TQ có thể đánh chìm "tiền đồn quân sự" của Philippines

Hải Võ |

Chuyên gia người Nga cho rằng Trung Quốc có thể sẽ "chấm dứt sự tồn tại" của tàu BRP Sierra Madre, thuộc hải quân Philippines, mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây của Việt Nam từ năm 1999.

Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã hôm 8/7, chuyên gia về các vấn đề quốc tế người Nga Konstantin Glibov đánh giá, Trung Quốc có khả năng hành động nhằm vào chiếc tàu đổ bộ của Philipines nếu Manila "dồn ép Bắc Kinh và đẩy sự việc đi quá xa".

Theo ông Glibov, Trung Quốc đang sở hữu những kỹ thuật cho phép "chấm dứt sự tồn tại" của tàu BRP Sierra Madre, bao gồm biện pháp đánh chìm chiếc tàu này mà không gây ra thương vong.

Nhà bình luận của hãng RT (Nga) cho rằng, việc Philippines cắt đứt đàm phán và kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã cho Bắc Kinh đủ lý do để ra tay với con tàu này.

Trung Quốc từng cảnh cáo Philippines và phản đối việc nước này gia cố cho chiếc chiến hạm bị mắc cạn. Bắc Kinh cũng tuyên bố Manila phải chịu trách nhiệm nếu Trung Quốc quyết định đánh chìm chiếc tàu.

Tàu BRP Sierra Madre là một trong những vấn đề lớn trong mâu thuẫn giữa hai nước trên biển Đông.

Trong nhiều năm liền, chính quyền Manila đã xem đây là một "tiền đồn quân sự" quan trọng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng nhiều lần đe dọa "xử lý" chiếc tàu nhưng chưa có động thái cụ thể.

Giới quan sát quốc tế nhận định, với khả năng thua kiện cao trước Philippines ở PCA, đánh chìm tàu BRP Sierra Madre là một trong những kịch bản phản ứng của Trung Quốc mà xã hội quốc tế có thể tính đến, trong khi chính phủ nước này nói rằng sẽ không chấp nhận các chủ trương được Philippines đưa ra dựa trên kết quả phán quyết PCA mà họ nhận được.

TQ có thể đánh chìm tiền đồn quân sự của Philippines - Ảnh 1.

Chính phủ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) đang có những phát ngôn mềm dẻo với Trung Quốc trước thềm phán quyết của PCA. (Ảnh: ifeng)

Trung Quốc đang "mừng thầm" trước ngày phán quyết của PCA

Hành động "đánh chìm tàu" của Bắc Kinh, nếu xảy ra, sẽ được xem như một lời tuyên chiến trực tiếp nhằm vào Manila.

Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc ngày 9/7 đã rầm rộ bình luận về khả năng "hạ cánh mềm" sau vụ kiện biển Đông khi đưa tin Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay khẳng định "sẽ không ra tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc" dù thắng kiện.

Philippines sẵn sàng "chia sẻ tài nguyên" trên biển Đông với Trung Quốc, còn Tổng thống Rodrigo Duterte kỳ vọng tái khởi động vòng đám phán song phương sau vụ kiện.

Theo ông Yasay, hai nước đã đồng ý không đưa ra bất kỳ tuyên bố cứng rắn nào sau vụ kiện.

Đây được cho là thái độ mà Trung Quốc mong muốn từ Manila, khi cách đây vài ngày "một nguồn tin liên quan mật thiết với vụ kiện" đã nói với tờ China Daily rằng phản ứng của Trung Quốc sẽ "phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của Philippines sau vụ kiện".

Chuyên gia Hứa Lợi Bình thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc "khen ngợi" thái độ của chính phủ Tổng thống Duterte là tín hiệu tích cực.

Ông Hứa gọi vụ kiện biển Đông là sự kết thúc "màn kịch" của chính phủ cựu Tổng thống Benigno Aquino.

"Chính phủ mới của Philippines cũng không muốn ngày càng đi xa trong vụ kiện này, bởi thứ nhất việc chấp hành hoàn toàn kết quả phán quyết của PCA là bất khả thi, hơn nữa điều đó cũng không phù hợp với lợi ích của người dân khu vực," ông này bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại