TQ bắt tay với Pakistan làm dự án đường sắt 6,8 tỷ USD tại tam giác tranh chấp, Ấn Độ lo lắng

Thu Ngọc |

Trung Quốc và Pakistan đã tăng cường hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng ở Kashmir, khu vực hai nước đều đang có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ.

Hôm thứ Tư (5/8), Islamabad đã phê duyệt dự án nâng cấp tuyến đường sắt trị giá 6,8 tỷ USD tại Kashmir. Tuyến đường này thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá hàng tỷ USD.

Cũng trong tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố khai trương một đoạn đường dài 118 km từ Thakot đến Havelian, một phần trong dự án đường lớn hơn chạy từ Islamabad đến Kashgar ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.

Con đường mới chạy nằm gần khu vực Ấn Độ tuyên bố chủ quyền ở bang Jammu và Kashmir. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ đi qua khu vực Ladakh, nơi cả New Delhi và Islamabad đều tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc-Pakistan bắt tay mở đường

Việc mở đường lần này là bằng chứng về mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Pakistan. Động thái này diễn ra một năm sau khi New Delhi quyết định thu hồi các quyền hiến pháp giúp Kashmir trở nên độc lập hơn, quyết định này đã khiến cho Trung Quốc và Pakistan không hài lòng.

TQ bắt tay với Pakistan làm dự án đường sắt 6,8 tỷ USD tại tam giác tranh chấp, Ấn Độ lo lắng - Ảnh 1.

Trung Quốc và Pakistan đã tìm cách củng cố mối quan hệ thông qua việc phát triển một số dự án đường bộ và đường sắt quan trọng. Ảnh: Xinhua

Wang Dehua, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Thành phố Thượng Hải cho biết: “Ấn Độ khá lo lắng về các dự án giao thông hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan. Vị trí của dự án đường cao tốc nằm ở khu vực quan trọng chiến lược. Trước đây, vấn đề Kashmir không phải là trọng tâm trong mối quan hệ tam giác giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc, nhưng giờ đây nó rất quan trọng”.

Ông Wang nói thêm: “Ấn Độ đang gặp phải những vấn đề phức tạp, đặc biệt là đối với Trung Quốc do sự hình thành khu vực Ladakh”.

Sau những thay đổi về hiến pháp, chính phủ Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoái đã vẽ lại bản đồ Kashmir, tách khu vực ra làm hai để hình thành nên Ladakh ở phía bắc, Jammu và Kashmir ở phía nam. Động thái này đã vấp phải chỉ trích từ Islamabad và Bắc Kinh, hai quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong khu vực này.

Tuần này, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã công bố một bản đồ chính trị mới của nước này, trong đó Jammu và Kashmir được đánh dấu là khu vực bị phía Ấn Độ “chiếm đóng bất hợp pháp”. Delhi gọi bản đồ này là "sự phi lý chính trị". Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ 4 cho biết “bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng ở khu vực Kashmir đều là bất hợp pháp và không hợp lệ”.

Ấn Độ phản đối

Một vài cuộc tranh chấp lãnh thổ đã dẫn đến đổ máu. Vào tháng 6, một cuộc đụng độ giữa lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc tại Thung lũng Galwan ở Ladakh đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi quân đội Ấn Độ và Pakistan đều ghi nhận thương vong trong các cuộc giao tranh ở Jammu và Kashmir.

"Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ ở một mức độ nào đó đã củng cố quyết tâm của Pakistan nhưng Trung Quốc không phải nhân tố kích động chiến tranh ", James Dorsey, một nghiên cứu viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết. “Vấn đề này là con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc".

Du Youkang, Giáo sư nghiên cứu về Nam Á tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết quan điểm của Trung Quốc là để Pakistan và Ấn Độ đàm phán với nhau để hóa giải các khác biệt và bày tỏ những quan ngại của phía Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc. Ông nói: “Nếu Ấn Độ và Pakistan xảy ra chiến tranh, điều đó sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến hòa bình tại khu vực biên giới của Trung Quốc và điều đó đi ngược lại lợi ích của nước này”.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm thứ Năm (6/8) cho biết, họ đã bác bỏ đề xuất của Trung Quốc về việc tổ chức một cuộc thảo luận về vấn đề Jammu và Kashmir tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Chúng tôi kiên quyết bác bỏ sự can thiệp của Trung Quốc vào công việc nội bộ của nước mình và thúc giục Trung Quốc rút ra kết luận phù hợp từ nỗ lực vô ích này”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại