Tràn lan quân trang không rõ nguồn gốc (*): Mạnh tay xử lý

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong việc kinh doanh mặt hàng quân trang.

Bộ Công an cảnh báo trang phục của lực lượng vũ trang do mua, bán qua mạng đều là hàng giả và hành vi này vi phạm pháp luật. Do đó, người dân nên tìm hiểu kỹ, không mua bán các loại trang phục này.

Phối hợp kiểm tra

Ông Trần Kiều Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Kon Tum, cho biết đơn vị thường xuyên chỉ đạo các Đội QLTT kiểm tra các địa điểm kinh doanh quần áo may sẵn đang bày bán các loại quần áo có họa tiết rằn ri giống quân phục quân đội và xử lý các sai phạm. "Đối với mặt hàng quần áo rằn ri mang các nhãn hiệu là quân phục của các lực lượng vũ trang nước ngoài, quần áo đã qua sử dụng đều là hàng cấm nhập khẩu. Quần áo rằn ri có gắn các nhãn hiệu của lực lượng vũ trang trong nước là mặt hàng kinh doanh có điều kiện" - ông Hưng nói.

Theo Cục QLTT TP HCM, đối với mặt hàng quần áo có họa tiết rằn ri nếu nhìn sơ qua sẽ khá giống với sắc phục của cơ quan quân đội, công an. Tuy nhiên, nếu soi từng chi tiết sẽ thấy khác về họa tiết, kể cả màu sắc. Do đó, khi lực lượng chức năng kiểm tra mặt hàng này cũng phải dựa vào hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ hay không, có hóa đơn chứng từ không để xử lý theo quy định. Trong thời gian tới, đối với những mặt hàng quần áo rằn ri, Cục QLTT TP HCM sẽ chú ý tập trung nhiều hơn trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát trên thị trường. Theo đó, kiểm tra hàng hóa có vi phạm về hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu.

Tràn lan quân trang không rõ nguồn gốc (*): Mạnh tay xử lý - Ảnh 1.

Quần áo rằn ri được phát hiện tại một hộ kinh doanh ở tỉnh Kon Tum. Ảnh: HOÀNG THANH

Còn theo Tổng cục QLTT, mặt hàng quân trang, quân dụng là do lực lượng quân đội quản lý. Theo quy định, quân trang, quân dụng nằm trong danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, còn vũ khí là cấm kinh doanh. Công cụ hỗ trợ như roi điện, dùi cui, súng điện thì người mua phải có giấy chứng nhận, xác nhận sử dụng công cụ hỗ trợ từ cơ quan chức năng hoặc đơn vị có nhu cầu. Khi kiểm tra mặt hàng quần áo giống với quân phục thì phải kết hợp với quân đội và công an để xác định vi phạm và xử lý theo quy định. Trường hợp quần áo "na ná" quân phục nhưng màu sắc, họa tiết lại không giống thì xử lý theo hàng hóa thông thường như hàng hóa có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ.

Cũng theo Tổng cục QLTT, thời gian qua các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Phước, Tây Ninh đã kiểm tra nhiều điểm kinh doanh, chứa trữ quần áo rằn ri không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc.

Xử phạt nặng trường hợp vi phạm

Ông Trần Kiều Hưng cho biết trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến mặt hàng quần áo có họa tiết rằn ri giống quân phục quân đội.

Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền đến các hộ kinh doanh quần áo biết hàng quần áo cũ đã qua sử dụng của nước ngoài nhập về Việt Nam là hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu; hành vi kinh doanh các mặt hàng quân phục của lực lượng vũ trang là hành vi cấm kinh doanh, kinh doanh hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không mua bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt không mua bán các loại quần áo có hình rằn ri giống quân phục quân đội các nước đã qua sử dụng.

Tràn lan quân trang không rõ nguồn gốc (*): Mạnh tay xử lý - Ảnh 2.

Tại chợ Dân Sinh (quận 1, TP HCM), quần áo rằn ri được bày bán khá nhiều. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, khẳng định trang phục của lực lượng vũ trang gồm công an và quân đội chỉ do cơ quan chức năng sản xuất, cấp phát. Việc trang phục, các phụ kiện của ngành công an, quân đội được rao bán dễ bị kẻ xấu lợi dụng, mạo danh công an thực hiện hành vi lừa đảo... Vì thế, cơ quan chức năng cần rà soát chặt hơn nữa, có biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết triệt để tình trạng này.

Theo Trung tướng Hà, việc sử dụng quân trang quân đội, công an với mục đích bất hợp pháp thì sẽ tùy vào hành vi để xử lý. Nếu sử dụng các mặt hàng này vào việc mạo danh công an, quân đội với mục đích lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản… sẽ là tình tiết tăng nặng.

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, cho biết căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, hành vi mua bán hàng quân phục có thể bị xử phạt theo điều 190 về tội "Sản xuất, buôn bán hàng cấm" và điều 192 tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" của Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù; hoặc xử phạt hành chính theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Còn với các trường hợp vi phạm về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì tùy theo tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Toàn, hiện nay, cần có thêm các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các quy định trên để xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi vi phạm. Ngoài ra, đối với việc xử lý hành chính cần tăng mức phạt để đủ sức răn đe và xử lý hình sự khi đủ dấu hiệu vi phạm. Cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp để đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát và bắt giữ những đối tượng có hành vi vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại