Hơn 85.000 tỷ đồng để làm tuyến đường "khủng" kết nối Thủ đô với 7 tỉnh liền kề

Thái Hà |

Tuyến đường này sẽ đi qua 8 tỉnh thành, bao gồm Thủ đô Hà Nội với tổng vốn đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng.

Quy mô Vành đai 5 Vùng Thủ đô dài 330km

Tại Kế hoạch của UBND TP Hà Nội về thực hiện chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đặt mục tiêu chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước 2030.

Người dân Hà Nội và các địa phương có tuyến đường Vành đai 5 đi qua đang kỳ vọng rất lớn vào dự án này. Việc đưa đường Vành đai 5 vào khai thác sẽ tăng cường khả năng liên kết giữa các vùng, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông và đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực liên quan.

Dựa trên Quyết định Phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 5 của Vùng Thủ đô Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2014, tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 330km (không tính 41km chạy trùng với các tuyến cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3).

Hơn 85.000 tỷ đồng để làm tuyến đường "khủng" kết nối Thủ đô với 7 tỉnh liền kề - Ảnh 1.

Ảnh minh họa tuyến đường Vành đai 5 tương lai bằng AI ChatGPT

Dự án có quy mô 4-6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường tối thiểu 22-33m và có đường gom hai bên. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội (48km), Hòa Bình (35,4km), Hà Nam (35,3km), Thái Bình (28,5km), Hải Dương (52,7km), Bắc Giang (51,3km), Thái Nguyên (28,9km) và Vĩnh Phúc (51,5km).

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất quan tâm bố trí nguồn vốn của Trung ương để triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 5 đoạn qua tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, đầu tư trước năm 2030.

Trước đó, UBND tỉnh Hà Nam cũng đã có kiến nghị liên quan đến việc đầu tư đường Vành đai 5 qua tỉnh này. Trả lời tỉnh Hà Nam, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh này trong việc huy động nguồn vốn, nghiên cứu phương án đầu tư để sớm khép kín đường vành đai trên địa bàn tỉnh khi có điều kiện về nguồn lực.

Hà Nội đã có bao nhiêu tuyến đường Vành đai?

Quy hoạch giao thông của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đã đề cập đến việc Hà Nội sẽ phát triển 7 tuyến đường vành đai. Những tuyến đường này không chỉ kết nối giao thông trong nội thành mà còn kết nối với các tỉnh, thành phố xung quanh.

Các tuyến đường vành đai chính là nền tảng để hình thành nên bộ khung giao thông đường bộ tại Hà Nội, rất cần được đầu tư để hoàn thiện một cách đồng bộ trong thời gian sớm nhất, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển cân đối, toàn diện và bền vững cho Hà Nội.

Trước tuyến Vành đai 5 ở trên, Hà Nội đã và đang đầu tư, xây dựng các tuyến đường Vành đai khác, gồm:

Tuyến Vành đai 1 chạy qua Nguyễn Khoái, Trần Khát Chân, Kim Liên, Hoàng Cầu, Voi Phục - Vành đai 2 (Cầu Giấy đến Bưởi), là tuyến đường chính kết nối Đông - Tây qua trung tâm Hà Nội. Hiện tại, chỉ còn đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục là chưa hoàn thiện, là điểm nghẽn cần giải quyết để thông suốt toàn tuyến.

Vành đai 2 hiện là đường cao tốc đô thị với lộ trình từ cầu Vĩnh Tuy, qua các điểm Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, hầm chui Gia Lâm, và Đàm Quang Trung quay trở lại cầu Vĩnh Tuy. Tuyến này có một số đoạn tuyến trên cao, giúp các phương tiện tránh được kẹt xe và di chuyển nhanh chóng giữa lòng thành phố.

Hơn 85.000 tỷ đồng để làm tuyến đường "khủng" kết nối Thủ đô với 7 tỉnh liền kề - Ảnh 2.

Đường Vành đai 2. Ảnh: Trường Hùng

Vành đai 2,5 là tuyến đường hỗ trợ nối Vành đai 2 với Vành đai 3, chạy qua khu vực Tây Hồ Tây, Nguyễn Văn Huyên, Trung Kính, Đầm Hồng, Kim Đồng, và Lĩnh Nam.

Vành đai 3 hiện đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, bao gồm cả đoạn trên cao và dưới thấp, từ cầu Thanh Trì qua Linh Đàm, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, đến cầu Thăng Long, là trục giao thông chính của Hà Nội.

Hơn 85.000 tỷ đồng để làm tuyến đường "khủng" kết nối Thủ đô với 7 tỉnh liền kề - Ảnh 3.

Vành đai 3. Ảnh: VTC News

Vành đai 3,5 là tuyến đường bổ trợ giữa Vành đai 3 và Vành đai 4, nối từ cao tốc Pháp Vân ở Thanh Trì đến Phúc La ở Hà Đông, đi qua các khu vực Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, và đường QL32 đến cầu Thượng Cát.

Trong các tuyến Vành đai, Vành đai 4 được xem là dự án cấp bách và quan trọng nhất hiện nay tại Hà Nội vì nó kết nối 5 tỉnh, thành trong Vùng Thủ đô, với đoạn qua Hà Nội dài 56,5km trên địa bàn các quận, huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, và Hà Đông. Hiện Vành đai 4 đang được thi công khẩn trương.

Hơn 85.000 tỷ đồng để làm tuyến đường "khủng" kết nối Thủ đô với 7 tỉnh liền kề - Ảnh 4.

Vành đai 4. Ảnh: thudo.gov.vn


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại