TPHCM triển khai cơ chế đặc thù như thế nào?

MINH QUÂN |

Chiều 11.12, UBND TPHCM đã họp bàn triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, với sự tham dự của lãnh đạo các sở ngành, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực.

Ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TPHCM báo cáo sơ bộ kế hoạch tổng thể và cho biết cố gắng đến tháng 4.2018 sẽ trình UBND TPHCM thông qua khoảng 4/9 đề án lớn (trong đề án cơ chế đặc thù) để từ đó trình thường trực Thành ủy thông qua và tháng 6.2018 trình HĐND TP.

Góp ý về đề án cơ chế, chính sách phát triển TP, GĐ Sở Tài chính TP Phan Thị Thắng cho rằng đề án phí, lệ phí mới và đề án tăng phí, lệ phí có trong danh mục, Quốc hội cho TP quyết nên TP có thể gộp lại thành một đề án để đánh giá.

Trong đó, các mức phí trên địa bàn như thế nào, có những loại phí có thể giảm chứ không phải chỉ có tăng phí.

Theo TS Huỳnh Thế Du cho rằng, tránh tình trạng tăng thuế mà thất thu, không khéo TP trở thành “vùng cao”, các hoạt động kinh tế chuyển sang địa phương khác.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch đề nghị thành phố chia các đề án thành 2 nhóm lớn: nhóm cơ chế tăng thu và tự chủ chi và nhóm cải cách hành chính. TS Trần Du Lịch lưu ý tăng thuế chưa chắc tăng thu và giảm thuế chưa chắc giảm thu.

Vì vậy TP phải nhìn tổng thể “khu rừng”, đừng xem tác động ngân sách ra sao. Đối với nhóm cải cách hành chính, TS Huỳnh Thế Du cho rằng phải làm sao giảm người, thu nhập tăng chứ tăng người, tăng thu nhập thì không được.

Ông Võ Văn Hoan cho biết, trong quá trình làm sẽ điều chỉnh, báo cáo lại HĐND TP, cái nào gộp chung được thì sẽ làm.

Tuy nhiên, nếu gộp chung các đề án lại thì khối lượng rất lớn trong khi thời gian rất ít, nhưng không gộp lại sẽ không có cái nhìn tổng thể. “Mục tiêu là không gộp để làm nhanh nhưng làm sao có cái nhìn tổng thể” – ông Hoan nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, qua ý kiến của các chuyên gia, có thể chia 9 đề án thành 3 nhóm vấn đề chính là nhóm cơ chế tài chính, ngân sách do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phụ trách.

Trong nhóm này sẽ có những đề tài nhánh cụ thể và sẽ mời một nhóm chuyên gia cùng chia sẻ, giúp cho thành phố.

Nhóm thứ 2 là phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính và nhóm thứ 3 là nhóm đầu tư, đất đai… Hai nhóm này sẽ do đích thân Chủ tịch Nguyễn Thành Phong phụ trách.

"Cố gắng đến ngày 15.1.2018 khi Nghị quyết 54 có hiệu lực, tất cả các nhóm phải chuẩn bị xong đề cương tính toán cụ thể và công bố một số nỗ lực như về tổ liên ngành đầu tư, quy trình BT…" - ông Phong nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại