Một trong số đó, không thể không nhắc đến tu viện Tiger’s Nest hay còn gọi là Paro Taktsang. Nơi gắn liền với quá trình tu tập và hành đạo của ngài thượng sư Liên Hoa Sinh.
Sau 2,5 năm đóng cửa vì dịch Covid-19, ngày 23/9 vừa qua, Vương quốc Bhutan đã chính thức mở cửa trở lại cho du khách quốc tế.
Bhutan được mệnh danh là đất nước hạnh phúc nhất thế giới, với dân số chỉ khoảng 800.000 người, được bao bọc bởi các ngọn núi cao, trong đó có 20 ngọn núi cao hơn 7000m. Hàng năm, nơi đây đón khoảng 300.000 khách du lịch quốc tế, trong đó có 200.000 khách đến từ các nước châu Á.
Bên cạnh nhóm du khách đến Bhutan để ngắm cảnh, mọi người còn chọn nơi đây là nơi để tìm hiểu về phật giáo với rất nhiều tu viện, đền cổ kính và linh thiêng nằm rải rác trên các triền núi khắp đất nước.
Trong đó, tu viện phật giáo nổi tiếng nhất của Bhutan mà du khách nào cũng muốn ghé thăm một lần là Tiger's Nest, một tu viện cổ nằm cheo leo trên vách đá cao 900m, ngay trên miệng thung lũng Paro (cách khoảng 900m so với đáy thung lũng), trên độ cao 3.108 m so với mực nước biển.
Bhutan mở cửa đón du khách sau đại dịch Covid-19
Năm 1962, tu viện Paro Taktsang chính thức được khởi công xây dựng bởi nhà lãnh đạo Gyalse Tenzin Rabgye. Năm 1998, một biến cố xảy ra đã khiến Paro Taktsang bị thiêu rụi trong một đám cháy và mãi đến năm 2005, tu viện mới được phục hồi trở lại như xưa.
Tu viện bao gồm 4 điện chính và 8 hang động xung quanh, tuy nhiên chỉ có 4 hang động cho phép khách vào tham quan. Bên cạnh đó, còn có những khu nhà ở của người dân được thiết kế thích hợp với từng loại địa hình vách đá, hang động. Nhằm tạo sự thuận tiện trong việc di chuyển, người ta đã cho xây các bậc cấp và lối đi lát bằng đá cùng một số cây cầu gỗ nối giữa các ngôi điện của tu viện với nhau. Một điểm nhấn độc đáo khiến bao du khách thích thú khi đến đây là cơ hội được ngắm nhìn thung lũng Paro từ trên cao xuống thông qua những góc ban công xinh xắn của mỗi ngôi điện.
Để đến được tu viện, bạn sẽ mất khoảng hai tiếng đồng hồ leo núi xuyên qua những rừng thông xanh bạt ngàn. Dọc đường đi, bạn dễ dàng bắt gặp rất nhiều dây cờ phướn sắc màu sặc sỡ, bên trên in những lời kinh cầu nguyện, những cây thần chú và cả những lời cầu phúc bình an của các Phật tử đã ghé thăm nơi đây.
Giữa tầng lớp mây mù lãng đãng sương khói, không gian huyền ảo của tu viện Paro Taktsang và ngọn núi Paro Taktsang hòa quyện vào nhau tạo nên cảm giác tịch mịch đến diệu kỳ khiến tâm hồn bạn như lạc vào cõi hư không bí ẩn.
Bước vào bên trong tu viện, bạn có dịp chiêm ngưỡng các gian thờ được bố trí những hàng đèn dầu ngay ngắn, những bức bích họa sống động miêu tả chân dung ngài Liên Hoa Sinh tu hành và hoằng pháp, những vị Phật, Bồ tát và những vị thần trong Phật giáo, văn hóa dân gian của Bhutan được bài trí tôn kính, đặc biệt là những bức tranh Thangka được treo xung quanh tường.
Tranh Thangka chủ yếu thể hiện cuộc đời của Đức Phật, các vị Lạt Ma danh tiếng và các vị thần linh. Chiêm bái tranh Thangka, các Phật tử đều tin rằng họ sẽ được độ trì bởi các vị thần bảo hộ với phép nhiệm màu để vượt qua mọi khổ nan, thử thách trong cuộc sống.
Đặc biệt, đến đất nước Bhutan, bạn cũng có dịp lắng nghe truyền thuyết kể về quá trình thượng sư Liên Hoa Sinh hoằng đạo.
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, đức Liên Hoa Sinh - người có công truyền bá Phật giáo Tây Tạng Kim thừa vào Bhutan - đã cưỡi trên lưng của một con hổ cái đi đến đây và ngồi thiền định ở nơi này. Chính vì thế tu viện có tên là Tiger's Nest (tức Hang Hổ).
Hàng năm có hàng chục nghìn du khách tìm cách chinh phục Tiger's Nest, tuy nhiên, theo đánh giá của anh Tshering Tashi, Giám đốc Công ty Du lịch Jojos Adventure Bhutan, chỉ khoảng 60-70% lượng du khách thành công.
Những người còn lại phải bỏ cuộc giữa chừng vì lý do sức khỏe và họ thường dừng chân ở ngôi đền nhỏ cạnh quán cà phê Taktshang nơi có thể nhìn thấy toàn bộ tu viện Tiger's Nest và vái vọng từ xa.
Được biết, thời gian đẹp nhất để đến thăm Tiger's Nest là vào mùa Thu khi khí hậu mát mẻ và vào mùa Xuân khi cây cối đâm chồi nở lộc. Mùa Hè thời tiết nắng nóng còn mùa đông tuyết phủ kín, đường trơn trượt nên thường chỉ người dân địa phương mới lên đây vào thời gian này.