Hệ thống thông minh cần có trên ô tô tự lái gồm những gì?
Ngoài Tesla, Google, các hãng ô tô danh tiếng như: Audi, Mersedes – Bens, Volvo, Volkswagen, Honda… đều góp mặt vào xu hướng ô tô tự lái.
Ô tô tự lái Tesla (nguồn ảnh: Internet).
Để ô tô tự hành được, phải thỏa mãn 3 yêu cầu:
1. Hệ thống GPS giống như trên các ô tô thông thường.
2. Hệ thống nhận diện các biến động trên đường.
3. Phương pháp chuyển các thông tin từ hai hệ thống trên thành hành động tương tác trên đường.
Một hệ thống tự hành đúng nghĩa phải đáp ứng được 2 tiêu chuẩn là: Xử lý được khối lượng lớn dữ liệu như chiếc máy tính và phải thông minh như não người để thích ứng với môi trường xung quanh luôn biến đổi.
Hệ thống GPS giống như tính năng dẫn đường của Google Maps, sẽ xác định nhiệm vụ của xe tự lái bằng các thiết lập điểm đầu và điểm cuối của hành trình.
Nó xem xét tất cả các con đường đi để chọn ra đường đi thuận lợi nhất. Thông thường, GPS làm việc này tốt hơn con người. Vì não người không được trang bị những yếu tố cần thiết để xử lý một lượng lớn dữ liệu cho trước.
Tuy nhiên, chỉ có GPS thôi chưa đủ tạo nên chiếc ô tô tô thông minh. Do dữ liệu bản đồ thường là dữ liệu tĩnh, bất biến hoặc hiếm khi thay đổi; trong khi thực tế lúc lái xe sẽ gặp phải những tình huống bất ngờ như: phải quay đầu xe, bị tắc đường, tránh người đi đường...
Một mẫu ô tô tự lái của hãng Volkswagen (nguồn ảnh: Internet).
Cho nên, ô tô tự lái cần thêm hệ thống nhận diện các biến động trên đường để hỗ trợ cho hệ thống bản đồ. Hệ thống này sử dụng các thiết bị công nghệ như radar, camera để phát hiện và xử lý các tình huống bất ngờ mà ô tô gặp phải khi lưu thông trên đường.
Các thiết bị cần cho hệ thống nhận diện các biến động trên đường là:
1. Camera giúp cho hệ thống máy tính bên trong ô tô có thể nhìn thấy tình trạng xung quanh.
2. Radar giúp ô tô nhìn được đường phía trước (trong khoảng 100 m) kể cả trong thời tiết xấu như: trời tối, mưa, gió cuốn.
3. Laser sẽ quét liên tục để cung cấp cho hệ thống máy tính biết những gì đang xảy ra xung quanh.
Những thiết bị cảm biến này cung cấp cho máy tính thông tin "thô" của những yếu tố liên quan đến chuyến đi và cần thuật toán tinh vi xử lý dữ liệu.
Cuối cùng, ô tô tự lái cần một hệ thống có khả năng kết hợp GPS với thông tin từ cảm biến thành những hành động thực tế như lái xe, tăng tốc, nhấn phanh.
Những hệ thống thông minh trên ô tô tự lái (nguồn ảnh: Internet, Việt hóa: Cẩm Mai).
Thông thường, nhiệm vụ này được đảm nhận bởi mạng truyền thông nội bộ trên ô tô đã được dùng qua nhiều thập kỷ.
Cao cấp hơn, ô tô tự lái còn cần đến công nghệ Lidar hoạt động bằng cách sử dụng ánh sáng cận hồng ngoại để mô phỏng hình dạng các vật thể xung quanh
Lidar có thể nhận diện ánh sáng và khoảng cách tương tự công nghệ mô phỏng địa hình trên máy bay và hệ thống phát hiện phương tiện giao thông vi phạm tốc độ.
Công nghệ Lidar tạo ra hình ảnh 3 chiều mọi thứ một cách chính xác, từ xe cộ, cây cối cho đến người đi xe đạp… ở nhiều điều kiện môi trường và ánh sáng khác nhau bởi Lidar có thể hoạt động bình thường trong bóng tối.
Lối đi nào cho ô tô tự hành có thể "bon bon" trên đường ở Việt Nam?
Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế chung, Tập đoàn FPT Software đang thử nghiệm một mẫu xe tự lái trông giống như xe tuk tuk, mở ra triển vọng phát triển sử dụng xe tự lái "Made in Vietnam" tại nước nhà, trước khi các "ông lớn" như Tesla đến nước ta.
Ô tô tự lái của FPT Software (nguồn ảnh: Soha).
Về mặt cơ sở hạ tầng, chúng ta không còn xa lạ với ứng dụng GPS trong việc tìm đường, xác định điểm đến.
Chúng ta cũng đã áp dụng các trạm thu phí không dừng, các điểm nút giao thông có camera giao thông, máy bắn tốc độ từ xa đang hỗ trợ đắc lực cho cảnh sát điều phối giao thông, giải tỏa ách tắc, xử lý vi phạm trên đường và cũng thuận tiện hơn cho người lái xe.
Nhưng để áp dụng xe tự lái ở Việt Nam, chúng ta cần phải thay đổi rất nhiều thứ, giả sử đi trên các tuyến đường chính, đường cao tốc, đại lộ, quốc lộ sẽ là động lực, đòi hỏi thực tế để các cơ quan chức năng nâng cấp đường sá và cải tiến cơ sở hạ tầng đường sá, lắp đặt các thiết bị hỗ trợ, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông chuẩn và đèn tín hiệu.
Để sử dụng và tương tác với ô tô tự lái, tránh xảy ra tai nạn trên đường đòi hỏi người tham gia giao thông phải thay đổi thói quen đi đường, hành vi tham gia giao thông.
Thế hệ Y2K hiện nay đang được giáo dục luật lệ giao thông từ bậc học mầm non, hy vọng sẽ là tiền đề cho triển vọng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, tạo hiệu ứng Domino để người Việt Nam làm chủ và tương tác tốt với ô tô tự lái.
Chúng ta có quyền mơ ước trong tương lai, ô tô tự lái "Made in Vietnam" sẽ chạy bon bon an toàn trên những cung đường nước nhà.