Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế

Thanh Long |

Nếu nhiệt độ Trái Đất là một đội bóng Ngoại hạng Anh, đó hẳn phải là Arsenal với chức vô địch bất bại cả mùa giải.

Nếu bạn thức dậy vào sáng ngày hôm nay và thấy hình như thời tiết đã mát dịu đi đôi chút, thì đó không hẳn là cảm nhận của riêng bạn. Chương trình Theo dõi Trái Đất Copernicus của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết: Chuỗi 13 tháng nhiệt độ cao kỷ lục trên toàn cầu đã kết thúc.

Nhiệt độ không khí và nước trên bề mặt hành tinh trong tháng vừa rồi đã hạ xuống 0,04 độ C so với cùng kỳ năm ngoái. Nghĩa là Trái Đất đã tạm thời "hạ sốt", sau khoảng thời gian nóng đỉnh điểm kéo dài liên tục hơn một năm.

Đây là kỷ lục nhiệt độ cao nhất và dài nhất từng được ghi nhận kể từ khi con người theo dõi được khí tượng.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 1.

Để hình dung về kỷ lục này, hãy tưởng tượng nhiệt độ của bề mặt Trái Đất mỗi tháng giống như một đội bóng của Giải Ngoại hạng Anh. Từ ngày đầu tháng đến ngày cuối tháng, đội bóng đó sẽ phải thi đấu với các đội bóng khác - là nhiệt độ của cùng kỳ các năm trong lịch sử.

Ví dụ, nhiệt độ trung bình tháng 6/2024 sẽ đấu với nhiệt độ trung bình tháng 6 từ năm 1940 đến năm 2023. Vậy nếu mỗi năm là một mùa giải thì nhiệt độ trung bình trên toàn cầu đã có một mùa giải vô địch và bất bại đầu tiên trong lịch sử.

Cần phải nhấn mạnh rằng, nhiệt độ Trái Đất liên tục gia tăng và phá kỷ lục sau thời kỳ công nghiệp không phải là hiện tượng quá hiếm gặp. Nó giống như bất kỳ đội bóng nào cũng có thể thay phiên nhau vô địch giải Ngoại hạng Anh.

Thế nhưng, nền nhiệt luôn giữ ở mức cao và phá kỷ lục liên tục trong suốt hơn một năm là hiện tượng lần đầu tiên ghi nhận được. Sự bất thường này có thể được ví như chức vô địch "The Invincibles" - bất bại cả mùa giải của Arsenal đúng 20 năm về trước - mà cho tới tận bây giờ, chưa một đội bóng nào có thể lặp lại được.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 2.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 3.

Trong vòng 13 tháng liên tục, nhiệt độ không khí và nước trên bề mặt hành tinh không chỉ cao hơn còn bỏ xa các kỷ lục cũ trong quá khứ. Nó đã vượt ngưỡng cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, phá vỡ Thỏa thuận Paris của 196 quốc gia cam kết hành động để chống lại biến đổi khí hậu.

Tính riêng ở Bắc Bán Cầu, một nghiên cứu trên tạp chí Nature chỉ ra mùa hè năm 2023 và 2024 là những mùa hè nóng nhất trong lịch sử 2.000 năm trở lại đây, nghĩa là kể từ thời đại Hai Bà Trưng.

So với mùa hè lạnh nhất lịch sử được các nhà nghiên cứu xác định được vào năm 536 sau Công Nguyên, trùng với thời đại của Lý Nam Đế (503 – 548), nhiệt độ ở Bắc Bán Cầu đã tăng 3,93 độ C.

Vậy điều gì đã tạo ra những kỷ lục đó? Sự kết thúc của chuỗi ngày nóng nực này có làm giảm mối đe dọa từ biến đổi khí hậu hay không? Liệu Trái Đất có thể hạ nhiệt được đến bao giờ, và điều gì tiếp theo sẽ xảy ra sau đó?

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 4.

Nhìn vào đường nhiệt độ toàn cầu của Chương trình Theo dõi Trái Đất Copernicus, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nhiệt độ của mùa hè năm 2023 và mùa hè năm 2024 luôn cao hơn và như bị tách hẳn ra so với số liệu cùng kỳ từ năm 1940-2022.

Giáo sư Christopher Merchant, một chuyên gia trong lĩnh vực Quan sát Đại dương và Trái Đất tại Đại học Reading, Anh Quốc gọi đây là một "heat streak" hay "dải nhiệt kỷ lục". Nó báo động một giai đoạn biến động cực kỳ khốc liệt của Trái Đất.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 5.

"Để so sánh và đo lường sự nóng lên toàn cầu, các nhà khoa học đã sử dụng nhiệt độ điển hình của Trái Đất trong khoảng thời gian 150 năm trước. Đó là giai đoạn tham chiếu từ năm 1850 đến năm 1900, nghĩa là trước khi hầu hết các loại khí nhà kính liên quan đến công nghiệp hóa toàn cầu được thải ra, làm tăng nhiệt độ của đại dương và khí quyển", giáo sư Merchant cho biết.

"Trên thang đo đó, tháng 7 năm 2024 đã ấm hơn 1,48°C so với một tháng 7 điển hình trong thời kỳ tiền công nghiệp. Trong đó, khoảng 1,3°C là do xu hướng chung của tình trạng nóng lên toàn cầu trong những thập kỷ tiếp theo".

Xu hướng này sẽ tiếp tục làm tăng nhiệt độ Trái Đất. Nhưng sự nóng lên toàn cầu không diễn ra theo một tiến trình trơn tru. Giống như phong độ của các đội bóng ở Giải Ngoại hạng Anh, nhiệt độ Trái Đất cũng có lúc lên lúc xuống. Và đằng sau sự lên xuống này có sự hậu thuẫn của một hiện tượng được gọi là El Niño.

Có thể hiểu đơn giản, El Niño là sự sắp xếp lại nước trên khắp các vùng rộng lớn của Thái Bình Dương. Vào những năm El Niño xảy ra, nó có thể làm tăng nhiệt độ không khí trung bình trên toàn bộ bề mặt Thái Bình Dương. Và bởi Thái Bình Dương chiếm tới 30% diện tích bề mặt Trái Đất, El Niño sẽ làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 6.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 7.

Giữa các sự kiện El Niño, các điều kiện có thể trung tính hoặc ở trạng thái ngược lại gọi là La Niña có xu hướng làm mát nhiệt độ toàn cầu. Sự dao động giữa các thái cực này là không đều và các điều kiện El Niño có xu hướng tái diễn sau ba đến bảy năm.

Giai đoạn El Niño ấm của chu kỳ này bắt đầu diễn ra cách đây một năm và đạt đỉnh vào cuối năm 2023. Hiện nay El Niño đã chấm dứt và Thái Bình Dương trở lại trạng thái trung tính. Đó là lý do tại sao chuỗi nhiệt kỷ lục đã kết thúc.

Thế nhưng, có một sự thật là El Niño giai đoạn 2023-2024 không quá mạnh. Nó không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra chuỗi bất bại của nhiệt độ Trái Đất trong vòng 13 tháng liên tiếp.

Một số nhà khoa học cho rằng chu kỳ Mặt Trời, hay sự hoán đổi vị trí cực bắc và cực nam của Mặt Trời, cũng góp phần vào chuỗi ngày nóng nực đó. Trong một chu kỳ kéo dài khoảng 11 năm, quá trình đảo cực của Mặt Trời sẽ gây ra sự xáo trộn của các vết đen Mặt Trời, lóa Mặt Trời và các vụ phun trào nhật hoa trên bề mặt của nó.

Hệ quả là trong một số giai đoạn, Trái Đất sẽ phải hứng chịu nhiều năng lượng bức xạ phát ra từ Mặt Trời hơn. Một số nhà khoa học cho rằng giai đoạn hoạt động mạnh của chu kỳ Mặt Trời trong năm 2023-2024 đã đóng góp một phần vào việc làm tăng nhiệt độ Trái Đất.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 8.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 9.

Cuối cùng, không thể không kể đến một thực tế là trong khí quyển Trái Đất đang có nhiều CO2 hơn bao giờ hết. Trong năm 2023, lượng phát thải carbon dioxide (CO2) từ nhiên liệu hóa thạch đạt mức kỷ lục 36,8 tỷ tấn. Con số đẩy nồng độ CO2 trong khí quyển vượt qua mức kỷ lục 420,2 ppm.

CO2 trong khí quyển hoạt động như một chiếc chăn bông, giữ nhiệt và ngăn không cho Trái Đất tỏa nhiệt vào không gian. Do đó, càng có nhiều CO2 thì Trái Đất càng trở nên nóng sốt. Ngoài ra, các loại khí nhà kính khác cũng góp phần vào quá trình ủ ấm này.

"Ví dụ như khí metan, một sản phẩm phụ của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, cùng với gia súc và đất ngập nước, đang có nồng độ tăng mạnh trong một thập kỷ trở lại đây", giáo sư Merchant cho biết.

Metan là khí thải nhà kính mạnh gấp 80 lần so với CO2. Nó chịu trách nhiệm cho gần một phần ba hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hoạt động của con người hiện đang phải chịu trách nhiệm cho 60% tổng lượng khí metan có trong bầu khí quyển.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 10.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 11.

Các nguồn phát thải metan chính hiện nay là hoạt động công nghiệp, bao gồm các đường ống dẫn dầu, dẫn khí đốt, các bãi khoan, cũng như các lô thức ăn chăn nuôi, đất trồng trọt và bãi chôn lấp.

Chỉ 40% khí metan trong khí quyển có nguồn gốc tự nhiên, chẳng hạn như khí thoát ra từ lòng đất hoặc các bãi bùn, đầm lầy.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang đánh giá bản thân việc không khí bị ô nhiễm có thể dẫn tới việc tích tụ các hạt phản xạ, ảnh hưởng tới vòng tuần hoàn của mây và quá trình hấp thụ nhiệt từ ánh sáng Mặt Trời hay không?

Chẳng hạn, các vụ cháy rừng ở Canada vào năm ngoái phát tán carbon vào không khí đã được cho là một trong những nguyên nhân gây ra mức nhiệt kỷ lục vào tháng 9. Các nhà khoa học hiện cũng đang theo dõi hoạt động của các núi lửa dưới đáy đại dương, khi họ cho rằng chúng đang phun ra một lượng lớn hơi nước giữ nhiệt vào khí quyển.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 12.

Cho dù nguyên nhân của đợt nóng kéo dài 13 tháng này có là gì đi chăng nữa, có một sự thật là nó đã để lại những hậu quả tàn khốc trên khắp thế giới. Hãy nhìn vào những sinh vật nhạy cảm nhất với nhiệt độ Trái Đất để thấy được mức độ tàn phá đó: San hô.

"Hai mùa hè đỏ lửa năm 2023 và 2024 trở thành nỗi ác mộng với các rạn san hô và hệ sinh thái khắp các đại dương, từ vùng biển Caribe cho đến Great Barrier ngoài khơi Australia", giáo sư Merchant cho biết.

Một sự kiện tẩy trắng san hô trên quy mô toàn cầu chưa từng có trước đây đã được ghi nhận tại tổng cộng 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, từ Thái Bình Dương, Đại Tây Dương cho đến Ấn Độ Dương ở cả Bắc bán cầu và Nam bán cầu.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 13.

Tẩy trắng san hô xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng lên, khiến san hô đẩy tảo cộng sinh sống trong mô của chúng ra ngoài. Những tảo này cung cấp phần lớn năng lượng cho san hô thông qua quá trình quang hợp, đồng thời tạo ra màu sắc rực rỡ cho các rạn san hô.

Khi tảo bị đẩy ra, san hô mất màu và chuyển sang trắng, một hiện tượng gọi là tẩy trắng san hô. Nếu nhiệt độ nước không giảm và điều kiện không được cải thiện, san hô sẽ chết vì thiếu dinh dưỡng.

"Trong khi những năm có hiện tượng El Niño thường chứng kiến hiện tượng chết hàng loạt ở các rạn san hô trên khắp thế giới, thì xu hướng biến đổi khí hậu tiềm ẩn mới là mối đe dọa lâu dài, vì san hô đang phải vật lộn để thích nghi với mức nhiệt độ tăng cao khắc nghiệt", giáo sư Merchant nói.

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cho biết thế giới đã từng trải qua 3 đợt tẩy trắng san hô toàn cầu, trùng vào các đợt El Niño năm 1998, 2010 và 2014-2017. Trong đó, đợt tẩy trắng san hô gần nhất và mạnh nhất năm 2014-2017 đã ảnh hưởng tới 65,7% diện tích san hô trên toàn cầu.

Với 13 tháng ghi nhận nhiệt độ kỷ lục liên tiếp, NOAA xác nhận Trái Đất đang ở trong đợt tẩy trắng san hô toàn cầu thứ tư trong lịch sử. Trong năm 2023-2024, mức độ tẩy trắng san hô có thể sẽ vượt qua cả giai đoạn 2014-2017 trước đó.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 14.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 15.

Trong vòng một năm, hiện tượng tẩy trắng hàng loạt đã được ghi nhận ở nhiều địa điểm trên khắp vùng Caribe, dọc theo Rạn san hô Florida, ngoài khơi Brazil, ở phía đông Thái Bình Dương nhiệt đới, Rạn san hô Great Barrier của Úc và trên khắp một dải rộng lớn các khu vực rạn san hô ở trung tâm và phía tây xích đạo Thái Bình Dương.

Thống kê cho thấy 99,7% khu vực rạn san hô nhiệt đới ở Đại Tây Dương cũng đã trải qua căng thẳng nhiệt ở mức độ tẩy trắng. Ở Ấn Độ Dương, hiện tượng tẩy trắng đã được xác nhận trên khắp Biển Đỏ, Vịnh Ba Tư và Vịnh Aden, ở Quần đảo Chagos, dọc theo miền đông châu Phi và ngoài khơi Sri Lanka, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

San hô là một phần quan trọng của hệ sinh thái biển, cung cấp nơi cư trú, nguồn thức ăn và môi trường sinh sản cho hàng triệu loài sinh vật biển. Khi san hô chết, các hệ sinh thái này sẽ sụp đổ, dẫn đến sự mất mát lớn về đa dạng sinh học. Nhiều loài cá và sinh vật biển khác sẽ không còn nơi sinh sống, dẫn đến sự suy giảm hoặc tuyệt chủng của nhiều loài.

Bản thân san hô cũng tham gia vào quá trình điều hòa khí hậu khi chúng hấp thụ CO2 từ không khí và nước biển. Vì vậy, chúng ta có một vòng lặp phản hồi ở đây: Nhiệt độ Trái Đất nóng lên tẩy trắng san hô. San hô chết khiến lượng CO2 tăng lên. CO2 tăng làm Trái Đất nóng lên và lại tẩy trắng san hô một lần nữa.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 16.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 17.

Thông thường, khi Trái Đất trải qua một sự kiện El Niño, nhiệt độ của hành tinh sẽ tạm thời giảm xuống, cho phép san hô phát triển trở lại. Trong một giai đoạn đối lập được gọi là La Niña, nước trên bề mặt Thái Bình Dương sẽ được sắp xếp ngược lại so với giai đoạn El Niño, nhiệt độ Trái Đất do đó sẽ giảm xuống mức thấp nhất, san hô sẽ phục hồi tới mức độ cực đại.

Tuy nhiên, khi theo dõi các rạn san hô trong những thập kỷ qua, các nhà khoa học nhận thấy diện tích của chúng không thể được khôi phục hoàn toàn sau các đợt tẩy trắng vì El Niño. Chẳng hạn, sau sự kiện đại tẩy trắng toàn cầu năm 1998, thống kê cho thấy hơn 8% san hô trên hành tinh đã chết. Sau đợt tẩy trắng san hô năm 2017, thêm 14% diện tích san hô trên Trái Đất đã bị xóa sổ.

Giáo sư Merchant cho biết điều này phản ứng một thực tế là các đợt El Niño và La Niña gần đây đang hoạt động theo một mô hình nhảy cóc. "Một sự kiện El Niño lớn phá vỡ các kỷ lục mới và thiết lập một chuẩn mực mới, cao hơn cho nhiệt độ toàn cầu. Cho nên mặc dù Thái Bình Dương hiện có khả năng chuyển sang pha La Niña, nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục giảm xuống, nhưng có thể không đạt đến mức trước năm 2023-2024", ông nói.

Câu hỏi đặt ra lúc này là: Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong tương lai?

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 18.

"Một kịch bản dễ xảy ra là nhiệt độ toàn cầu sẽ dao động quanh mức 1,4°C trong nhiều năm, cho đến khi hiện tượng El Niño lớn tiếp theo đẩy nhiệt độ thế giới trở lại trên ngưỡng 1,5 độ C", giáo sư Merchant cho biết.

Sau đó thì các quá trình tác động của biến đổi khí hậu sẽ bắt đầu tăng tốc và không thể đảo ngược. Nhân loại sẽ chính thức tham gia vào một bộ phim hậu tận thế, bắt đầu bằng việc một nhóm các nhà khoa học lặn xuống khu vực Great Barrier ngoài khơi Australia chỉ để nhận ra toàn bộ rạn san hô có diện tích bằng cả nước Đức đã chết.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 19.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 20.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở vùng biển Caribe, trên khắp Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Sự sụp đổ của san hô trên toàn thế giới dẫn tới sự sụp đổ của toàn bộ hệ sinh thái biển.

Hơn 1 triệu loài cá, động vật thân mềm, động vật phù du sống dựa vào san hô sẽ không còn nhà để cư trú. Sự biến mất của chúng sẽ làm đứt gãy chuỗi thức ăn trong đại dương, cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới cả các quần thể cá lớn và động vật có vú dưới biển.

Những ngư dân ở Peru, Ecuador và Indonesia sẽ là những người đầu tiên cảm nhận được điều đó, khi sản lượng đánh bắt của họ giảm dần cho tới khi những mẻ lưới kéo lên không còn thấy được bất kỳ một con cá nào.

Khi cuộc khủng hoảng ngư nghiệp lan ra toàn thế giới, mất đi nghề cá loài người sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào lương thực trên cạn để tồn tại. Trớ trêu thay, nhiệt độ Trái Đất tăng cũng đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề với nền nông nghiệp trên mặt đất.

Nghiên cứu chỉ ra sản lượng lúa mì và ngô của thế giới sẽ sụt giảm nghiêm trọng khi khí quyển ấm lên thêm 1,5 độ C. Các loại cây trồng khác như gạo, đậu nành, và các loại trái cây sẽ phải chịu đựng sự thay đổi khí hậu mạnh mẽ, chẳng hạn như các đợt hạn hán kéo dài, dẫn đến sự suy giảm năng suất và chất lượng.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 21.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 22.

Sự bất ổn trong nông nghiệp sẽ tạo ra các cuộc khủng hoảng lương thực trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là ở các khu vực như Nam Á, Trung Mỹ và vùng Châu Phi cận Sahara. Nạn đói bắt đầu xảy ra khiến một số quốc gia rơi vào khủng hoảng.

Sản lượng lương thực sụt giảm khiến chính các quốc gia xuất khẩu các mặt hàng như gạo và lúa mì cũng phải dè chừng. Họ có thể ra lệnh cấm xuất khẩu, đẩy giá thành lương thực trên toàn thế giới tăng cao. Khi đó, ngay cả các quốc gia giàu có cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Song song với mối đe dọa từ an ninh lương thực là thiệt hại từ các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ và cháy rừng.

Khi nhiệt độ Trái Đất tăng lên, nước bốc hơi sẽ khiến bầu khí quyển trở nên ấm hơn, tạo điều kiện cho các cơn bão mạnh xuất hiện thường xuyên. Đi đôi với đó là các trận lũ cuốn trôi nhà cửa, mùa màng, và gây ra sạt lở đất, làm tăng nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.

Cháy rừng sẽ thiêu rụi hàng triệu hecta rừng, tiêu diệt động vật hoang dã, phá hủy hệ sinh thái và làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, hạn hán có thể làm cạn kiệt nguồn nước ngọt, đẩy nhanh các tiến trình xâm nhập mặn tại một số vùng châu thổ giáp biển.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 23.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 24.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 25.

Quá trình này sẽ còn được cộng hưởng bởi sự ấm lên tại hai cực, khiến băng ở Bắc Cực và Nam Cực tan nhanh hơn. Nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm các hòn đảo như Maldives hay Tuvalu, xóa sổ các quốc đảo ở Thái Bình Dương khỏi bản đồ.

Một số thành phố ven biển có thể mất tới 1/2 diện tích, khi nước biển dâng nhấn chìm hàng triệu ngôi nhà, biến những khu vực từng phồn thịnh thành những thành phố không thể sinh sống.

Bởi vậy, trong một thế giới mà nhiệt độ toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, không chỉ môi trường tự nhiên bị tàn phá mà cả các hệ thống xã hội, kinh tế và chính trị cũng sẽ bị đảo lộn.

Các cuộc khủng hoảng về lương thực, tài nguyên, chỗ ở sẽ dẫn tới nhiều cuộc xung đột leo thang, mà nếu không được xử lý khéo léo, chúng có thể đe dọa tới nền hòa bình của toàn thế giới, thậm chí sự tồn vong của toàn nhân loại.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 26.

Trái Đất đã “hạ sốt”, sau 13 tháng nóng nhất lịch sử: Một cuộc tập dượt cho kịch bản hậu tận thế- Ảnh 27.

Đó là lý do tại sao Hội nghị các bên (COP21) của Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) phải cố gắng thuyết phục 196 quốc gia ký vào bản Thỏa thuận Paris, nhằm cam kết hành động vì mục tiêu chống biến đổi khí hậu, giữ nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5°C.

"Sự khác biệt giữa 1,5 độ C và 2 độ C có thể là sự khác biệt giữa việc bị hủy diệt và sống còn", như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nói. "Đó là sự khác biệt giữa việc giảm thiểu các thảm họa khí hậu hay vượt qua các điểm đổ vỡ nguy hiểm. Do đó, 1,5 độ C không phải là mục tiêu. Nó cũng không phải là mục đích. 1,5 độ C là một giới hạn có thật trong thực tế".

- Còn tiếp –

Kỳ tiếp: Hết siêu nắng nóng lại tới cuồng phong bão lũ: Chúng ta đang ở trong "bản dùng thử" của Trái Đất 1.5 độ C

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại