Con tàu được vận hành trên tuyến đường tham quan thuộc hành lang sinh thái trung tâm của Thung lũng Quang học (Optics Valley), tên gọi tắt của Khu công nghệ cao Đông Hồ ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tuyến đường sắt có tổng chiều dài 26,7 km, giai đoạn đầu dài 10,5 km với 6 nhà ga. Mỗi ga là một điểm dừng chân gắn với cảnh quan của hành lang sinh thái. Với tầm nhìn 270 độ do lắp các ô cửa kính từ trần đến sàn, con tàu treo trên không này đang trở thành một yếu tố thu hút du lịch mới ở Vũ Hán.
Khách đợi tàu vào bến
Một hành khách chia sẻ: “Tôi đến để trải nghiệm vì thấy con tàu này mới lạ. Cảm giác về mặt công nghệ cũng được, cứ như trong phim viễn tưởng. Với tầm nhìn phong cảnh 270 độ, tôi có thể xem được hầu hết các cảnh quan của hành lang sinh thái tại đây".
Tàu sử dụng hệ thống lái tự động
Ông Tiêu Công Dục (Xiao Gongyu), Trưởng ban Quy hoạch và Thiết kế của Công ty Giao thông Thung lũng Quang học Vũ Hán (Optics Valley Traffic Company), cho biết đây mới là giai đoạn 1 của một dự án du lịch kết hợp các phương tiện giao thông cả trên sông, trên bộ, trên không và dưới lòng đất tại thung lũng này trong tương lai.
Theo ông, thời gian đầu tàu sẽ chạy thành từng nhóm 2 toa theo 2 hướng ngược nhau. Để đi hết các bến sẽ mất khoảng 30 phút. Sau này, dựa trên lưu lượng người qua lại, các toa có thể linh hoạt kết hợp từ 2-6 toa, nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách: “Sau khi toàn tuyến đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ vận hành hơn chục toa xe. Hiện chúng tôi chạy theo từng nhóm gồm 2 toa, sức chứa tối đa hơn 220 người, tốc độ di chuyển tối đa có thể đạt 60 km/h, tốc độ trung bình khoảng 30-40 km/h”.
Ông Tiêu Công Dục, Trưởng ban Quy hoạch và Thiết kế của Công ty Giao thông Thung lũng Quang học Vũ Hán
Trong khi đó, theo ông Vương An Quân (Wang Anjun), Giám đốc Hệ thống thiết bị của công ty, tàu treo này có mức độ thông minh cao do được trang bị chức năng không người lái hoàn toàn tự động. Toàn bộ quá trình khởi động, dừng đỗ, đóng mở đều được điều khiển tự động mà không cần thao tác thủ công. Người lái tàu chỉ cần ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.
“Là loại hình giao thông đường sắt mới xanh và carbon thấp, đường sắt treo có các ưu điểm là tốc độ xây dựng nhanh, thời gian xây dựng ngắn và chi phí xây dựng thấp. Hiện tại, chúng tôi sử dụng đường sắt treo phục vụ tuyến du lịch sinh thái. Trong tương lai, với đặc điểm lưu lượng giao thông thấp và trung bình, đường sắt treo còn có thể được dùng làm mạng lưới giao thông xương sống của các khu đô thị mới, hoặc bổ sung cho tàu điện ngầm và đường sắt trên cao”.
Ông Vương An Quân, Giám đốc Hệ thống thiết bị Công ty Giao thông Thung lũng Quang học Vũ Hán
Việc nghiên cứu và xây dựng đường sắt treo bắt đầu ở Đức. Tuyến đường sắt treo đầu tiên trên thế giới đã hoạt động ở nước này được hơn 100 năm. Trung Quốc là quốc gia thứ ba trên thế giới sau Đức và Nhật Bản làm chủ được công nghệ đường sắt treo. Theo thống kê chưa đầy đủ, kiểu đường sắt này hiện đang được xây ở khá nhiều nơi tại Trung Quốc, như Thành Đô, Giang Tây... Một tuyến đường sắt treo đệm khí nam châm vĩnh cửu dài 800m mang tên “Hưng Quốc” (Xingguo) ở tỉnh Giang Tây cũng đã được đưa vào thử nghiệm.
Tàu treo giờ đã trở thành điểm check-in hot ở thành phố Vũ Hán
Với nhiều ưu điểm vượt trội, theo các chuyên gia Trung Quốc, đường sắt treo có triển vọng ứng dụng rộng rãi ở nước này như một phương tiện kết nối và kéo dài của mạng lưới giao thông đường sắt công suất lớn ở các thành phố lớn, hay như một tuyến giao thông công cộng xương sống trong các khu đô thị mới hay các thành phố vừa và nhỏ, cũng như các tuyến giao thông nối giữa các nhà ga sân bay, đường sắt cao tốc, đường sắt nội đô, tàu điện ngầm và bến xe đường dài, hoặc các tuyến giao thông bên trong các khu thương mại lớn, khu phát triển, nhà máy quy mô lớn hay trong khuôn viên các trường đại học có diện tích rộng.
Tàu treo trên không ở Vũ Hán, Trung Quốc
Đây là chuyến tàu đường sắt trên không đầu tiên đi vào hoạt động thương mại ở Trung Quốc và nó đã tạo ra tiền lệ cho việc sử dụng thương mại các đoàn tàu một ray treo trên không tại quốc gia này.