Trong khi người người, nhà nhà đang đoàn viên, sum vầy cùng nhau trong những ngày đầu năm mới bên mâm cơm đầy ắp tiếng cười nói thì với Cao Tuấn Ninh (biệt danh Ninh Ken, SN 1996, Yên Bái), có một cái Tết thật khác.
Ninh đã chọn cách đón Tết trong một nhà hàng, với vai trò là nhân viên phục vụ.
Chân dung chàng trai với quyết định táo bạo dịp Tết
Chia sẻ về điều này, Ninh vui vẻ cho biết: "Đây là cái Tết đầu tiên xa nhà của mình, không cùng bố mẹ đón giao thừa, không đi chúc Tết họ hàng, không gặp gỡ bạn bè. Mình đắn đo, suy nghĩ mãi trước khi đưa ra quyết định này.
Mình muốn có một trải nghiệm đáng nhớ vào dịp đầu năm, để hiểu cảm giác của những người không có Tết, họ sẽ như thế nào. Đồng thời thì mình cũng muốn kiếm một chút tiền để chi tiêu trong năm tới".
Dù đã đưa ra rất nhiều lý do để thuyết phục gia đình cho đi làm thêm dịp Tết nhưng Ninh đều vấp phải sự phản đối dữ dội. Bố mẹ đều mong Tết là dịp để đoàn viên, sum họp nên lời đề nghị của Ninh hoàn toàn không được phép.
Phải đến khi Ninh chia sẻ về mong muốn được hiểu hơn cảm giác của những người lao động nghèo, những người không có điều kiện đón Tết, những người không có gia đình nên phải đón Tết một mình… thì bố mẹ mới cân nhắc và cho phép anh chàng.
Khối lượng công việc khá nặng khiến Ninh nhiều phen khốn đốn.
Theo như Ninh bật mí thì cậu bắt đầu đi làm từ hôm 29 Tết. Kể từ hôm đó đến nay, mỗi ngày của Ninh bắt đầu từ 7 giờ sáng và mệt mỏi kết thúc lúc 3 giờ sáng hôm sau với mức lương 1 triệu đồng/ngày.
Ninh chỉ có 2 – 3 tiếng để chợp mắt mỗi ngày trước khi bước vào "cuộc chiến", cũng vì điều này mà những ngày Tết, Ninh không gặp bố mẹ quá 30 phút.
"Người ta thì có đôi có cặp, tay trong tay đi ăn. Mình thì phục vụ từ sáng tới đêm hết mâm này đến mâm khác.
Khách liên tục gọi: "Anh ơi em xin bát súp… Anh ơi em xin chai rượu… Anh ơi em xin ít tương ớt… Anh ơi giấy ăn…".
Ông chủ thì liên tục giục: "Thằng kia dọn mâm, thằng kia bê đồ nhanh tay lên, thằng kia lau nhà…" Mọi thứ cứ quay cuồng nhanh, không kịp trở tay.
Rồi bố mẹ, ông bà ai cũng phàn nàn, thậm chí là chỉ trích: "Con đi làm làm gì? Cả năm mới có một dịp Tết, làm được bao nhiêu mẹ cho con gấp đôi".
Nhưng với mình, trải nghiệm đi làm dịp Tết cùng với việc hiểu được cảm giác của những người không được đón một cái Tết trọn vẹn mới thực sự là đáng trân trọng", Ninh kể lại.
Trong những ngày Tết, Ninh vẫn đầu tắt mặt tối phục vụ ở nhà hàng, nhiều khi chỉ kịp ăn gói mì tôm cho xong bữa.
Với Ninh, hơn 20 năm qua thì đây là năm đầu tiên mà anh chàng không ở nhà đón Tết, sớm đi khuya về. Quán ăn thì hôm nào cũng kín bàn trong khi đó nhân viên nghỉ Tết hết, khách thì ngày Tết uống say, dễ nóng nảy nên gọi í ới liên tục.
Cũng may là Ninh đã từng làm rất nhiều công việc, lại từng làm phục vụ nên không còn bỡ ngỡ và ra đồ rất nhanh.
Đặc biệt, Ninh xúc động chia sẻ rằng dù bố mẹ không vui vì chuyện đi làm ngày Tết nhưng khi nhận được tin nhắn chúc mừng từ mẹ, Ninh đã rơi nước mắt. Mẹ cậu dù mong muốn con trai ở nhà ăn Tết, nhưng vẫn vui vì Ninh đã biết thương mẹ và em trai, tự kiếm tiền để chi tiêu.
"Con ơi! Mỗi một năm trôi qua, mẹ càng già yếu hơn. Mẹ thương con vô cùng, những ngày này đáng lẽ ra mẹ phải nấu cho con ăn thì con vẫn cố gắng đi làm.
Mẹ thấy hạnh phúc vì con đã biết thương mẹ và em hơn. Cảm ơn con. Mong con trưởng thành hơn trong từng hành động và suy nghĩ", là tin nhắn từ mẹ mà Ninh nhận được đêm giao thừa.
"Tuổi 20 của mình đánh dấu bằng chuyến xuyên Việt và trải nghiệm hết 53 tỉnh thành. Với mình thì tuổi trẻ dám nghĩ dám làm, đừng bao giờ từ chối cơ hội để mình thành công, dù là việc nhỏ nhất.
Mình thấy bản thân còn may mắn hơn nhiều người khi còn có sức khoẻ, còn có đủ năng lực để nhà tuyển dụng gọi đi làm. Mình không sợ áp lực, không sợ khó, mọi thứ sẽ chứng minh bằng hành động và kết quả", Ninh tâm sự.