"Trận chiến" ngoại giao bất cân xứng Nga - Ukraine

Trương Khắc Trà |

Nga được đánh giá cao hơn Ukraine về sức mạnh quân sự, nhưng trong màn so găng ngoại giao, Moscow tỏ ra lép vế!

Trận chiến ngoại giao bất cân xứng Nga - Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine phát biểu trước Quốc hội Mỹ trong màn chào đón nồng nhiệt của các Nghị sĩ

Tổng thống Ukraine, Zelensky đã phát biểu hơn nửa giờ đồng hồ trước Quốc hội Mỹ. Đúng như dự báo, ông giành toàn bộ thời gian quý báu để thuyết trình lý do Kiev không thể buông xuôi cuộc chiến.

Tổng thống Zelensky lập luận rằng, cuộc chiến này sẽ quyết định con cháu chúng ta sống trong thế giới tương lai như thế nào? - ám chỉ thế giới tự do, dân chủ mà người Nga đang phá hủy nó ở Ukraine.

Ông Zelensky đảm bảo với người Mỹ rằng tiền của họ không bị lãng phí ở Ukraine, nói rằng binh lính của họ biết rất rõ cách vận hành các hệ thống vũ khí và máy bay phức tạp của Mỹ.

Trong khi đó, chuyến đi của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga, Dmitry Medvedev đến Trung Quốc không mang lại kết quả cụ thể - ngoài những phát biểu thuần túy ngoại giao của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Có thể nói rằng, bên cạnh xung đột vũ trang Nga - Ukraine là trận chiến ngoại giao không kém phần nóng bỏng. Nếu như Kiev sẵn sàng chấp nhận thế “cửa dưới” để thuyết phục châu Âu và Mỹ ủng hộ họ thì Nga bị kẹt trong vỏ bọc cường quốc.

Kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine xảy ra, Tổng thống Ukraine đã 2 lần được ưu ái phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, lên án hành động của quân đội Nga ở Ukraine - cho dù Moscow gọi đó là “bất công bằng”.

Điều đó một lần nữa cho thấy, Mỹ và châu Âu vẫn làm chủ các diễn đàn đa phương lớn nhất. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của hầu hết các nước lớn trên thế giới. Về quân sự có NATO; về kinh tế, tài chính có Tây Âu và Mỹ.

Trục ngoại giao của Kremlin thay đổi rõ rệt sau khi chiến sự Nga- Ukraine nổ ra, ông Putin tập trung thắt chặt quan hệ với các nước có mối thù địch với Mỹ, như Iran, Syria, Trung Quốc, Triều Tiên...

Trận chiến ngoại giao bất cân xứng Nga - Ukraine - Ảnh 2.

Tổng thống Putin rất "đau đầu" về trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ

Nga không dễ dàng nương tựa vào Trung Quốc, bởi vì nước này muốn tránh tối đa mâu thuẫn với phương Tây. Họ đang bị cô lập về công nghệ chip, bị đặt cảnh báo thương mại và hàng loạt vấn đề nội bộ như tái bùng phát dịch bệnh, suy thoái kinh tế.

Trung Quốc có toan tính riêng của mình với chính sách đối ngoại được thiết kế để phục vụ lợi ích quốc gia, làm sao thu được tối đa và tiêu tốn nguồn lực ít nhất. Chẳng hạn, gần đây Bắc Kinh không tham gia các cam kết quốc tế quan trọng - nơi mà họ không có vai trò chỉ huy.

Ngược lại, nước này thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế hợp tác với Trung Đông, Trung Á, có thể nhắm đến nguồn tài nguyên quan trọng, và quan trọng hơn họ đóng vai trò chủ trì, như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), liên minh tài chính với Nga, Iran.

Những đối tác còn lại của Nga có thừa ý chí chống Mỹ, song tiềm lực hạn chế. Riêng trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ khiến ông Putin “ngậm bồ hòn làm ngọt”, Ankara rất biết cách tận dụng thế khó của Moscow để tìm kiếm lợi ích trước mắt.

Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp UAV để lực lượng Ukraine phá hủy xe tăng Nga, song cũng khiến Moscow mừng thầm khi tuyên bố ngăn cản Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Nhưng hồi cuối tháng 6 vừa qua, trước khi Thượng đỉnh NATO diễn ra, Tổng thống Erdogan rút lại việc phản đối hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại