Kiến nghị Chính phủ tăng mức xử phạt hành vi không đeo khẩu trang
Theo Chủ tịch TP.HCM, tinh thần là tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác. "Nếu lơi lỏng sẽ vỡ trận, xóa thành quả. Do đó, để kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân và có chiến thắng cuối cùng giai đoạn này, TP.HCM kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội với tinh thần quyết liệt, chủ động", Chủ tịch TP.HCM nói.
Cũng theo lãnh đạo TP.HCM, mặc dù đã đạt hiệu quả tốt trong phòng chống dịch Covid-19, hiện nay diễn tiến dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Gần đây xuất hiện trường hợp virus được ủ bệnh sau 14 ngày mới được phát hiện; một số ca Covid-19 khỏi bệnh lại tái dương tính... Từ đó, lãnh đạo TP.HCM tiếp tục đề nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian cách ly xã hội đến hết ngày 30.4.
Theo UBND TP.HCM, có 5 vấn đề lớn khi thành phố kiến nghị kéo dài cách ly xã hội:
Thứ 1, theo số liệu báo cáo của Bộ Thông tin - truyền thông đo lường sự đi lại của người dân khi thực hiện Chỉ thị 16, kết quả đạt được là đã giảm rõ rệt, cao nhất là ngày 2.4 và xu hướng tăng lên trở lại vào ngày 9.4.
Điều này cho thấy tâm lý chủ quan, lơ là đã xuất hiện. TP.HCM đề nghị Chính phủ nghiên cứu chiến lược bậc thang cho việc giãn cách xã hội, càng về sau càng thực hiện nghiêm ngặt, để đảm bảo công tác chống dịch Covid-19.
Thứ 2, nền tảng phòng chống dịch bệnh là việc đeo khẩu trang , tuy nhiên việc giãn cách xã hội thời gian dài có thể dẫn đến việc tuân thủ không chặt chẽ. Hơn nữa, hiện nay mức phạt đối với việc không đeo khẩu trang nơi công cộng còn thấp, tối đa là 300.000 đồng.
TP.HCM kiến nghị Chính phủ tăng mức xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng để đủ sức răn đe.
Thứ 3, các biện pháp cách ly người bệnh, cách ly kiểm dịch, khai báo y tế , giáo dục sức khỏe là những biện pháp ít gây tổn thương kinh tế. Tuy nhiên, thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân, và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, TP.HCM đề xuất Chính phủ xem xét việc mở dần một số hoạt động thiết yếu ít có nguy cơ lây nhiễm, đáp ứng bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.
Bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh phải được ban hành song song với việc cho phép mở cửa một số hoạt động thiết yếu, ít nguy cơ và giao chính quyền địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đóng cửa nếu không đảm bảo các tiêu chí.
Thứ 4, TP.HCM đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng mô hình các bệnh truyền nhiễm, mục tiêu để biết một người trong một ngày sẽ đến trung bình bao nhiêu nơi, gặp bao nhiêu người, tiếp xúc gần bao nhiêu người, khi thực hiện giãn cách xã hội thì giảm được bao nhiêu lần tiếp xúc… Từ đó xác định được biện pháp giãn cách xã hội tối ưu nhất và mạnh nhất để kiểm soát dịch bệnh
Thứ 5, theo Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện nay nhiều quốc gia phải hứng chịu sự bùng phát của làn sóng thứ 2 lây nhiễm Covid-19, mặc dù đã thực hiện cách ly xã hội. Do đó, khi dịch bệnh được kiểm soát, để phòng vệ tốt nhất sức khỏe người dân, TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ định một số sân bay trong nước tiếp nhận người Việt Nam từ vùng dịch trở về, đồng thời áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm hơn nữa, xét nghiệm lại sau 14 ngày cách ly.
Đường phố ở TP.HCM vào chiều ngày 15/4 vắng bóng người (Ảnh: N.X.P)
Ủng hộ, đồng lòng cùng chính phủ
Trước đó, từ ngày 14/4, người Sài Gòn đã "hồi hộp, nín thở" đợi chờ quyết định của Thủ tướng. Và đến khi Thủ tướng đã chấp thuận đề xuất của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia, cách ly xã hội đến ngày 22/4 đối với TP.HCM, thì thông tin này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân.
"2 ngày hôm nay, tôi cứ nghĩ là đến sau ngày 15/4, sẽ hết giãn cách xã hội. Khi đó, công việc kinh doanh sẽ trở lại như trước. Hôm qua, tôi còn sắp xếp lại bàn ghế, đồ đạc nấu ăn, để có thể mở bán vào ngày 16/4. Nhưng giờ biết thông tin này thì đành xếp lại, chờ hết cách ly xã hội mới kinh doanh", chị Hoàng Thị Bình, chủ quán cơm trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), cho biết.
Trường hợp chị Bình không phải ngoại lệ, nhiều người Sài Gòn cũng đã rơi vào cảnh nóng lòng chờ đợi quyết định của Thủ tướng chính phủ.
"Tôi có biết thông tin TP.HCM kiến nghị kéo dài cách ly xã hội. Tuy nhiên khi Thủ tướng chưa chấp thuận thì khả năng 50/50. Nhưng bây giờ, khi đã biết TP.HCM tiếp tục phải cách ly xã hội.
Thời gian cách ly có thể thay đổi, tuần sau Chính phủ sẽ họp, xem xét lại việc cách ly xã hội sẽ kéo dài đến 22/4, hay 30/4, tuỳ tình hình thực tế, thì tôi xác định mình tiếp tục phải dừng mọi hoạt động kinh doanh", anh Lê Việt Hà, nhà ở đường Phan Tây Hồ (Q.Phú Nhuận), đang kinh doanh xe đường dài, cho biết.
Đường phố Sài Gòn vắng bóng người trong quãng thời gian cách ly xã hội (Ảnh: N.X.P)
Mặc dù suy nghĩ "sẽ hết cách ly xã hội sau ngày 15/4" không thành hiện thực, tuy nhiên không vì thế mà người Sài Gòn cảm thấy thất vọng và buồn rầu.
"Cũng đã cách ly xã hội 15 ngày qua, nên mình cảm thấy việc nghỉ làm ở nhà cũng không có vấn đề gì, không còn bỡ ngỡ, và mình đón nhận thông tin TP.HCM phải cách ly xã hội đến ngày 22/4 với TP.HCM với tâm thế bình thường. Không có gì sốc hay ngạc nhiên cả", anh Hoàng Ngọc Bảo, nhà ở chung cư Lê Thành (Q.Bình Tân), nói.
Trao đổi với PV, nhiều người dân cho biết trong giai đoạn này, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, nên ủng hộ tuyệt đối và nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ.
Những quán cà phê vỉa hè cũng chỉ bán mang đi chứ không cho khách ngồi lại trong thời gian phải cách ly xã hội (Ảnh: N.X.P)
"Dù đại dịch Covid-19 khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng. Nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch, thì theo tôi, việc kéo dài thời gian giãn cách là hợp lý. Người dân chúng tôi sẽ đồng sức đồng lòng để cùng thành phố tiếp tục giãn cách xã hội, và chờ đến ngày thành phố thật sự an toàn, không còn người bị nhiễm Covid-19", anh Bảo nói thêm.