"Trái tim" trị giá 35.000 tỷ đồng ở sân bay lớn nhất Việt Nam vừa đạt cột mốc đặc biệt, đó là gì?

Thái Hà |

Công trình được coi là "trái tim" của dự án sân bay lớn nhất Việt Nam vừa chính thức đạt cột mốc đặc biệt trong xây dựng.

Lắp mái nhà ga hành khách sân bay Long Thành nặng 32.000 tấn

Ngày 25/8, thông tin từ Ban Quản lý dự án Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành cho biết, đơn vị thi công đã bắt đầu lắp dựng kết cấu thép mái nhà ga hành khách sân bay Long Thành, một hạng mục quan trọng hàng đầu của gói thầu nhà ga hành khách - được coi là "trái tim" của sân bay.

Hạng mục thi công kết cấu thép mái nhà ga (thuộc gói thầu 5.10) có giá trị khoảng 3.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% giá trị hợp đồng (35.000 tỷ đồng) của công trình nhà ga hành khách Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.

Các hạng mục thi công xây dựng nhà ga hành khách có kết cấu 1 trệt và 3 lầu, chiều cao đỉnh mái 45,55m. Nhà ga được thiết kế với hai cao trình đi và đến tách biệt, có tổng diện tích sàn khoảng 376.451 m2. 40 vị trí đỗ gần được bố trí dành cho các loại tàu bay Code C, E và F.

"Trái tim" trị giá 35.000 tỷ đồng ở sân bay lớn nhất Việt Nam vừa đạt cột mốc đặc biệt, đó là gì?- Ảnh 1.

Ảnh: Ricons

Dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, gần 2.500 nhân sự, bao gồm đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, kiến trúc sư và công nhân lành nghề, cùng khoảng 2.000 máy móc thiết bị đã miệt mài lao động để đảm bảo tiến độ dự án. Công tác an ninh và an toàn lao động cũng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trên công trường.

Khởi công ngày 31/8/2023, trải qua hơn 11 tháng triển khai, đến nay, công trình được coi là “trái tim” của sân bay Long Thành đã chính thức được liên danh nhà thầu cho cất nóc tạo nên dấu ấn cuối cùng trước khi công trình hoàn thiện.

Lễ cất nóc không chỉ là một dấu mốc đáng tự hào của công trình mà còn thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của liên danh nhà thầu trong việc thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cả đội ngũ đã vượt qua thách thức về thời tiết và làm việc liên tục "ba ca bốn kíp", luôn trong tinh thần "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" để hoàn thành công trình thế kỉ này.

"Trái tim" trị giá 35.000 tỷ đồng ở sân bay lớn nhất Việt Nam vừa đạt cột mốc đặc biệt, đó là gì?- Ảnh 2.

Ảnh: Ricons

Khung cảnh nhà ga giờ đã khác xưa với những khối bê tông vững chắc đã nên hình nên vóc. "Với tiến độ như hiện nay, dự kiến 2/9/2026 chuyến bay thương mại đầu tiên sẽ được cất cánh từ sân bay Long Thành", ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết trên báo Giao thông.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và Việt Nam nói chung. Trong đó, nhà ga hành khách là gói thầu có quy mô lớn nhất, tính chất kỹ thuật phức tạp nhất và thời gian thi công dài nhất.

Chính Phủ thúc tiến độ sân bay Long Thành

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Tổ công tác Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, trong kết luận của Phó Thủ tướng nêu rõ, về cơ bản, các dự án thành phần 2 và 3 đã đáp ứng được tiến độ yêu cầu. Riêng đối với Dự án thành phần 4 sân bay Long Thành, Phó Thủ tướng đánh giá các đơn vị đang triển khai không đáp ứng được yêu cầu tiến độ do thiếu năng lực thực hiện.

Vì thế, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT thành lập ngay Tổ công tác nhằm khẩn trương triển khai kịp thời cũng như có hiệu quả dự án thành phần này.

"Trái tim" trị giá 35.000 tỷ đồng ở sân bay lớn nhất Việt Nam vừa đạt cột mốc đặc biệt, đó là gì?- Ảnh 3.

Ảnh: Ricons

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 336.630 tỷ đồng (trên 16 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn xây dựng, trong đó đang triển khai giai đoạn 1.

Giai đoạn 1: Dự án xây dựng trên diện tích hơn 2.500ha, giá trị đầu tư 114.450 tỷ đồng bao gồm một đường cất cánh (gói 5.10), nhà ga hành khách (gói 4.6) cùng các hạng mục phụ trợ (đường kết nối, tháp không lưu...) với công suất 25 triệu khách/năm. Theo dự kiến, giai đoạn 1 sẽ được đưa vào khai thác vào năm 2026.

Công trình xây dựng sân bay Long Thành được chia làm 4 dự án thành phần gồm:

Dự án thành phần 1 (trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước) đang triển khai theo tiến độ đã cam kết; riêng trụ sở cơ quan kiểm dịch động/thực vật đang được Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang chuẩn bị hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, chưa bố trí vốn thực hiện.

Dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay), dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu trong cảng hàng không) đang tiếp tục tập trung nhân lực, thiết bị hoàn thành các hạng mục theo đúng tiến độ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật dự án, đồng bộ cùng Dự án tổng thể.

"Trái tim" trị giá 35.000 tỷ đồng ở sân bay lớn nhất Việt Nam vừa đạt cột mốc đặc biệt, đó là gì?- Ảnh 4.

Ảnh: Ricons

Về dự án thành phần 4, Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thành hồ sơ mời thầu những công trình cấp bách cần thiết cần phải triển khai ngay để bảo đảm phục vụ khi đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác giai đoạn 1: Khu xử lý vệ sinh tàu bay, bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất số 1, 2; khu cung cấp suất ăn hàng không số 1, 2; khu bảo trì, sửa chữa tàu bay số 1, 2, 3, 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại