Vấn đề biển Đông được Tokyo đề cập trực tiếp trong sách trắng quốc phòng 2016 mà nước này mới công bố, trong đó cáo buộc Trung Quốc "ngoài miệng thì khẳng định là trỗi dậy hòa bình, nhưng mặt khác lại coi thường luật pháp quốc tế".
Người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm gọi sách trắng của Nhật là "bình luận ngông cuồng về hoạt động xây dựng quân đội và quốc phòng chính đáng của Trung Quốc, xuyên tạc vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông".
Nhật Bản đã đưa vào sách trắng các hình ảnh vệ tinh chụp lại khu vực biển Đông, nơi Trung Quốc đưa ra tuyên bố phi pháp về chủ quyền.
Tokyo nhận định, Trung Quốc đang "đẩy mạnh" hành động lấp đất lấn biển và xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Chính phủ, truyền thông và giới học giả Trung Quốc những ngày qua đã liên tiếp lên tiếng chỉ trích việc chính phủ Nhật nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) hôm 12/7.
Sau khi Tokyo công bố sách trắng quốc phòng, Thời báo Hoàn Cầu - tờ báo "diều hâu" thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo - đã đăng bài xã luận dài phản đối và gọi văn kiện này là động thái "ăn thua đủ" của Nhật nhằm vào Trung Quốc.
Báo chí Trung Quốc cùng cho rằng Tokyo đang muốn mở rộng phạm vi "chống Trung Quốc", không chỉ ở biển Hoa Đông mà cả bán đảo Triều Tiên và biển Đông.
Tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận quy mô lớn ở biển Hoa Đông từ ngày 1/8. (Ảnh: Xinhua)
Trả lời phỏng vấn của Hoàn Cầu, chuyên gia Lư Hạo thuộc Viện khoa học xã hội (Trung Quốc) cho rằng lập trường của Nhật Bản đối với Trung Quốc trong vấn đề an ninh mang nặng tính chất "zero-sum game", tức đối đầu khiến cả hai bên đều thiệt hại.
Theo ông này, Nhật Bản đang trở thành một tiếng nói mạnh mẽ trên biển Đông, thông qua "ngoại giao chiến lược" và "ngoại giao bảo đảm an ninh" để hình thành mạng lưới các đối tác và đồng minh của Mỹ "bao vây" Trung Quốc.
"Tâm lý chiến lược của Nhật đã quyết định chính sách của nước này đối với Trung Quốc sẽ tiếp tục là đề phòng và gây sức ép. Quan hệ Trung-Nhật đã rơi vào quỹ đạo mà đối đầu và cạnh tranh về chiến lược làm chủ đạo," ông Lư bình luận.
Là "đối thủ truyền kiếp" của Trung Quốc từ hơn 100 năm qua, gần như mọi động thái của Nhật Bản luôn được người Trung Quốc phóng đại lên một mức độ đáng kinh ngạc.
Nhà bình luận quân sự người Trung Quốc Tống Trung Bình mới đây xuất hiện trên chương trình của đài truyền hình Phượng Hoàng cảnh báo về "mối đe dọa Nhật Bản" ở biển Đông.
Ông này lớn tiếng: "Chúng ta biết biển Đông là 'sinh mạng' của Trung Quốc và là nơi Trung Quốc trỗi dậy.
Nếu 'mất' biển Đông, chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc sẽ tan biến, cho nên Nhật đã nắm bắt ngay điểm yếu này của Bắc Kinh để nỗ lực chặt dứt 'đường sinh mệnh' của Trung Quốc trên biển Đông và loại bỏ 'Đường 9 đoạn'."
Trong động thái "dằn mặt" Tokyo, từ hôm 1/8 quân đội Trung Quốc đã điều động 3 hạm đội với hơn 100 tàu, hàng chục chiến đấu cơ... để tiến hành tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông.
Cuộc tập trận có sự hiện diện của 4 thượng tướng hàng đầu Trung Quốc, gồm Tư lệnh hải quân Ngô Thắng Lợi, Chính ủy hải quân Miêu Hoa, Tư lệnh chiến khu phía Đông Lưu Việt Quân và Chính ủy chiến khu này, tướng Trịnh Vệ Bình.
Trước đó, hôm 8/7 Trung Quốc đã tổ chức trái phép cuộc tập trận với quy mô lớn tương đương ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhằm phản ứng với phán quyết PCA.