Theo bài công bố trên tạp chí Nature Communication, một mô hình dựa trên các sóng cơ phản xạ và dữ liệu vật lý khoáng đã "rọi ánh sáng" vào vùng chuyển tiếp của lớp phủ Trái Đất , cho thấy bằng chứng sống động về cách Trái Đất đã "biến hình".
Bên trong Trái Đất gồm nhiều lớp với quá trình vận động phức tạp - Ảnh: NASA
Chúng ta không thể thấy trực tiếp quá trình gọi là "kiến tạo mảng" của hành tinh, thứ đã nhiều lần tạo ra siêu lục địa rồi lại xé rách thành nhiều châu lục như ngày nay, bởi lẽ đó là một quá trình hết sức chậm chạp so với tuổi thọ ngắn ngủi của con người. Nhưng việc nhìn vào những thứ "lạc lõng" là tàn dư của các quá trình kiến tạo mảng trước đó có thể giúp chứng minh kiến tạo mảng không chỉ là một lý thuyết.
Theo Phys.org, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Yao Huajian từ Trường Khoa học Trái Đất và không gian (Đại học Khoa học Công nghệ Trung Quốc - USTC) và tiến sĩ Piero Poli từ Đại học Grenoble-Alpes (Pháp) đã xác định được một mảng vỏ Trái Đất từng "cõng" đại dương cổ đại, bị trôi dạt đến tận độ sâu 660 km dưới lòng đất.
Mảng này bị hành tinh "nuốt" trong quá trình gọi là hút chìm, tức một mảng kiến tạo và vào một mảng kiến tạo khác, tiếp tục di chuyển theo hướng chui xuống bên dưới mảng kia. Tính chất của mảng vỏ đại dương này khiến nó lặn dần xuống lớp phủ (có độ sâu từ 420-660 km) rồi chìm tận đáy.
Lớp phủ là lớp nằm giữa vỏ Trái Đất và phần lõi kim loại nóng chảy. Nghiên cứu này, cũng như một số công trình khác cho thấy chúng không tách biệt mà từng bị đảo lộn nhiều lần, các vật liệu hòa trộn vào nhau sau các quá trình địa chất phức tạp.
Theo các tác giả, chính sự "tái chế vật liệu" từ lớp phủ - lớp vỏ, trao đổi các vật chất giữa 2 lớp đã đóng góp quan trọng vào sự "tiến hóa hóa học" của Trái Đất. Đó là một trong những lý do để nói rằng hoạt động địa chất - kiến tạo mảng đã góp phần cho Trái Đất sống được.
Trong hệ Mặt Trời, chỉ có 2 thiên thể có hoạt động địa chất là Trái Đất và mặt trăng Io của Sao Mộc, nhưng Io hoạt động quá mức nên phản tác dụng, biến thành "mặt trăng núi lửa" chết chóc.