TP Huế trực thuộc Trung ương là 'quyết định mang tính lịch sử'

Luân Dũng |

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, việc Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương tại kỳ này là “quyết định mang tính lịch sử”, nhưng đi kèm với đó là những thách thức lớn.

Sáng 31/10, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, việc Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương tại kỳ này là “quyết định mang tính lịch sử”, để có thêm thành phố trực thuộc Trung ương rất đặc trưng, đặc thù.

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương: Bước ngoặt lịch sử và thách thức - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: PV

“Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã chín muồi, hội tụ đầy đủ yếu tố. Thành phố Huế có tiêu chí đặc thù là thành phố di sản cho nên áp dụng tiêu chuẩn thu nhập bình quân đầu người hằng tháng và số lượng đơn vị hành chính đô thị. Thừa Thiên Huế đã vượt 2 tiêu chí này và chỉ trong 1 - 2 năm nữa thành phố Huế sẽ đạt 5/5 tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương”, bà Trà nói.

Theo Bộ trưởng, đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có khát vọng, thể hiện ý chí mong đợi rất lâu và 15 năm nay kiên trì, kiên định, quyết tâm. Tuy vậy, những thách thức đối với thành phố Huế trực thuộc Trung ương cũng rất lớn.

Đơn cử, Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội… Việc thay đổi tư duy từ vùng nông thôn, nông nghiệp sang tư duy của một đô thị cũng "không phải chuyện ngày một, ngày hai”.

Vì vậy, theo Bộ trưởng, cần có giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Bộ trưởng cho biết, sẽ có đánh giá lại và sớm đề nghị Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố Huế. Đây là vấn đề không chỉ của riêng Huế mà cả Trung ương, cả nước phải quan tâm.

Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng (đoàn Ninh Thuận) cho biết, nhiệm kỳ XII, ông được làm đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế. Thời điểm đó, 20 giờ đã tối đèn, mưa rơi tí tách… "Lúc đó, nhiều con em lãnh đạo gửi về đó học, vì chỗ đó trẻ con rất ngoan. Thừa Thiên Huế gây ấn tượng rất đặc biệt”, ông Dũng kể và cho biết, Huế có rất nhiều di sản, cả hữu hình và vô hình. Sau một thời gian phát triển, một số cái đã mai một, phải tiếp tục bảo tồn và phát triển, nhưng vẫn phải giữ được nét xưa.

Từ thực tế ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới, ông Dũng cho rằng, không phải cứ thành phố nhiều dân, làm ra nhiều tiền của mới là thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố tuy ít dân nhưng cũng có thể là trung tâm đầu não do vị trí, địa điểm, nên thành phố đó thành trung tâm. “Huế rất xứng đáng thuộc thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Dũng nhận định.

Phát biểu về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện cả nước đã có 3 mô hình tổ chức chính quyền đô thị, gồm Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.

Việc tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng cơ bản thực hiện theo đúng mô hình của TPHCM, Đà Nẵng, tuy nhiên có một số khác biệt. “Chúng ta nên triệt để phân cấp. Quan điểm của Trung ương, Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tập trung phân cấp, phân quyền. Trong những nội dung này chúng ta thực hiện phân cấp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về thành phố Thủy Nguyên, Bộ trưởng cho biết, đây sẽ trở thành trung tâm hành chính mới và trung tâm kinh tế xã hội của Hải Phòng, tương lai sẽ là trung tâm logistics, dịch vụ, công nghệ để thay thế trung tâm hành chính hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại