Vì sao bầu Tổng thống Mỹ cần có đại cử tri?

Đức Huy |

Trong lúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút, cụm từ "đại cử tri" thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy nó có ý nghĩa gì?

Tại Mỹ, trong mỗi kì bầu cử Tổng thống/phó Tổng thống, người dân khi bỏ phiếu dù trên lý thuyết điền tên lựa chọn của họ cho hai vị trí lãnh đạo cao nhất nói trên, song thực chất họ không bầu trực tiếp cho Tổng thống và phó Tổng thống, mà thông qua một bộ phận mang tên đại cử tri đoàn (electoral college).

Vì sao bầu Tổng thống Mỹ cần có đại cử tri? - Ảnh 1.

Một lá phiếu bầu, trên đó có ghi tên các cặp ứng viên của mỗi đảng tranh cử

Trước ngày bầu cử, các ủy ban tranh cử của từng đảng tại mỗi bang sẽ chọn ra số lượng đại cử tri tương ứng với số lượng đại cử tri mà bang đó được phân bố.

Sau đó, số đại cử tri được ủy ban tranh cử của đảng đó chọn sẵn sẽ tới Quốc hội để thực hiện thủ tục bỏ phiếu.

Người dân vẫn có thể thực thi quyền dân chủ của mình bằng việc bỏ phiếu, và các đại cử tri của từng bang sẽ thể theo nguyện vọng của người dân trong bang mà bỏ phiếu tương ứng trong phiên bỏ phiếu chính thức tại Quốc hội (diễn ra vào ngày 7/1 năm sau, tức năm 2017 trong kì bầu cử lần này).

Ví dụ: Tại bang Ohio, ông Trump giành được 55% phiếu bầu, bà Clinton giành được 40%, ông Gary Johnson giành được 5%, thì ông Trump sẽ thắng Ohio. Như vậy, ông sẽ giành được toàn bộ số đại cử tri của bang này (18), và 18 đại cử tri do đảng Cộng hòa chọn sẵn sẽ thay mặt bang Ohio tới Quốc hội để thực hiện thủ tục bỏ phiếu vào ngày 7/1/2017.

Hầu hết các bang ở Mỹ đều áp dụng luật "được ăn cả" đối với việc phân bổ đại cử tri cho các ứng viên trong ngày bầu cử (trừ 2 bang Maine và Nebraska phân bổ đại cử tri theo kết quả bỏ phiếu ở từng quận).

Hỏi: Vậy làm thế nào để xác định số lượng đại cử tri của từng bang?

Đáp: Số lượng đại cử tri của từng bang (tạm gọi là A) được tính bằng công thức: A = số hạ nghị sĩ + số thượng nghị sĩ của bang đó (luôn là 2, vì mỗi bang đều có 2 thượng nghị sĩ). Ví dụ: bang Ohio có 16 hạ nghị sĩ và 2 thượng nghị sĩ, suy ra số đại cử tri của Ohio là 16 + 2 = 18.

Số lượng hạ nghị sĩ của mỗi bang phụ tỉ lệ thuận với dân số của bang đó, tương tự như vậy, có thể suy ra số lượng đại cử tri của mỗi bang cũng tỉ lệ thuận với dân số của bang đó (vì số thượng nghị sĩ là hằng số). Những bang đông dân như California (55) hay Texas (38) có số lượng đại cử tri lớn hơn hẳn các bang thưa dân như New Mexico (5) hay Nebraska (5).

Washington D.C. trên lý thuyết không phải một bang, song vẫn sở hữu 3 đại cử tri. Tổng số đại cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ538.

Hỏi: Vậy nếu đại cử tri lại "trở mặt", không bỏ phiếu theo nguyện vọng của người dân thì sao?

Đáp: Ở một số bang, luật pháp quy định đại cử tri phải bầu theo đúng nguyện vọng của người dân, một số bang khác không có luật bắt buộc. Nhưng trường hợp đại cử tri bỏ phiếu ngược, hoặc bỏ phiếu trắng, là cực kì hãn hữu. Đó là lý do tại sao đại cử tri đã được các ủy ban tranh cử của mỗi đảng lựa chọn sẵn trước ngày bầu cử để đảm bảo tính nhất quán.

Hỏi: Nhưng tại sao lại cần có đại cử tri đoàn? Tại sao không tính tổng số phiếu của người dân như cách bỏ phiếu thông thường cho đơn giản?

Đáp: Đại cử tri đoàn xuất hiện ngay từ những ngày đầu của nước Mỹ. Bằng việc bổ sung yếu tố đại cử tri đoàn vào hiến pháp, các ông tổ lập quốc của Mỹ muốn dùng nó như một "lá chắn bảo vệ" chính phủ cầm quyền trước sự khó đoán của lòng dân.

Khi đó, tính chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ còn tương đối cao do vấn đề nô lệ. Các ông tổ lập quốc bấy giờ lo ngại sự tập hợp quyền lực theo kiểu "độc tài phe đa số", dẫn đến lợi ích quốc gia và lợi ích của những người dân khác bị chà đạp để phục vụ lợi ích số đông.

Bên cạnh đó, họ cũng muốn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tất cả các bang, thay vì chỉ tập trung vào các bang đông dân cư nếu hình thức bỏ phiếu phổ thông được áp dụng.

Vì sao bầu Tổng thống Mỹ cần có đại cử tri? - Ảnh 2.

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012. Ông Obama giành thắng lợi với 332 số phiếu đại cử tri, so với 206 của ông Romney. Biểu đồ: 270towin.com

Hỏi: Nếu không có cặp Tổng thống/phó Tổng thống nào giành được đa số đại cử tri thì sao? Hoặc nếu hòa thì sao?

Đáp: Trong trường hợp không một cặp ứng viên nào đạt quá bán (tức 270/538 tổng số đại cử tri), Quốc hội sẽ họp ngay sau đó để bầu ra Tổng thống/phó Tổng thống trong số 3 cặp ứng viên sở hữu số lượng đại cử tri cao nhất. Phương pháp này cũng được sử dụng nếu trường hợp hòa xảy ra.

Trong lịch sử Mỹ, trường hợp không có ứng viên đạt đủ quá bán tổng số đại cử tri chỉ xảy ra duy nhất một lần trong cuộc bầu cử năm 1824. Sau vòng bỏ phiếu của Quốc hội, John Adams đã đắc cử và trở thành Tổng thống thứ 6 của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại