Dù là ai chiến thắng trong ngày bầu cử Tổng thống vào ngày mai 8/11 ở Mỹ, cuộc bầu cử này đã là một chiến thắng cho bộ máy tuyên truyền ở Trung Quốc - bộ máy đã hân hoan phơi bày những điều xấu xí nhất của đời sống chính trị Mỹ.
Hàng thập kỷ nay, Bắc Kinh vốn đã chê bai nền dân chủ Mỹ, hoài nghi những giá trị cơ bản nhất của nền dân chủ này - từ những cuộc bầu cử đầy cạnh tranh tới tự do báo chí Mỹ.
Theo nhiều nguồn tin mà hãng tin AFP có được, trước thời điểm tranh cử Tổng thống Mỹ, các phóng viên Trung Quốc nhận được hướng dẫn về việc viết thế nào để khắc họa một đời sống chính trị tồi tệ ở Mỹ.
Trước thời điểm tranh cử sơ bộ, một phóng viên giấu tên từ một cơ quan báo chí nhà nước của Trung Quốc cho AFP biết, anh ta khá lo lắng về việc tìm đủ những tư liệu, câu chuyện tồi tệ về bầu cử Mỹ cho các bài viết của mình.
Những lo lắng của anh phóng viên Trung Quốc này cuối cùng trở nên rất... thừa!
Thực tế cho thấy, thậm chí một người có tư tưởng bảo vệ nước Mỹ nhất cũng đồng ý rằng: Cuộc chạy đua giữa hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton đã phơi bày những điều xấu xí nhất của dân chủ kiểu Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc, không bỏ qua cơ hội, đã rất hào hứng tham gia đưa tin về những điều xấu xí này.
(Ảnh: AFP)
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc ví cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 với một tai nạn tàu hỏa. Tân Hoa Xã đã viết: "Vô số các vụ việc tai tiếng, vô số tin đồn và các thuyết âm mưu cùng những lời tục tĩu đã khiến mọi người không thể không chú ý đến sự kiện (cuộc bầu cử) này".
Một bài bình luận trên phiên bản điện tử của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo viết rằng những cuộc tranh luận "như xiếc" giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ cho thấy rõ ràng sự suy thoái của hệ thống chính trị Mỹ.
Nhận định đó không phải là do tờ báo này đưa ra, người viết chỉ đơn giản đưa ra một danh sách các câu trích dẫn từ chính những cơ quan truyền thông lớn của Mỹ, trong đó cuộc tranh cử được miêu tả là "tồi tệ", "xấu xí", "chối tai",...
"Dù ai thắng cử, những kỷ niệm về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ này sẽ còn mãi", tờ Thời báo Hoàn Cầu, thuộc chủ quản của Nhân dân Nhật báo, đã viết một cách mỉa mai như vậy vào thứ Năm tuần trước (3/11).
Bầu cử Mỹ: Món quà cho truyền thông Trung Quốc
Theo AFP, chính phủ Trung Quốc từ lâu đã chủ trương tuyên truyền không mấy tốt đẹp về Mỹ, nhưng những bình luận chống phương Tây đã được đẩy mạnh hơn dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Một tài liệu rò rỉ của của chính quyền Trung Quốc, gọi là "Tài liệu số 9", từ năm 2013, đã liệt kê "dân chủ lập hiến phương Tây" và những giá trị của nó là một mối đe dọa hàng đầu tới việc quản lý đất nước ở Trung Quốc.
Những nhà tuyên truyền Trung Quốc từ lâu đã bắt đầu một chiến dịch để ngăn chặn và giảm thiểu những ảnh hưởng của cái gọi là "các lực lượng thù địch nước ngoài" trên quy mô rộng, từ các trường đại học tới các tòa báo. Họ chỉ trích Mỹ là giả tạo và nguy hiểm.
Nhưng có lẽ các quan chức chuyên trách của Trung Quốc chẳng bao giờ có thể tưởng tượng rằng đến một ngày, các ứng viên tổng thống Mỹ lại đang tự thực hiện hoạt động tuyên truyền này thay cho họ.
Khi Donald Trump chỉ trích hệ thống chính trị Mỹ là "gian lận", phát ngôn của ứng viên đảng Cộng hòa đã trở thành một vận may cho các nhà bình luận Trung Quốc.
Những cáo buộc thường xuyên của ông Trump về một nền truyền thông Mỹ "đầy thành kiến" và biến chất đã là cơ sở cho truyền thông Trung Quốc tuyên truyền rằng truyền thông Mỹ đang đồng loạt thiên vị bà Clinton.
Truyền thông Trung Quốc rất "tích cực" trong việc đưa thông tin tiêu cực về mùa bầu cử Mỹ 2016 (Ảnh minh họa: The New York Times)
Tờ Hoàn Cầu viết rằng "tính chủ quan từ lâu đã ngự trị trong truyền thông Mỹ, nhưng sự chủ quan này đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc bầu cử năm nay".
Để mở rộng vấn đề, truyền thông Trung Quốc đã đặt luôn câu hỏi cho tính khách quan trong những thông tin "tiêu cực" mà truyền thông phương Tây nói về Trung Quốc bấy lâu nay.
"Họ (báo chí Mỹ-PV) thổi phồng câu chuyện của những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc và phớt lờ những cải thiện trong việc thực hiện quyền con người của chúng ta", Thời báo Hoàn cầu viết.
Nhưng một nhà bình luận truyền thông Trung Quốc, Jeremy Goldkorn, đã chỉ ra rằng những người làm công việc tuyên truyền ở Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc cân bằng thông tin.
"Dù một trong hai ứng viên là một ông hề, nhưng người Trung Quốc vẫn không thoát ra được suy nghĩ rằng các công dân Mỹ đang có thể can thiệp vào việc điều hành đất nước ở mức rất đáng ngưỡng mộ", Jeremy cho AFP biết.
Cho tới hiện tại, các nhà quan sát Trung Quốc vẫn chưa thống nhất với nhau là ứng viên tổng thống Mỹ nào đắc cử thì sẽ dễ dàng hợp tác hơn cho Trung Quốc.
Rất nhiều người tin rằng, bà Clinton, đã có kinh nghiệm làm Ngoại trưởng, nhiều khả năng sẽ theo đuổi một chính sách cứng rắn nhằm vào Bắc Kinh; trong khi đó, quan điểm bảo hộ của Trump có thể gây tổn hại cho thương mại.
"Đối với Trung Quốc, cả hai ứng viên đều có các ưu và nhược điểm", ông Hứa Thiết Binh, chuyên gia về chính trị Mỹ tại Đại học Truyền thông Trung Quốc nói với AFP.
"Bà Clinton thì gần với hình ảnh một chính khách kiểu cổ điển và có thể dễ đoán hơn, trong khi đó cách suy nghĩ của Trump thì khó đoán định hơn", ông Hứa cho biết.
Nhưng có một điều rõ ràng, Hứa Thiết Binh nói, "Bầu cử tổng thống Mỹ đã bị 'hạ giá' ở mức độ rất lớn (trên truyền thông Trung Quốc)".