Theo đó, dự kiến từ nay đến năm 2021, TPHCM sẽ bố trí khoảng 380 tỉ đồng để động viên cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo quá trình tinh giản biên chế.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đang đẩy mạnh việc sắp xếp lại cán bộ, tinh gọn tổ chức nhằm hướng đến một bộ máy với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc hiệu quả hơn, năng động hơn, đủ sức đáp ứng đòi hỏi mà Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TPHCM đặt ra.
Chi 380 tỉ đồng để động viên hơn 1.000 cán bộ tinh giản biên chế
Dự kiến trong kỳ họp HĐND TPHCM đang diễn ra sẽ xem xét tờ trình của UBND TPHCM về chính sách, chế độ hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định 108/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Theo đó, các đối tượng thuộc diện này gồm cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và quận, huyện thuộc đối tượng tinh giản biên chế đã được phê duyệt; cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý tự nguyện xin nghỉ công tác trước tuổi.
Theo tính toán của UBND TPHCM, tổng kinh phí hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc từ nay đến năm 2021 khoảng 1.062 người là khoảng 380 tỉ đồng.
UBND TP cũng cho rằng, với chính sách khuyến khích, động viên về vật chất thông qua việc trợ cấp thêm từ nguồn ngân sách TP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến độ tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức, bộ máy và biên chế của TP.
Ở một diễn biến khác, hiện nay, UBND TPHCM cũng đang xem xét giải thể, tinh gọn các ban chỉ đạo hoạt động không hiệu quả, chức năng nhiệm vụ chồng chéo nhau...
Cụ thể vừa qua, Sở Nội vụ thống kê sơ bộ TP có khoảng 200 ban chỉ đạo, tổ công tác, hội đồng (gọi tắt BCĐ)…
Nguyên nhân hình thành các BCĐ xuất phát từ thời điểm trước đây, khi muốn thực hiện việc gì có liên quan các sở, ngành cũng thành lập BCĐ.
Tuy nhiên trên thực tế có nhiều ban hoạt động không hiệu quả, có ban thành lập ra rồi không hoạt động; thậm chí, có ban đến vài chục người, dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc.
Theo ông Lê Hoài Trung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM - việc xem xét xóa bỏ bớt, tinh giản các BCĐ cũng nhằm tăng cường hiệu quả cho hoạt động của bộ máy hành chính…
Hiện Sở Nội vụ đang tổng hợp danh sách phân tích, đánh giá để báo cáo, đề xuất UBND TP.
Sẽ thay thế những cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc
Thống kê của TPHCM cho thấy, năng suất lao động của TPHCM so với bình quân cả nước gấp 2,9 lần; công chức, người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước tại TP có năng suất gấp rưỡi những nơi khác…
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn Luật sư TPHCM), không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức TPHCM đều làm việc với năng suất hiệu quả cao, mà có không ít người năng lực kém, làm việc làng nhàng chưa hiệu quả.
Do đó, việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại cán bộ cũng chính là cơ hội để thành phố đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không còn phù hợp, thay vào đó lựa chọn những cán bộ năng động, có năng lực và làm việc hiệu quả cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cũng như đòi hỏi mà Nghị quyết cơ chế đặc thù cho thành phố mà Quốc hội đề ra.
Tại các buổi làm việc của Đảng bộ, HĐND TPHCM mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt quan tâm đến công tác sắp xếp lại cán bộ, tổ chức bộ máy.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cơ chế đặc thù mà Quốc hội vừa thông qua tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức để thành phố triển khai trong 3 năm tới làm sao cho hiệu quả vì nếu không sẽ hết nhiệm kỳ.
Năm 2018 là năm bản lề phát triển kinh tế xã hội, thành phố phải thực hiện quyết liệt cơ chế, chính sách đặc thù nếu không sẽ thiếu sót với người dân cả nước. Năm đầu tiên không chuẩn bị tốt, không tăng gì thì không hiệu quả.
Bên cạnh nhiều công việc, giải pháp phải triển khai, thành phố cũng sẽ tập trung vào công tác cán bộ và tổ chức bộ máy, do đó đòi hỏi cán bộ phải năng động hơn.
Sắp tới, thành phố phải rà soát tình hình cán bộ khối chính quyền quản lý, để bố trí nhân sự cho đúng.
“Khi rà soát, nếu cán bộ làm việc chưa đạt hiệu quả, có nhắc nhở nhưng chưa đạt yêu cầu thì sắp xếp lại, để bộ máy hiệu quả hơn. Từ nay đến năm 2018 sẽ triển khai sắp xếp lại cán bộ một số nơi.
Trước hết là hệ thống chính quyền, làm sao để đủ sức đáp ứng đòi hỏi thực tiễn như Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TPHCM đã đề ra” - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Thậm chí, nếu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu công việc thì phải sẽ thay thế bằng những cán bộ có năng lực, tài, đức.
Cần mạnh dạn cho thôi việc những cán bộ yếu kém
Đại biểu HĐND TPHCM Cao Thanh Bình - Phó Ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM - cho rằng, TPHCM là một đô thị đặc biệt, cường độ công việc rất cao, có thể nói gấp mấy lần khối lượng công việc các địa phương khác.
Việc đầu tiên là sắp xếp, tinh giản bộ máy, đảm bảo hiệu quả ở từng bộ phận là rất cần thiết. Khi sắp xếp được, thành phố có thể cân đối được nguồn và có thể tăng thêm thu nhập cho cán bộ.
Từ đó, cán bộ có điều kiện tâm huyết làm việc hơn và chọn lọc ra những nhân tài.
Đặc biệt, thành phố cũng cần mạnh dạn cho thôi việc, khuyến khích vận động các đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ, chưa tích cực trong công tác chuyển ra làm công việc khác...
4 cam kết của TPHCM khi thực hiện cơ chế đặc thù
Duy trì mức tăng trưởng cao (trong 5 năm qua, thành phố đã tăng trưởng gấp 1,6 lần so với cả nước); mức đóng góp ngân sách của dân TPHCM gấp 3 lần bình quân của cả nước (năm 2016, TPHCM chỉ chiếm 9% tổng dân số nhưng đã đóng góp 28% cho tổng thu ngân sách cả nước); năng suất lao động của TPHCM phải cao (hiện năng suất lao động tại thành phố đang gấp 2,9 lần so với cả nước); không làm ảnh hưởng đến kế hoạch cân đối ngân sách trung hạn của cả nước.