Trận 'giáp lá cà' hiếm thấy giữa hai cỗ máy chiến tranh của Nga và Ukraine, kết cục khiến người xem bất ngờ

Hữu Hiển |

Một trận kịch chiến hiếm thấy giữa hai xe chiến đấu bộ binh của Nga và Ukraine đã diễn ra ở ngoại ô thành phố Avdiivka - mặt trận "nóng" nhất hiện nay.

Theo chuyên trang về các loại máy móc Popular Mechanics (Mỹ), vào tháng 11, một máy bay không người lái của Ukraine đã ghi lại được cảnh cận chiến giữa hai cỗ máy chiến tranh cuối thời Chiến tranh lạnh: xe chiến đấu bộ binh M2A2 ODS Bradley của Ukraine và xe chiến đấu bộ binh BMP của Nga.

Cuộc đụng độ diễn ra gần một ngã ba đường sắt ở ngoại ô Stepove, phía bắc thành phố Avdiivka của Ukraine, nơi hứng chịu các cuộc tấn công mạnh mẽ của Nga kể từ tháng 10. Nguồn: War Archive/X

Được viện trợ từ Mỹ, xe chiến đấu bộ binh Bradley được điều khiển bởi Lữ đoàn tấn công 47 của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, không thể xác định chính xác đối thủ của nó là gì, đó có thể là một chiếc BMP-2 được trang bị pháo tự động 30 mm, hoặc BMP-3 có vũ khí tốt hơn một chút với một khẩu pháo 100 mm cùng với súng 30 mm.

Trận 'giáp lá cà' hiếm thấy giữa hai cỗ máy chiến tranh của Nga và Ukraine, kết cục khiến người xem bất ngờ- Ảnh 1.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của quân đội Nga. Biến thể này gắn một khẩu pháo tự động A272 30 mm, cùng với một máy phóng tên lửa chống tăng Konkurs và súng máy, có một lớp giáp phía trước dày tối đa 30 mm. Ảnh: Getty

Trong video, BMP nấp bên rìa của khu rừng rậm rạp, trong khi Bradley thận trọng tiến về phía trước từ hướng vuông góc với khu rừng, nơi có ít cây cối bao phủ hơn. Kíp chiến đấu trên chiếc Bradley rõ ràng đã ý thức được sự hiện diện của chiếc BMP, trong khi đối thủ của họ lại không kịp thời phát hiện ra điều đó.

Theo Popular Mechanics, có lẽ những người điều khiển máy bay không người lái đã chuyển thông tin về vị trí của chiếc BMP cho kíp chiến đấu trên chiếc Bradley. Nhưng Bradley cũng có hệ thống camera nhiệt vượt trội, mà họ có thể đã sử dụng để phát hiện BMP trước.

Trong vòng 14 giây đầu video, súng tự động M242 Bushmaster trên chiếc Bradley bắt đầu bắn ra những viên đạn phân mảnh 25 mm (1 inch) M792 có sức công phá mạnh. Một số viên đạn phát nổ sớm khi va vào cành cây hoặc mặt đất. Nhưng những vụ nổ nhỏ khác đã lóe lên trên thân xe BMP.

Trang Popular Mechanics nhận định, nếu kíp chiến đấu trên chiếc Bradley sử dụng đạn xuyên giáp M791 thay vì đạn phân mảnh M792, trận chiến có thể đã kết thúc nhanh chóng. Nhưng có lẽ pháo thủ trên chiếc Bradley đã không tính đến việc đối mặt với những chiếc xe bọc thép của quân địch nên không nạp đạn xuyên giáp.

Trận 'giáp lá cà' hiếm thấy giữa hai cỗ máy chiến tranh của Nga và Ukraine, kết cục khiến người xem bất ngờ- Ảnh 2.

Pháo thủ trên xe chiến đấu bộ binh Bradley cầm một băng đạn phân mảnh M792 vào tháng 9/2023. Ảnh: Getty

Sau khi bị tấn công phủ đầu trong 15 giây, những người điều khiển chiếc BMP đã bất ngờ tăng tốc, lao ra khỏi rừng, chạy trốn khỏi chiếc Bradley đang tấn công.

Tuy nhiên, hành động chạy trốn của BMP làm phơi bày phần vỏ và giáp mỏng hơn ở phía sau, khiến nó khó tránh cuộc tấn công bằng đạn chùm 155 mm của chiếc Bradley.

Trong những giây cuối cùng của video, có thể thấy các vụ nổ nhỏ lặp đi lặp lại do đạn chùm kết hợp với đạn pháo 25 mm trên chiếc Bradley nhằm vào chiếc BMP.

Tuy nhiên, đoạn video sau đó kết thúc bất ngờ, không rõ số phận của chiếc BMP ra sao. Popular Mechanics nhận định rằng, có thể đoạn video đã được biên tập để che giấu việc chiếc BMP đã trốn thoát.

Ukraine trang bị xe tăng cũ cho lữ đoàn mới

Ukraine gần đây đã thành lập các lữ đoàn mới, bao gồm 5 lữ đoàn cơ giới: Lữ đoàn 150, 151, 152, 153 và 154 cùng với Lữ đoàn tăng số 5, nhưng cho đến nay vẫn trong tình trạng thiếu xe tăng và phải sử dụng các xe tăng cũ.

Theo số liệu được Forbes đưa ra, cả Nga và Ukraine đều đã tổn thất 2/3 số lượng xe tăng mà hai bên sở hữu từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.

Các chuyên gia quân sự nhận định, trong khi các xe tăng với sự cân bằng về tính linh động, khả năng bảo vệ và hỏa lực vẫn quan trọng thì những thứ chi phối lớn nhất đến cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay là máy bay không người lái (UAV), pháo và mìn.

Lực lượng nào triển khai được nhiều UAV hơn, phóng được nhiều pháo hơn và đặt được nhiều mìn hơn thì lực lượng đó sẽ có lợi thế phòng thủ. Lực lượng nào có thể bắn hạ nhiều UAV hơn, ngăn chặn đạn pháo của đối phương và dọn sạch các bãi mìn thì lực lượng đó sẽ đạt được lợi thế tấn công.

Chừng nào mìn, pháo và UAV vẫn chi phối chiến trường thì việc các bên sử dụng xe tăng cũ hay mới không quan trọng, các chuyên gia kết luận.

Nỗi lo của cựu tướng Ấn Độ: Trung Quốc xây đường cao tốc mới gần biên giới để điều động quân đội

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại