Mỗi đứa trẻ trước khi vào mẫu giáo về cơ bản chỉ tương tác với cha mẹ và người thân. Sau khi đến trường, trẻ bắt đầu học cách tương tác một cách độc lập với người khác. Từ đây, mối quan hệ bạn bè trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ.
Khi trẻ lớn lên, ảnh hưởng của cha mẹ dần yếu đi, đặc biệt khi bước vào tuổi thiếu niên, ảnh hưởng của bạn cùng lớp, bạn bè đối với trẻ ngày càng trở nên đáng kể. Trẻ có kỹ năng giao tiếp cá nhân tốt thường có được tình bạn tích cực và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần. Ý thức gắn bó với trường học cũng sẽ được nâng cao, điều này có lợi cho việc học tập.
Ảnh minh họa
Cũng có một số trẻ do tính cách bẩm sinh hoặc thiếu sự hướng dẫn trong giao tiếp nên không biết cách tương tác với người khác một cách đúng đắn khiến trẻ cảm thấy cô đơn, buồn chán. Điều này không chỉ gây bất lợi cho sức khỏe tinh thần và khả năng hòa nhập xã hội của các em mà còn làm cho việc đến trường trở nên thiếu hứng thú.
Nói cách khác, kỹ năng giao tiếp của trẻ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến các mối quan hệ giữa các cá nhân trong tương lai, lòng tự trọng và thậm chí cả cuộc sống hạnh phúc.
Nếu bạn muốn con mình có được những mối quan hệ lành mạnh và chất lượng cao, có thể dạy con sáu nguyên tắc giao tiếp sau đây càng sớm càng tốt:
1. Lịch sự
Tôn trọng lẫn nhau và lịch sự là những nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp giữa các cá nhân. Ở các lớp mẫu giáo và tiểu học luôn có một số trẻ không lịch sự và cư xử thô lỗ, thích giễu cợt, la mắng, thậm chí đánh người khác. Chúng thường là tâm điểm "chăm sóc" của giáo viên và bị các học sinh khác tránh mặt.
Trước khi trẻ vào mẫu giáo, cha mẹ nên dạy trẻ những lời nói lịch sự cơ bản và học cách tôn trọng người khác: Chào khi gặp mặt, chào tạm biệt; Khi nhờ người khác giúp đỡ, hãy nói "làm ơn" hoặc "cảm ơn"; Nếu gây rắc rối hoặc vô tình đụng phải người khác, hãy nhanh chóng xin lỗi; Đừng vạch trần khuyết điểm và bình luận về ngoại hình của người khác; Khi người khác đang nói, đừng ngắt lời, hãy kiên nhẫn đợi xong rồi mới nói; Đừng chạm vào đồ của người khác khi chưa được phép...
2. Tuân thủ các quy tắc và đừng lấy mình làm trung tâm
Có một câu thế này: "Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác", đây có thể gọi là nguyên tắc vàng trong giao tiếp giữa các cá nhân. Biết đặt mình vào vị trí của người khác là dấu hiệu của lòng tốt và sự đồng cảm.
Một số trẻ quen với việc đặt bản thân lên hàng đầu ở nhà, muốn làm gì thì làm. Theo thời gian, những đứa trẻ như vậy sẽ dễ bị xa lánh và cô lập. Không ai thích chơi với những người cố chấp, độc đoán và ích kỷ. Người tuân thủ quy tắc và biết quan tâm đến người khác sẽ được yêu thương nhiều hơn.
Cha mẹ không nên chỉ chiều chuộng con cái mà hãy dạy chúng những quy tắc này càng sớm càng tốt: Đến trước được phục vụ trước, không được chen hàng; Khi chỗ vui chơi quá đông người đợi, hãy thay phiên nhau chơi chứ không chỉ giữ cho riêng mình; Khi đưa ra quyết định, hãy cân nhắc những gợi ý và ý kiến của người khác, đồng thời thảo luận với nhau khi có quan điểm khác biệt; Khi muốn chơi với người khác, hãy lịch sự hỏi: "Chúng ta chơi cùng nhau nhé?"; "Chúng ta có thể đổi đồ chơi được không?".
Dạy trẻ tuân thủ các quy tắc và quan tâm đến cảm xúc của người khác ngay từ khi còn nhỏ. Chỉ có như thế thì sau này bước vào xã hội, chúng mới có thể tuân thủ mọi quy tắc, dễ thích nghi hơn và tương tác giữa các cá nhân suôn sẻ hơn.
3. Dám từ chối
Trong giao tiếp giữa các cá nhân, một số trẻ không bao giờ dám từ chối vì sợ người khác không thích mình và không chơi với mình nữa. Học cách từ chối người khác một cách lịch sự và phù hợp là một kỹ năng thiết yếu trong giao tiếp giữa các cá nhân.
Cha mẹ cần cho con hiểu: Trong giao tiếp, việc mọi người có những ý tưởng khác nhau và lợi ích không nhất quán là điều bình thường. Tiền đề để chúng ta quan tâm đến cảm xúc của người khác là tôn trọng mong muốn bên trong của chính mình. Đối với những yêu cầu không muốn thực hiện và cho là không hợp lý, con có thể từ chối người khác một cách lịch sự, khéo léo và đưa ra lý do.
4. Có ý thức về ranh giới
Hai chú nhím buồn ngủ ôm nhau vì lạnh. Nhưng vì trên người cả hai đều có gai nên khiến đối phương khó có thể ngủ thoải mái. Sau nhiều lần điều chỉnh, cuối cùng hai chú cũng tìm được khoảng cách thích hợp, có thể sưởi ấm cho nhau mà không bị đau. Đây là nguyên tắc con nhím nổi tiếng, trong đó nhấn mạnh đến "hiệu ứng khoảng cách tâm lý" trong giao tiếp giữa các cá nhân.
Nói một cách đơn giản, nếu muốn xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và lâu dài, bạn cần duy trì những ranh giới phù hợp.
Dặn con: Mối quan hệ dù tốt đến đâu cũng phải cẩn thận trong lời nói và việc làm của mình, tôn trọng quyền riêng tư, phải xin phép trước khi sử dụng đồ của đối phương. Tốt nhất con nên chịu trách nhiệm về cảm xúc và công việc của mình, đừng mong đợi quá nhiều từ bạn bè. Bạn bè không bắt buộc phải suy nghĩ giống con, mỗi người có thể có lập trường và nhận định riêng.
Con có thể đưa ra lời khuyên nhưng không can thiệp vào quyết định của họ. Mọi người đều có quyền tự đưa ra quyết định độc lập.
Chỉ bằng cách duy trì những ranh giới phù hợp, tôn trọng tính cách độc lập của nhau và cho phép mỗi người có không gian tương đối tự do, cả hai bên mới có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, mối quan hệ sẽ bền chặt và gần gũi hơn.
5. Đừng cố "làm ơn" để đổi lấy tình bạn
Có một số trẻ sợ người khác không vui, sợ mình không hòa nhập, sợ con người thật của mình không được chấp nhận nên thường ép mình nói những điều không đúng ý, làm những điều không đúng mực. Tuy nhiên, vô số sự thật đã chứng minh, càng cố làm hài lòng thì càng ít được trân trọng, thậm chí sẽ bị ghét bỏ, chế giễu, không thể có được tình bạn chân chính.
Cho dù con đang ở trong mối quan hệ nào, điều quan trọng là phải kiên quyết là chính mình mới có thể xây dựng được một mối quan hệ thực sự. Nếu con người thật của con luôn không được chấp nhận thì có nghĩa là hai bên không phù hợp với nhau, không cần phải ép buộc làm bạn bè.
Thay vì cố gắng làm hài lòng người khác, tốt hơn hết nên chăm sóc bản thân. Chỉ cần làm việc chăm chỉ và đi theo con đường mình muốn đi, con sẽ gặp được những người bạn cùng chí hướng vào đúng thời điểm.
6. Hãy tránh xa những người luôn làm nản lòng và phủ nhận con
Ngoài bố mẹ, điều nhiều đứa trẻ tuổi dậy thì quan tâm nhất chính là sự quan tâm, đánh giá của bạn bè. Trên thực tế, luôn có một số người thường xuyên vạch trần khuyết điểm và chọc vào vết sẹo của người khác, lời nói của họ hầu hết đều mang tính chế nhạo, mỉa mai, xúc phạm.
Những người bạn tốt thực sự phải trân trọng, động viên, nâng cao sự tự tin của nhau và truyền năng lượng tích cực.
Cha mẹ nên nói với con: Biết phân biệt ai thực sự tốt và không tốt cho mình. Nếu lời nói và hành động của người đó luôn khiến con nghi ngờ, phủ nhận bản thân, giảm sự tự tin và bi quan, chán nản thì tốt nhất nên tránh xa.
Ngoài việc dạy con 6 nguyên tắc trên, cha mẹ cũng cần thực hành trong giao tiếp hàng ngày với con. Điều này sẽ giúp con hiểu và tiếp thu tốt hơn.