Cụ thể đơn vị này cho biết thực hiện chủ trương của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ vào sáng cùng ngày Công ty đã có văn bản gởi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị giảm giá vé cho các chủ phương tiện quanh khu vực Trạm Sông Phan. Dự kiến Bộ GTVT sẽ có quyết định giảm giá vé trong tháng 1-2018.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, sở dĩ đơn vị chủ đầu tư Trạm thu phí Sông Phan chủ động xin giảm giá vé là do nhận được tin vào khoảng 9g sáng ngày 5-1 sẽ có rất đông các phương tiện ô tô sẽ tập trung tại Trạm thu phí để phản đối việc thu phí quá cao đối với các phương tiện sống xung quanh trạm này.
Được biết Trạm thu phí Sông Phan nằm giáp ranh giữa hai xã Hàm Minh và Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam và chủ đầu tư đã có kiến nghị xem xét giảm mức thu phí cho ô tô hai xã này.
Nguồn tin của chúng tôi cũng cho biết việc tập trung phản đối cũng được chủ các phương tiện ô tô ở Phan Thiết, Hàm Tân “hưởng ứng” bằng cách mua vé phí đường bộ qua Trạm Sông Phan bằng tiền lẻ.
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận, tối 4-1 đã nhận được tin về việc này và đã triển khai lực lượng CSGT để điều tiết, đảm bảo an toàn giao thong khu vực trên.
Theo các lái xe chuẩn bị tham gia phản đối, do chủ đầu tư Trạm thu phí Sông Phan chủ động “xin” giảm giá vé nên việc phản đối sẽ tạm thời dừng lại chờ Bộ GTVT quyết định.
Văn bản sáng 5-1 của chủ đầu tư Trạm BOT Sông Phan
Trạm thu giá Sông Phan thu giá dịch vụ cho dự án BOT cải tạo nền, mặt đường quốc lô 1 đoạn Đồng Nai – Phan Thiết dài 113,7 km (đoạn qua Bình Thuận dài 70 km) với kinh phí trên 2.000 tỷ đồng do Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư.
Tháng 6/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị giảm mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện có biển số ở địa phương vì cho rằng người dân chỉ lưu thông qua trạm có km cũng phải đóng phí cả tuyến là bất hợp lý.
Hiện Công an Hàm Thuận Nam, Sở GTVT, Trạm thu phí Sông Phan đang họp đối thoại với đại diện các chủ phương tiện ở địa phương.