TQ tranh cãi nảy lửa về bức tượng khổng lồ mọc lên ở vùng sâu: Dân chê lãng phí, quan chức nói có lợi

An An |

Trong mắt nhiều người khác ở Trung Quốc, tác phẩm điêu khắc Yang Asha là một món đồ trang trí đắt tiền, tương tự như nhiều dự án phù phiếm lãng phí, gây thất thoát tiền bạc.

Những công trình lớn bị chỉ trích

Yang Asha nhìn xuống những ngọn núi xanh tươi với nụ cười hiền hòa và bàn tay dang rộng chào đón. "Bà" có vẻ thờ ơ với sự lên án mạnh mẽ về sự hiện diện của mình ở Trung Quốc - "Bà" là một bức tượng làm bằng thép không gỉ sáng bóng và cao hơn cả Tượng Nữ thần Tự do của Mỹ.

Đối với các quan chức địa phương, bức tượng nữ thần xinh đẹp Yang Asha là một sự tôn vinh nền văn hóa phong phú của địa phương, và hy vọng tác phẩm điêu khắc sẽ thu hút khách du lịch với số lượng lớn. Tuy nhiên, trong mắt nhiều người khác ở Trung Quốc, tác phẩm điêu khắc Yang Asha là một món đồ trang trí đắt tiền, tương tự như nhiều dự án phù phiếm lãng phí, gây thất thoát tiền bạc.

Những ý kiến phê bình này cũng đề cập đến bức tượng Quan Vũ ở Kinh Châu. Bức tượng Quan Vũ tay cầm Thanh long yển nguyệt đao cũng cao hơn tượng Nữ thần Tự do.

TQ tranh cãi nảy lửa về bức tượng khổng lồ mọc lên ở vùng sâu: Dân chê lãng phí, quan chức nói có lợi - Ảnh 1.

Bức tượng Quan Vũ đồ sộ ở Kinh Châu. Ảnh: NYT

Họ đề cập đến Khách sạn Tĩnh Tâm Cốc. Tòa nhà bằng gỗ 24 tầng này có nhiều ban công và không gian mở nhưng có rất ít phòng nghỉ thực sự. Ngoại trừ một số khách du lịch đến đây để săn tìm kỳ quan, khách sạn hầu như rất ít khách.

Họ đề cập đến bản sao 1:1 của con tàu Titanic, được đóng với chi phí 1 tỷ nhân dân tệ. Bản sao được đậu trong một hồ chứa trong đất liền cách biển 2.000 km.

Các dự án như vậy liên tục hứng chịu chỉ trích ở Trung Quốc.

Mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết đưa các vùng nông thôn Trung Quốc thoát nghèo, trong khi một số dự án quy mô lớn này lại được xây dựng ở những khu vực nghèo nhất của Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc hiện nay vẫn đang trong quá trình hồi phục do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong khi nhiều người vẫn đang phải vật lộn để trở lại cuộc sống bình thường, thì những dự án này dường như chỉ tạo thêm gánh nặng, khiến nhiều chính quyền địa phương mắc nợ nặng nề.

Vào ngày 29/9 năm nay, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn Trung Quốc thông báo khách sạn Tĩnh Tâm Cốc trị giá 256 triệu nhân dân tệ và tượng Quan Công (bao gồm cả phần đế được thiết kế công phu của tượng và công viên xung quanh) có giá 1,5 tỷ nhân dân tệ, đồng thời cho biết, đây là các công trình quy mô lớn được xây dựng một cách mù quáng, xa rời thực tế và quần chúng.

Theo đánh giá, giới chức Trung Quốc thường đề cao các công trình quy mô lớn. Trung Quốc hiện có 4/5 trong số 100 cây cầu hàng đầu thế giới. Tổng chiều dài đường cao tốc hiện đại ở Trung Quốc vượt qua hệ thống đường cao tốc liên bang của Mỹ. Tổng chiều dài của mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc đủ để vượt qua lục địa Mỹ bảy lần. Các dự án này đã mang lại cơ hội việc làm cho hàng triệu người và giúp thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc.

Nhưng các quan chức địa phương dựa vào các khoản nợ lớn để đầu tư cho các dự án này. Theo một số ước tính, nợ địa phương đã lên tới 40 nghìn tỷ nhân dân tệ, điều này làm dấy lên lo ngại về những quả bom tài chính đang rình rập tài khoản của các vùng sâu vùng xa .

Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường đầu tư hơn nữa trong năm nay, và bước đầu đã thành công trong việc thoát khỏi những khó khăn kinh tế do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc vào mùa đông năm ngoái.

Tuy nhiên, do các dự án như vậy được xây dựng ngày càng nhiều ở những nơi xa xôi hẻo lánh nên lợi ích kinh tế của mỗi dự án ngày càng ít đi. Khoản nợ mới của Trung Quốc trong năm nay sẽ đạt mức tương đương với sản lượng kinh tế bốn tháng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tăng tương đương với sản lượng kinh tế trong vòng chưa đầy hai tuần.

Nhà kinh tế học độc lập Gary Liu ở Thượng Hải cho biết, việc vay nợ của chính quyền địa phương vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.

Góc nhìn trái chiều

Đặc biệt gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc là các tác phẩm điêu khắc được xây dựng ở những khu vực khá nghèo nàn. Một số quan chức địa phương đang noi gương thành phố Vô Tích. Năm 1996, Vô Tích đã cho xây dựng một bức tượng Phật cao 88 mét, thu hút một lượng lớn khách du lịch. Nhưng những bức tượng được xây dựng gần đây không còn sức hấp dẫn như xưa.

Zhou Mingqi, một nhà tư vấn du lịch ở Thượng Hải, cho hay: "Những bắt chước đó sau đó chỉ lãng phí nhân lực và tiền bạc".

TQ tranh cãi nảy lửa về bức tượng khổng lồ mọc lên ở vùng sâu: Dân chê lãng phí, quan chức nói có lợi - Ảnh 2.

Cảnh quan ngổn ngang dưới chân tượng Yang Asha. Ảnh: NYT

Điều này khiến tượng nữ thần Yang Asha trở thành mục tiêu chỉ trích mới của người dùng mạng Trung Quốc.

Yang Asha là thủy tổ trong thần thoại của dân tộc Miêu, một dân tộc thiểu số ở Trung Quốc. Người Miêu chiếm phần lớn dân số ở huyện Kiếm Hà, tỉnh Quý Châu, nơi đặt tác phẩm điêu khắc này.

Khu vực Kiếm Hà nổi tiếng là vùng đất nghèo khó, đó là lý do tại sao nhiều người chỉ trích tác phẩm điêu khắc này. Bản thân tác phẩm điêu khắc đã được xây dựng gần bốn năm trước, nhưng do những lời chỉ trích trên mạng, việc xây dựng quảng trường bao quanh tác phẩm điêu khắc nhanh chóng bị dừng lại. Các điểm tham quan vẫn thiếu nhà vệ sinh, bãi đậu xe và các nền tảng cơ bản khác. Những nỗ lực để hoàn thành việc xây dựng vào mùa hè này đã một lần nữa làm dấy lên những lời chỉ trích về dự án.

"Tốt hơn nhiều nếu dành tiền cho xóa đói giảm nghèo", một bình luận đặt vấn đề. "Tác dụng của tác phẩm điêu khắc này là gì?".

Chính quyền địa phương cho biết, tác phẩm điêu khắc chỉ có giá 86 triệu nhân dân tệ, không sử dụng quỹ xóa đói giảm nghèo quốc gia và đã giúp địa phương này thu hút 200.000 khách du lịch trong tuần lễ quốc khánh vào đầu tháng 10 năm nay.

Tuy nhiên, theo NYT, rất khó để xác minh những tuyên bố này. Một người bán đồ lưu niệm rong gần khu điêu khắc cho biết, thời điểm đông khách nhất vào cuối tuần cũng chỉ có khoảng 100 người đến tham quan, và do dịch bệnh nên hầu hết khách du lịch thời gian gần đây đều là người dân địa phương.

Có người cho rằng, những lời chỉ trích hiện tại là hơi quá. Họ tin rằng những người giàu có ở các thành phố lớn của Trung Quốc thường chỉ trích các dân tộc thiểu số ở nông thôn về việc tiêu tiền để tưởng nhớ tổ tiên và truyền thống.

Louisa Schein, một nhà nhân chủng học tại Đại học Rutgers, chuyên gia nghiên cứu về người Miêu của Trung Quốc, cho biết những người chỉ trích này "mang thái độ gia trưởng đối với các dân tộc thiểu số nghèo khó".

Các quan chức địa phương cũng không đồng ý với tuyên bố rằng địa phương họ quản lý thuộc khu vực nghèo. Đầu năm nay, huyện Kiếm Hà thông báo rằng một số gia đình cuối cùng trong khu vực đã thoát nghèo.

Giống như nhiều vùng nông thôn ở Trung Quốc, các cộng đồng ở đây dường như không còn nghèo nữa. Thu nhập của những người lao động nhập cư đến làm việc tại các xưởng sản xuất đồ gỗ và các công trường xây dựng ở nơi khác đã làm thay đổi tình hình ở đây.

Liu Kaimu, 35 tuổi, là một trong những cư dân Kiếm Hà tham gia đội quân công nhân nhập cư. Anh từng làm việc tại Cù Châu, một trung tâm sản xuất đồ nội thất khổng lồ ở vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Trung Quốc, thu hút một lượng lớn lao động nhập cư người Miêu với truyền thống làm gỗ lâu đời.

Thu nhập hàng tháng của Liu là từ 5.000 đến 6.000 nhân dân tệ. Năm 2011, anh đã chi 350.000 nhân dân tệ để mua một căn hộ 3 phòng ngủ rộng 120m2 cho gia đình mình ở Kiếm Hà.

Anh Liu quyết định ở lại Kiếm Hà vài tuần trước khi dịch bệnh bùng phát. Con trai anh hiện đang học trung học và càng cần bố ở nhà hơn.

Cuối cùng, anh Liu bắt đầu một công việc kinh doanh nhỏ: Trong quảng trường bê tông lớn chưa hoàn thành trước tác phẩm điêu khắc Yang Asha, ảnh kinh danh toa xe giải trí hình tên lửa màu tím rực rỡ cho trẻ em. Liu cho biết hiện nay thu nhập thực tế của anh nhiều hơn hẳn so với khi còn là một công nhân nhập cư.

Liu bày tỏ sự cảm kích khi tác phẩm điêu khắc đã cho anh một cơ hội để không phải sống như một công nhân nhập cư nữa. "Trước đây, chúng tôi đã làm việc rất vất vả", anh nói. "Tôi không thể tiếp tục làm những công việc đó nữa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại