Động thái này để đảm bảo Washington có đủ hỏa lực và quân đội để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào từ Trung Quốc, tờ SCMP dẫn lời nhiều nhà phân tích cho biết.
Mỹ xem xét loạt hành động
Các nhà phân tích cho biết, Mỹ đang xem xét lại các hoạt động triển khai quân sự của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đảm bảo nước này có đủ hỏa lực và quân đội để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào từ Trung Quốc.
Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ James McConville cho biết tại một sự kiện trực tuyến gần đây, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một đơn vị tham vấn có trụ sở tại Washington, tổ chức, ông đã đưa vấn đề "hỏa lực chính xác tầm xa" thành ưu tiên hàng đầu của mình và đang xem xét các lựa chọn về nơi triển khai các hệ thống vũ khí như vậy tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như một phần trong chiến lược răn đe của Mỹ.
Ông nói rằng, những thay đổi đó "sẽ cho phép chúng tôi vượt qua" các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc và Nga, đồng thời cho biết thêm động thái này cũng sẽ bao gồm "thành lập các lực lượng đặc nhiệm chung trên tất cả các lĩnh vực".
Những bình luận của McConville được đưa ra sau khi Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ, Tướng David Berger cho biết vào tháng 3, trong kế hoạch "Thiết kế Lực lượng 2030" rằng ông ấy muốn giảm bớt vai trò của lính thủy đánh bộ trong tác chiến trên bộ và giao phần lớn trách nhiệm đó cho quân chính quy.
Trong khi đó, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ cho biết họ sẽ di chuyển hầu hết các lữ đoàn của mình, nằm dưới sự chỉ đạo của sở chỉ huy sư đoàn 8, nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng bộ binh trong khu vực này, theo bản tin ngày 1/8 của tờ báo quân sự Mỹ Stars and Stripes.
Song Zhongping, một chuyên gia quân sự tại Hồng Kông, cho biết cuộc cải tổ lần này là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Ông nói: "Mỹ muốn tăng cường khả năng tấn công của mình bằng cách tích hợp các hệ thống hỏa lực trên bộ, trên không, trên biển và vũ trụ, đồng thời kết hợp chúng với quân đội trong một hệ thống tác chiến chung mạnh mẽ.
"Mục tiêu là chặn tất cả các con đường di chuyển ở Biển Đông và Biển Hoa Đông và hợp tác với các đồng minh trong khu vực để ngăn các hạm đội của PLA [Quân đội Trung Quốc] phá vỡ 'chuỗi đảo đầu tiên' do Washington thiết lập [trong Chiến tranh Lạnh]."
Trong chuyến công du tới Tokyo vào tháng trước, ông Berger đã thảo luận với người đồng cấp Nhật Bản về khả năng triển khai các đơn vị thủy quân lục chiến cơ động của Mỹ ở Okinawa.
Họ sẽ được trang bị tên lửa chống hạm và phòng không, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với các lực lượng Nhật Bản để ngăn chặn việc quân đội Trung Quốc dễ dàng tiếp cận Thái Bình Dương.
Theo bản tin của Stars and Stripes, quân đội Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc tập trận liên quan đến việc triển khai khoảng một chục chiến đấu cơ F-35B Lightning II trên tàu tấn công đổ bộ USS America.
E ngại sức mạnh quân sự Trung Quốc
Chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh cho biết hoạt động diễn tập này là một phản ứng trước việc PLA mở rộng năng lực tác chiến trên không và hải quân.
Ông nói: "Mỹ lo ngại các hạm đội của họ sẽ bị đẩy ra khỏi Tây Thái Bình Dương". PLA đã có đủ hỏa lực để đối phó với các hạm đội Mỹ trong trường hợp xảy ra trận chiến ngoài khơi, chuyên gia Li nhận định.
"Các hệ thống phóng hỏa tiễn đa nòng Type PCL191 của Trung Quốc, có tầm bắn lên đến 400km [250 dặm], và các bệ phóng tên lửa khác là lựa chọn chi phí thấp hiệu quả nhất để đối phó với các cuộc xung đột đối đầu trực diện," ông nói.
"PLA cũng đang phát triển một hệ thống radar sóng bề mặt tần số cao mới để phát hiện các máy bay chiến đấu tàng hình như F-35 và các loại vũ khí tác chiến điện tử tiên tiến khác".
Chuyên gia Song cho biết khó khăn lớn nhất mà Mỹ có thể phải đối mặt khi phát triển chiến lược ngăn chặn là việc duy trì hợp tác với các đồng minh.
Ông nói: "Biện pháp đối phó tốt nhất của Bắc Kinh là phá vỡ liên minh đó".
"Hiện tại, chỉ có Australia là lắng nghe Mỹ. Các đồng minh khác của Washington, như Nhật Bản, Singapore, Philippines và các thành viên khác của ASEAN [Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á] vẫn chưa quyết định về việc phải làm gì vì họ không muốn đứng về phía nào giữa Bắc Kinh và Washington".