Sở Xây dựng TPHCM vừa có báo cáo gửi UBND TPHCM về việc thực hiện, khó khăn, vướng mắc khi triển khai các nhiệm vụ được phân công theo Quyết định số 6012 về ban hành Kế hoạch thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Theo đó, Sở này cho rằng để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật cần được bố trí nguồn kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng khi thực hiện công tác thay thế toàn bộ đèn chiếu sáng hiện hữu thành đèn chiếu sáng LED và ngầm hóa hệ thống chiếu sáng đô thị hiện nay.
Cụ thể, để thay thế toàn bộ 103.374 bộ đèn cao áp HPS và 1.461 bộ đèn cao áp MH (Metal Halide) hiện hữu thành đèn chiếu sáng LED cần nguồn kinh phí (khái toán) khoảng 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để thay đèn HPS thành đèn chiếu sáng LED cần triển khai đồng bộ trên các trụ chiếu sáng thép nhúng kẽm hoặc trụ bê tông riêng (không phải trụ của các đơn vị điện lực)... thì nguồn kinh phí để triển khai khoảng 5.000 tỷ đồng.
Đề xuất trên của Sở Xây dựng được đưa ra sau một thời gian Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thực hiện triển khai nhiều giải pháp như: điều chỉnh thời gian tắt - mở đèn hợp lý theo tình hình khí hậu thời tiết thường xuyên, sử dụng tính năng tiết giảm công suất đối với các bộ đèn HPS có 2 chế độ công suất hoạt động theo khung giờ cố định, điều chỉnh thời gian hoạt động đèn chiếu sáng ở một số nhánh đèn trên các tuyến đường đặc biệt như Hoàng Sa, Trường Sa... thực hiện thay thế các đèn cao áp HPS, MH quá niên hạn sử dụng thành đèn chiếu sáng LED tiết kiệm điện...
Qua thực tế, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật nhận thấy, để thực hiện được nhiệm vụ "tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023 - 2025" thì giải pháp hiệu quả nhất là thay thế toàn bộ các đèn cao áp HPS, MH hiện hữu thành các đèn chiếu sáng LED. Các giải pháp như điều chỉnh thời gian tắt - mở đèn hợp lý, hoạt động theo khung giờ cố định có tiết kiệm nhưng không mang lại hiệu quả cao.
Với dân số hơn 9 triệu người hiện nay - cao nhất cả nước cộng với tỷ lệ đô thị hoá cao, dự kiến đến năm 2030 là 70 - 75% nên nhu cầu tiêu thụ điện năng tại TPHCM là vô cùng lớn, từ đó đặt ra bài toán về sử dụng điện, đảm bảo an toàn, ổn định trong việc cấp điện.
Từ thực tế trên, trước đó, vào ngày 29/12/2023, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 6012/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn TP giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.
UBND TPHCM đặt mục tiêu thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đưa chương trình tiết kiệm điện thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đồng thời nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sử dụng điện tiết kiệm trong mọi hoạt động của xã hội, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Cụ thể, giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, TPHCM phấn đấu hàng năm tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 3,5% vào năm 2025.
Đến năm 2030, phấn đấu có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà; đến hết năm 2025, phấn đấu 100% hệ thống chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.
Ngoài những mục tiêu dài hạn nêu trên, Tổng công ty Điện lực TPHCM vừa kêu gọi các khách hàng sử dụng điện duy trì thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện ngay trong năm 2024.
Thực tế, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 khiến việc sử dụng thiết bị làm mát tại TPHCM gia tăng, từ đó lượng điện tiêu thụ liên tục phá kỷ lục.
Theo thông báo của Tổng công ty Điện lực TPHCM, ngày 21/4, sản lượng điện tiêu thụ đạt 93,53 triệu kWh/ngày. Đến ngày 25/4, sản lượng điện tiêu thụ đạt 93,566 triệu kWh/ngày. Ngày 6/5 ghi nhận lượng điện tiêu thụ lên tới 94,802 triệu kWh, tăng gần 400.000 kWh so với đỉnh trước đó (ngày 5/5), đây là mức tiêu thụ điện cao nhất từ trước đến nay của TPHCM.
Do đó, ngày 9/5, điện lực TPHCM đã phát thông báo kêu gọi người dân, khách hàng sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm để góp phần cùng ngành điện cấp điện an toàn, ổn định.
UBND TPHCM cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc.