Tối 28/9, một phụ nữ họ Ni tuyên bố rằng đã phát hiện một vật giống miếng băng vệ sinh trong nổi lẩu lúc ăn tại nhà hàng nằm trong chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao ở Thẩm Quyến (Trung Quốc). Cô ta yêu cầu được bồi thường 1 triệu NDT (hơn 3 tỷ đồng).
Người quản lý cửa hàng ban đầu đã giải thích rằng tờ giấy này có thể chỉ là nhãn mác từ giấy gói thịt nhưng Ni bác bỏ lập luận này, đăng cảnh quay bằng chứng tung lên mạng để chứng minh và kiên quyết yêu cầu được bồi thường.
Thực khách quay chụp bằng chứng tung lên mạng để chứng minh mình đã phát hiện băng vệ sinh trong nồi lẩu của nhà hàng Haidilao - Ảnh Thepaper.cn
Hôm sau cô ta quay lại nhà hàng để bàn bạc thêm với người quản lý cùng với một bạn đồng hành.
Khi bị từ chối yêu cầu bồi thường, họ đã tức giận và bắt đầu đập phá đồ đạc khiến nhân viên nhà hàng phải báo cảnh sát.
Khi cảnh sát đến, họ khiến Ni phải đền tiền cho những hư hỏng đã gây ra cho nhà hàng và thu thập những đoạn phim giám sát để điều tra về vụ việc.
Câu chuyện này đã lan truyền nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc và gây ra ảnh hưởng không nhỏ, đúng vào lúc chuỗi nhà hàng lẩu này chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO) với giá trị lên tới gần 1 tỷ đô la ở Hồng Kông, chưa đầy một tuần.
Cuối cùng, phía nhà hàng đã đồng ý trả cho người phụ nữ khoản tiền hoàn lại là 800 NDT (2,7 triệu đồng) để mong có thể chấm dứt vấn đề này.
Nhưng vấn đề bỗng trở nên "hot" trở lại khi người quản lý của Chongqing Impression, một cửa hàng lẩu Thâm Quyến khác, liên hệ với cảnh sát và cho biết người phụ nữ trên đã khiếu nại điều tương tự ở nhà hàng của ông ta vào tối ngày 29/9 (chỉ 1 ngày sau vụ việc ở Haidilao).
Trả lời các PV, Ni nhấn mạnh rằng cô ta đã đến nhà hàng thứ hai vì muốn kiểm tra các điều kiện vệ sinh tại các nhà hàng lẩu trong thành phố.
Sau khi đã đấu tranh kiên quyết đòi bồi thường thì giờ đây cô ta lại tuyên bố: "Tôi không cần bồi thường. Tôi chỉ muốn phơi bày những điều kiện không hợp vệ sinh tại các nhà hàng này."
Trong hoàn cảnh vừa IPO ở Hồng Kông, chuỗi nhà hàng Haidilao trở nên rất nhạy cảm với những rủi ro từ các vụ bê bối thực phẩm - Ảnh Bloomberg.
Những năm gần đây, đã liên tiếp xảy ra những vụ tranh cãi tại các nhà hàng lẩu của Trung Quốc.
Trường hợp mới nhất là ở tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc, một người phụ nữ đã 2 lần đòi bồi thường sau khi tuyên bố phát hiện có gián trong nồi lẩu tại nhà hàng Haidilao.
Điều đặc biệt là 2 vụ việc có cùng nguyên nhân và cách nhau 8 tháng.
Trong lần đầu tiên, cô đã đòi được bồi thường 1 triệu NDT và nâng lên thành 3 triệu NDT trong lần thứ 2, nhưng đều bị phía nhà hàng từ chối.
Tuy nhiên, cũng có một số nhà hàng thua trong những trường hợp kiện cáo về việc vi phạm quy tắc vệ sinh thực phẩm này.
Hồi tháng 9, một "gã khổng lồ" về lẩu của Trung Quốc, Xiabu Xiabu phải đối mặt với sự phẫn nộ của công chúng, khiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh.
Sự việc diễn ra sau khi một người phụ nữ mang thai tìm thấy một con chuột trong nồi lẩu, khi ăn tại một chi nhánh nhà hàng này ở tỉnh Sơn Đông.
Nhân viên nhà hàng còn "đổ dầu vào lửa" giận của dư luận bằng cách mỉa mai đề nghị sẽ trả tiền cho người phụ nữ để cô ta phá thai.
Chuỗi nhà Haidilao cũng bị đẩy lên "đầu sóng ngọn gió" vào năm ngoái khi có 2 trường hợp xảy ra ở 2 nhà hàng tại Bắc Kinh: một nhà hàng bị "nháo" chuột còn nhà hàng kia là dùng nước bẩn giặt rẻ lau nhà để rửa bát.
Tuy nhiên, không chịu xui xẻo như Xiabu Xiabu, Haidilao đã phản pháo bằng cách tung ra các đoạn phim quay trực tiếp 24/24 từ 25 cửa hàng ở Bắc Kinh để khách hàng có thể kiểm tra điều kiện vệ sinh của họ trong khi nấu ăn và phục vụ khách hàng.
Kết quả, Haidilao đã khắc phục được sự cố mà không gây tổn hại tới triển vọng đưa công ty ra thị trường chứng khoán.
Những vụ việc như trên đã cảnh tỉnh rất nhiều những doanh nghiệp kinh doanh ăn uống khác trên đất nước này, cả các thương hiệu trong nước lẫn nước ngoài.
Trong hoàn cảnh muốn tiếp tục mở rộng thương hiệu ra tầm quốc tế, những vụ bê bối vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề rất nhạy cảm đối với các nhà hàng.
Reuters đưa tin, để mở rộng công việc kinh doanh bằng cách IPO, các doanh nghiệp này đã đầu tư gần 1 tỷ USD nhằm giúp cải thiện các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cũng như lắp đặt công nghệ cao theo dõi trong nhà bếp của mình.