Trận chiến kim chi: Người Hàn Quốc bức xúc tố Trung Quốc "đánh cắp" văn hóa truyền thống

An An |

Cuộc tranh luận về kim chi đã mở ra một mặt trận mới cho cuộc cạnh tranh quyền lực mềm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc.

Một người bán kim chi trong một khu chợ ở Seoul.

Một người bán kim chi trong một khu chợ ở Seoul.

Tuyến chiến mới giữa Trung Quốc và Hàn Quốc

Dưa muối rất ngon. Rất nhiều người Trung Quốc và Hàn Quốc có thể đều đồng ý về điểm này. Nhưng đối với một số người dùng mạng xã hội ở hai nước, mỹ vị của ẩm thực sẽ kết thúc ở đó.

Tuần này, một cuộc tranh cãi đang diễn ra gay gắt về tuyên bố của tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) nói rằng Trung Quốc đã “dẫn đầu” việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế cho paocai (hoặc dưa muối). Ở Hàn Quốc, tuyên bố này bị cho là gây hiểu lầm vì trong tiếng Trung, paocai còn dùng để chỉ kim chi - món cải thảo lên men đóng một vai trò không thể thiếu trong ẩm thực Hàn Quốc.

Động thái này đã khiến các quan chức và báo chí Hàn Quốc lên tiếng phản đối, cùng với hàng loạt bình luận chỉ trích trên mạng xã hội.

Nếu Trung Quốc ăn cắp quy trình chế biến kim chi trong tương lai, thì văn hóa truyền thống của Hàn Quốc có thể biến mất”, một người dùng lo lắng viết trên Naver, một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến ở Hàn Quốc.

Theo The New York Times (NYT-Mỹ), cuộc tranh luận này đã mở ra một mặt trận mới cho cuộc cạnh tranh quyền lực mềm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Mối quan hệ giữa hai nước đôi khi xấu đi do những vấn đề quan trọng hơn, như chương trình hạt nhân của Triều Tiên hay vấn đề còn sót lại trong chiến tranh Triều Tiên .

Nó cũng chạm đến những điểm nhức nhối trong văn hóa ở Hàn Quốc: Gần 40% kim chi sản xuất tại nhà máy được nhập khẩu từ Trung Quốc và truyền thống làm kim chi tại quốc gia này đang mất dần khi ngày càng nhiều gia đình Hàn Quốc ăn các món ăn phương Tây.

Cuộc tranh cãi về kim chi bắt đầu từ tuần trước, khi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) có trụ sở chính tại Thụy Sĩ đưa ra dự thảo thông số kỹ thuật cho "danh mục" và "yêu cầu sản xuất" paocai. Paocai Trung Quốc là một loại dưa chua tương tự như kim chi Hàn Quốc, rất phổ biến ở tỉnh Tứ Xuyên, miền tây Trung Quốc.

Trận chiến kim chi: Người Hàn Quốc bức xúc tố Trung Quốc đánh cắp văn hóa truyền thống - Ảnh 1.

Lễ hội làm kim chi được tổ chức tại quận Goesan, Hàn Quốc vào tháng trước. Ảnh: NYT

ISO thường ban hành các hướng dẫn như vậy để đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ của một quốc gia phù hợp với các quy trình công nghiệp ở một quốc gia khác.

Trong trường hợp này, ISO cho biết, ngành công nghiệp paocai thiếu "các quy định đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm một cách nhất quán và rõ ràng", điều này "hạn chế đáng kể việc lưu thông và trao đổi thương mại quốc tế đối với các sản phẩm paocai".

ISO đặc biệt nhấn mạnh, định nghĩa của họ "không áp dụng cho kim chi". Tuy nhiên, trong một bài báo được xuất bản vào cuối tuần qua, Hoàn cầu nói rằng, tiêu chuẩn mới này chứng minh Trung Quốc đã đặt ra một “tiêu chuẩn ngành” cho “thị trường paocai quốc tế” - một thuật ngữ về cơ bản bao gồm kim chi.

Tuyên bố của Hoàn cầu đã chạm đến lòng tự tôn của người Hàn Quốc. Một số người dùng mạng xã hội nước này đã cáo buộc Hoàn cầu "chiếm đoạt văn hóa".

Chia sẻ với Yonhap News, Seo Kyoung-duk, Giáo sư tại Đại học nữ Sungshin (Seoul), nói rằng: "Song song với hiện tượng văn hóa Hàn Quốc đang mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, thì Trung Quốc có vẻ như đang nỗ lực để tuyên bố rằng những nội dung đó có nguồn gốc từ họ".

Bộ Nông Lâm Chăn nuôi và Thực phẩm Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ nhật rằng, tiêu chuẩn về paocai của ISO "không liên quan đến kim chi Hàn Quốc", đồng thời cho biết thêm, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) đã công bố định nghĩa về kim chi vào năm 2001.

"Việc không phân biệt kim chi Hàn Quốc của chúng ta với paocai [trong bài viết của Hoàn cầu] là không hợp lý", bộ này cho biết.

Phát ngôn viên của ISO, Sandrine Tranchard, cho biết tổ chức này thường phát triển các tiêu chuẩn dựa trên yêu cầu của "ngành hoặc các bên liên quan khác" và các ủy ban kỹ thuật chuyên nghiệp của họ tập hợp các chuyên gia từ ngành, nhóm người tiêu dùng, giới học thuật, tổ chức chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận.

Chúng tôi không thể bình luận về thực phẩm hoặc di sản văn hóa", bà Tranchard nói về tiêu chuẩn paocai.

Tranh cãi không hồi kết

Theo NYT, cuộc tranh luận kiểu này hầu như không phải là trường hợp đầu tiên ở châu Á.

Ví dụ, vào năm 2018, khi Singapore công bố kế hoạch yêu cầu UNESCO công nhận các quán ăn đường phố là di sản văn hóa phi vật thể thì giới phê bình của nước láng giềng Malaysia đã phản đối, nói rằng các quán ăn của họ ngon hơn, và phần lớn ẩm thực của Singapore có nguồn gốc từ Malaysia. Indonesia cũng có tranh chấp tương tự với Malaysia về batik (một quy trình dệt nhuộm) .

Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã thực hiện các chiến dịch riêng biệt để đưa lễ hội muối kim chi (một truyền thống hàng thế kỷ được gọi là Kimjang) vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO. Tổ chức này đã đồng ý với yêu cầu của cả Triều Tiên và Hàn Quốc.

Cho Jung-eun, Giám đốc Viện Kimchi Thế giới, một viện nghiên cứu được tài trợ bởi chính phủ Hàn Quốc, cho biết kim chi thuộc dòng thực phẩm muối quốc tế bao gồm paocai, dưa muối (tsukemono, từ Nhật Bản) và dưa cải bắp (tsukemono, từ Đức).

Bà Cho nói rằng khi FAO công bố định nghĩa về kim chi vào năm 2001, “Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm đến kim chi và kim chi cũng không được sản xuất ở Trung Quốc vào thời điểm đó”. Bà nói thêm, chỉ sau khoảng năm 2003, người Hàn Quốc mới bắt đầu xây dựng các nhà máy sản xuất kim chi ở Trung Quốc, và sau đó thị trường kim chi mới phát triển ở Trung Quốc.

Một số cư dân mạng Trung Quốc tỏ thái độ hòa giải trên mạng xã hội khi nói rằng, cả kim chi Hàn Quốc và "paocaiTứ Xuyên" đều ngon - thậm chí còn cho rằng "paocai của Trung Quốc" không ngon bằng của Hàn Quốc.

Nhưng một số người Trung Quốc khác vẫn không chấp nhận.

"Của Tứ Xuyên mới là kim chi thực sự", một người dùng viết trên Weibo, một nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc tương tự như Twitter. "Phiên bản của Hàn Quốc đơn thuần chỉ là là dưa chua".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại