lên mạng xã hội.
Theo như chủ nhân của bài viết, cháu trai 4 tuổi của người này đã kể lại việc bị cô giáo bạo hành trong chuyến đi chơi công viên nước.
Nghiêm trọng hơn, người dì đã bịa đặt thêm nhiều chi tiết của vụ bạo hành, chia sẻ rằng dù cô không ở trong chuyến dã ngoại, nhưng tầm 10 người khác đã "tận mắt chứng kiến điều này và kể lại cho cô".
Ảnh: Yonhap.
Bài viết nhanh chóng được chia sẻ tràn lan khắp các diễn đàn, kéo theo hàng ngàn lượt bình luận.
Những thành viên khác của diễn đàn đã tìm ra tên của nhà trẻ và của cô giáo mầm non, đồng thời đăng tải mọi thông tin liên quan lên mạng xã hội.
Sau đó, nhiều người đã thay nhau nhắn tin nhục mạ, đe dọa cô giáo, thậm chí còn gọi đến trường học quấy rối.
Vài ngày sau, cô giáo trẻ tự sát, để lại một lá thư tuyệt mệnh, khẳng định không hề làm gì cậu bé. Đến lúc này, phụ huynh mới hoảng hốt yêu cầu con kể rõ lại thì cậu bé thú nhận đã bịa chuyện để gây sự chú ý.
Chỉ sau vài thông tin không xác thực trên diễn đàn, cô giáo mầm non đã nhận muôn vàn lời chỉ trích, đe doạ. (Ảnh minh họa: Chosun)
Ít lâu sau cái chết của vị giáo viên, hơn 80 nghìn chữ kí online đã được kêu gọi nhằm yêu cầu trừng phạt các thành viên trực tiếp hay gián tiếp gây ra cái chết của cô.
Vụ việc, theo báo chí Hàn Quốc, là hậu quả của sự biến tưởng không thể kiểm soát của các diễn đàn mẹ và bé, thường được gọi là mom café, tràn lan trên mạng xã hội.
Ban đầu, đây là nơi các bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm nuôi con, mẹo mua sắm, công thức nấu ăn hay tâm sự về gia đình.
Thế nhưng hiện những trang này trở thành công cụ phát tán thông tin độc hại, phỉ báng, vu khống nhiều cá nhân, cơ sở giáo dục, tổ chức và công ty.
Được biết, mom café hầu như không có cơ chế “kiểm duyệt” nội dung bài viết và bình luận. Nhà chức trách cũng bất lực trong quản lý vì các diễn đàn đều tự phát và không thuộc công ty chủ quản cụ thể như Facebook hay Twitter.
Trong vụ việc cô giáo tự sát nói trên, cảnh sát đã mở lại hồ sơ điều tra về bài viết của người dì cậu bé; song tất cả bình luận vu khống và chia sẻ khác đều đến từ tài khoản ẩn danh, nên sẽ rất khó để truy tìm người đứng sau.
Vì thế, theo giới chuyên gia, điều có thể làm hiện nay là tích cực cảnh báo về hiểm họa từ thông tin giả mạo, đồng thời kêu gọi ý thức của người dùng trước khi có thể xây dựng các công cụ pháp lý hữu hiệu hơn để thanh lọc thông tin trên diễn đàn.
Theo Korea Herald