Nhắc đến Tử Cấm Thành , một trong những địa danh du lịch nhất của Trung Quốc hiện nay thì chắc chắn không thể thiếu những câu chuyện kỳ lạ ở nơi này.
Trong đó giếng Trân Phi cùng cung điện nơi Trân phi ở khi bà còn sống có lẽ là nơi xuất hiện nhiều sự tích bí ẩn nhất ở đây.
Giếng Trân phi được coi là kì bí nhất Tử Cấm Thành với hàng trăm câu chuyện lớn nhỏ khác nhau. (Ảnh: Internet)
Theo sử sách, giếng Trân phi ấy chính là nơi mà sủng phi của Vua Quang Tự bị Từ Hi Thái hậu hại chết. Cái chết của bà không chỉ gây tranh cãi rất lớn trong giới sử gia mà còn làm chấn động cả triều đình nhà Thanh khi đó.
Chính vì vậy mà khi xác Trân phi được vớt lên sau 1 năm bị sát hại, người ta đã lấy tên bà để đặt cho cái giếng này nhưng một bằng chứng về sự độc ác của Từ Hi Thái hậu cùng sự nhục nhã của nhà Thanh khi bị người nước ngoài tấn công đến tận kinh thành và phải tháo chạy.
Trân phi nổi tiếng vì ngoại hình xinh đẹp và tính cách hoạt bát, lém lỉnh. (Ảnh: Internet)
Trân phi vốn xuất thân từ gia tộc Tha Tha Lạp Thị rất có thế lực. Ông nội bà từng làm Tổng đốc Thiểm Tây và Cam Túc. Cha bà là Trường Tự - Hữu thị lang của bộ Hộ (quản lý tài chính tiền bạc).
Bà là con vợ lẽ nhưng vì từ nhỏ sinh sống ở Quảng Châu, tiếp xúc với người nước ngoài nhiều nên tính cách rất hoạt bát và lanh lợi, thích tìm hiểu những cái mới liên quan đến phương Tây. Bà cũng rất thích chụp ảnh và giả trai.
Cũng nhờ tính cách đặc biệt này mà sau khi vào cung, Trân phi rất được Vua Quang Tự yêu thương. Ban đầu bà được phong làm Trân tần sau đó thăng lên làm Trân phi.
Tuy nhiên vì tính cách phóng khoáng, ghét lễ nghi ràng buộc lại hay được Vua Quang Tự đưa đến thư phòng bàn chuyện triều chính nên bà không được lòng Từ Hi và từng bị giáng xuống làm quý nhân.
Chẳng những thế Từ Hi còn cho người lột quần áo Trân phi ra để đánh đòn. Vì chuyện này mà Vua Quang Tự đã phải quỳ gối trong cung của Từ Hi Thái hậu đến hơn 2 tiếng để năn nỉ nhưng không thành.
Ảnh ghép hoàng đế Quang Tự và Trân phi. (Ảnh: Internet)
Dù không được lòng Từ Hi Thái hậu nhưng Trân phi lại nhận được tình yêu rất chân thành của Hoàng đế Quang Tự. Thuở ấy Vua Quang Tự luôn mong muốn cải cách học hỏi các nước phương Tây và phá bỏ những quy định cũ kỹ của triều đại phong kiến.
Trong chốn hậu cung chỉ có Trân phi là người ủng hộ các quyết định của hoàng đế, dựa vào những hiểu biết về phương Tây bà đã giúp đỡ Vua Quang Tự rất nhiều trong việc cải cách.
Một cung nữ từng ở trong Tử Cấm Thành thời Vua Quang Tự hé lộ, ông là người rất đa nghi và hay thay đổi thất thường. Đêm khuya đọc tấu sớ Vua Quang Tự thường nổi giận đập bàn ném đồ đạc và chửi bới ầm ỹ.
Chính vì vậy mà người hầu không ai dám thân cận ông. Chỉ có mỗi Trân phi là không bao giờ bị ông mắng mỏ hay sợ hãi tính cách của Vua Quang Tự. Thư phòng của Hoàng đế bị coi là cấm địa, phi tần không được bước chân vào.
Tuy nhiên Quang Tự lại rất thích gọi Trân phi đến đây để cùng ông bàn bạc chuyện triều chính. Mỗi lần như thế, Trân phi thường giả dạng bằng cách mặc đồ hàng ngày của Vua hay mặc đồ thái giám.
Chân dung Từ Hi thái hậu – một trong những người phụ nữ gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Trung Quốc thời phong kiến. (Ảnh: Internet)
Trân phi được sủng ái đồng nghĩa với việc Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu - cháu gái của Từ Hi Thái hậu bị Hoàng đế hắt hủi, lạnh lùng. Hoàng hậu thường xuyên nói xấu Trân phi với Từ Hi khiến Thái hậu ngày càng ghét Trân phi hơn.
Năm Quang Tự thứ 24 (1898), vì muốn cản trở phái duy tân và các cải cách của Vua Quang Tự, Từ Hi Thái hậu đã bắt nhốt Trân phi vào lãnh cung suốt 2 năm trời.
Năm Quang Tự thứ 26, liên minh 8 nước tấn công vào Bắc Kinh, Từ Hi và mọi người vội vàng tháo chạy, còn Trân phi thì bị ném xuống giếng.
Trong tác phẩm Trân Phi Và Dấu Ấn Trân Phi ghi rõ, trước khi đi Từ Hi thái hậu vẫn không quên tranh thủ cơ hội để giết Trân phi. Giữa lúc rối loạn bà lại ra lệnh cho người đi xử tử Trân phi khiến thái giám, cung nữ sợ hết hồn, không ai dám lên tiếng.
Thôi Ngọc Quý vì muốn lấy lòng Thái hậu nên đã xung phong nhận việc này.
Hắn vào tận nơi ở của Trân phi, lôi bà đến miệng giếng. Khi Trân phi quỳ xuống đất xin được gặp Từ Hi Thái hậu, Thôi Ngọc Quý không đáp ứng mà đạp bà xuống. Sợ chưa đủ, hắn còn cho người ném xuống giếng mấy khối đá lớn.
(Ảnh: Internet)
Phải đến một năm sau đó, người nhà Trân phi mới được Từ Hi Thái hậu cho phép vớt di hài ra khỏi giếng để an táng. Vì muốn che miệng lưỡi thiên hạ việc mình hại chết Trân phi, Từ Hi Thái hậu đã phong Trân phi thành Trân quý phi.
Tuy nhiên thay vì xây lăng mộ như những phi tần khác, Từ Hi Thái hậu lại cho chôn quan tài của Trân quý phi ở khu mộ dành cho cung nữ phía bên ngoài Tử Cấm Thành.
Mãi đến sau này khi Từ Hi Thái hậu qua đời, Phổ Nghi lên ngôi, chị gái của Trân phi là Cẩn phi mới dám dời di hài của em gái đến khu Sùng lăng phi.
Cái giếng nơi Trân phi bị sát hại cũng được Cẩn phi cho người sửa lại, thêm cây sắt khóa ngang để không ai sử dụng.
(Nguồn: baike, epochtimes peop)