Thảm họa chúng ta muốn nhắc đến ở đây chính là bão Mặt trời.
Nhìn chung, bão Mặt trời là những đợt năng lượng bùng nổ, xảy ra với mật độ khá thường xuyên, nhưng thường chúng ta thậm chí còn chẳng nhận thấy. Hoặc giả, những đợt bão mạnh bùng nổ may ra mới gây nhiễu radio, khiến vệ tinh gián đoạn đôi chút.
Tuy nhiên, giới khoa học chưa bao giờ coi thường những cơn bão này. Trước đây, nhiều học giả đã cảnh báo rằng đến một ngày nào đó, một cơn bão Mặt trời khổng lồ sẽ xuất hiện, gây ra những thiệt hại rất lớn đối với Trái đất.
Hệ quả xấu nhất là mạng lưới điện toàn cầu sụp đổ, và hệ thống công nghệ bị tổn hại nghiêm trọng.
Điều này không phải là chưa từng xảy ra. Năm 1859, một cơn bão từ trường Mặt trời khổng lồ - mang tên Carrington - đã quét xuống Trái đất, gây xáo trộn mạng lưới truyền thông trên toàn Mặt đất.
May mắn là thời kỳ đó công nghệ chưa phát triển, chứ nếu một cơn bão tương tự xuất hiện vào ngày nay, thảm họa chắc chắn sẽ xảy ra.
"Nếu Carrington thực sự xảy ra vào lúc này, hệ thống điện toàn cầu sẽ sụp đổ, chuỗi cung ứng toàn cầu và truyền thông vệ tinh sẽ bị tổn hại nghiêm trọng." - trích một nghiên cứu mới đến từ Trung tâm vật lý Không gian của ĐH Harvard và Smithsonian.
"Nền kinh tế thế giới có thể tổn thất tới 10 nghìn tỉ đô, và muốn phục hồi hoàn toàn cũng phải vất vài năm."
Để dễ hình dung, con số 10 tỉ USD lớn gấp 3 lần ngân sách quốc gia của Mỹ năm 2016, thế nên chắc chắn đó là một thiệt hại khổng lồ. Và theo như tính toán, có khoảng 10% nguy cơ thảm họa ấy sẽ xảy ra trong vòng 1 thế kỷ kế tiếp.
Và nếu nhìn xa hơn, trong vòng 150 năm kế tiếp, một thảm họa thậm chí còn lớn hơn cũng có thể xảy ra, với thiệt hại lên tới 20 nghìn tỉ USD. Lý do cũng bởi khoa học phát triển, công nghệ đi lên, thì thiệt hại do bão từ cũng sẽ tăng mạnh hơn. Tệ hại hơn, chúng ta chẳng có cách nào để khiến sự kiện ấy không xảy ra cả.
Thế nên, các nhà khoa học đang đề xuất các phương án giúp giảm thiểu thiệt hại, trong đó có việc xây dựng một "lá chắn" giúp làm chệch hướng từ trường Mặt trời, đẩy chúng đi xa khỏi hành tinh của chúng ta.
Lớp lá chắn này dự tính sẽ được làm từ 100.000 tấn lõi đồng, được đặt ở khoảng cách 329.000km từ Trái đất.
Chi phí để làm nên lớp lá chắn này chắc chắn không rẻ, nhưng chắc chắn không tốn nhiều bằng việc để bão Mặt trời quét trực tiếp lên Trái đất của chúng ta.
"Chi phí để mang một vật thể nặng 100.000 tấn vào không gian dự tính sẽ rơi vào khoảng 100 tỉ đô, nghĩa là 1000 đô/kg," - Avi Loeb, tác giả nghiên cứu cho biết.
Nguồn: Business Insider