Toyota tuyên bố đi theo 1 công nghệ của Tesla, cục diện xe điện châu Á sắp biến động lớn?

Nhật Quỳnh |

Toyota thông báo sẽ trang bị cổng sạc NACS của Tesla. Nhiều thay đổi trong ngành xe có thể sẽ diễn ra sau đó.

XE TOYOTA DÙNG CỔNG SẠC TESLA

Hôm 19/10 vừa qua, Toyota đã ký một thỏa thuận với Tesla để sử dụng công nghệ sạc do hãng xe điện Mỹ này phát triển kể từ năm 2025.

Thực tế, Ford, General Motors hay Nissan là một vài trong số những hãng xe đã công bố sẽ áp dụng công nghệ sạc của Tesla trên xe của mình. Công nghệ sạc của Tesla thường được gọi với tên Chuẩn sạc Bắc Mỹ (North American Charging Standard - NACS). Tesla đã công bố toàn bộ bản thiết kế và quyền sử dụng cổng sạc này từ lâu, cho phép các hãng xe khác nghiên cứu và sử dụng.

Việc nhiều hãng xe tuyên bố trang bị cổng sạc NACS do Tesla phát triển trên xe cho thấy rằng nhiều khả năng, NACS sẽ sớm trở thành tiêu chuẩn sạc của toàn ngành trước công nghệ Combined Charging System (CCS) được đánh giá có phần kém hơn.

Toyota tuyên bố đi theo 1 công nghệ của Tesla, cục diện xe điện châu Á sắp biến động lớn? - Ảnh 1.

Đầu sạc theo chuẩn NACS của Tesla có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với chuẩn CCS.

Theo thông báo của Toyota, hãng xe Nhật Bản sẽ trang bị cổng sạc NACS trên một số mẫu Toyota và Lexus. Các chủ sở hữu xe điện Toyota và Lexus mà đang trang bị chuẩn sạc CCS cũng sẽ được cung cấp đầu chuyển đổi sang NACS, cũng sẽ bắt đầu từ năm 2025.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, chuẩn sạc NACS của Tesla đang là chuẩn sạc nhanh phổ biến nhất nước Mỹ khi chiếm khoảng 60%. Trong khi đó, chuẩn sạc CCS vẫn đang được sử dụng trên nhiều mẫu xe quốc tế, và cũng được coi là tiêu chuẩn ở một khu vực kinh tế lớn trên thế giới.

CỤC DIỆN XE ĐIỆN CHÂU Á SẮP BIẾN ĐỘNG?

Hiện tại, nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới không đưa ra quy định cụ thể về tiêu chuẩn đầu sạc cho xe điện. Nhiều quốc gia châu Á thường áp dụng các tiêu chuẩn giống tại Liên minh châu Âu.

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Điện hóa Nhật Bản, ông Kenichiro Wada, nhận định: "Khả năng NACS sẽ trở nên phổ biến ở châu Âu đã bắt đầu diễn ra".

Điều này sẽ dần khiến cho NACS trở nên phổ biến ở khu vực châu Á, nhưng sẽ không bao gồm Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định rằng châu Á, so với Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu, có tốc độ điện hóa giao thông chậm hơn.

Toyota tuyên bố đi theo 1 công nghệ của Tesla, cục diện xe điện châu Á sắp biến động lớn? - Ảnh 2.

Ông Kenichiro Wada nhận định thêm: "Thị trường châu Á ngoài Trung Quốc đang rất thoáng. Chuẩn CCS tương đối phổ biến, nhưng cũng có khả năng NACS sẽ hiện diện nhiều hơn trong tương lai".

Theo nhà phân tích thị trường tại đơn vị chuyên nghiên cứu Fourin, ông Hishashi Ando cho rằng NACS có thể trở nên phổ biến ở Đông Nam Á và Ấn Độ.

Điểm mạnh của công nghệ NACS nằm ở tính thuận tiện khi sử dụng. Giống như sạc điện thoại, người dùng chỉ cần cắm vào là xong - hệ thống sẽ tự động xác định phương tiện, tự sạc và tự thanh toán.

Như đã thông tin ở trên, với khoảng 12.000 trạm sạc Supercharger tại Bắc Mỹ, công nghệ sạc của Tesla đang là một thế lực mạnh. Cụ thể hơn, NACS chiếm hơn 60% tại Mỹ; nhưng theo nghiên cứu của Fourin năm ngoái thì tại châu Âu, NACS chỉ chiếm 11%, thua xa tỷ lệ 60% của chuẩn CCS và 30% của chuẩn CHAdeMo của Nhật. Tại Nhật, chuẩn CHAdeMO chiếm tới 96%.

Toyota tuyên bố đi theo 1 công nghệ của Tesla, cục diện xe điện châu Á sắp biến động lớn? - Ảnh 4.

Cổng sạc CHAdeMO (bên trái) trên Nissan Leaf.

Nissan là đơn vị sản xuất ra một trong những mẫu xe điện phổ biến nhất trên thế giới - Nissan Leaf. Nissan cũng chính là một trong những người giúp chuẩn sạc CHAdeMO trở nên phổ biến, và cũng đã tìm cách để đưa chuẩn sạc này trở thành tiêu chuẩn tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, chuẩn sạc NACS của Tesla rõ ràng vẫn đang vươn lên phía trước khi CHAdeMO không quá phổ biến tại Mỹ.

Hồi tháng 7, Nissan đã thông báo việc sử dụng chuẩn sạc NACS của Tesla cho xe bán ra tại khu vực Bắc Mỹ từ năm 2025; cùng với đó thì Honda cũng sẽ làm tương tự Nissan.

THẾ LỰC MỚI TỪ TRUNG QUỐC

Một điều ít được biết đến là những nhà phát triển CHAdeMO cũng đã làm việc với Trung Quốc để phát triển chuẩn sạc ChaoJi - được xem là chuẩn sạc của tương lai. Hiện tại, chuẩn sạc GB/T do Trung Quốc phát triển có thể được tìm thấy gần như toàn bộ trạm sạc tại quốc gia tỷ dân này.

Nếu như ChaoJi trở nên phổ biến tại Trung Quốc (thị trường xe điện lớn nhất thế giới), nhiều khả năng các nhà sản xuất xe cũng sẽ phải trang bị cổng sạc này trên xe. Tuy nhiên, liệu ChaoJi có trở thành cổng sạc tiêu chuẩn ở châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều thị trường quốc tế khác hay không thì vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Toyota tuyên bố đi theo 1 công nghệ của Tesla, cục diện xe điện châu Á sắp biến động lớn? - Ảnh 5.

Tesla cũng đã trang bị cổng sạc GB/T cho xe bán tại Trung Quốc.

Năm ngoái, Toyota bán được 2,1 triệu xe tại Mỹ, đứng sau thương hiệu đứng đầu là General Motors với 2,27 triệu xe. Tuy nhiên, theo Fourin thì Toyota chỉ bán được 1.200 chiếc xe điện, kém xa so với 456.000 chiếc của Tesla.

Toyota đã rất cố gắng để theo kịp sự phát triển chung của xe điện. Trong tháng này, nhà sản xuất Nhật Bản đã công bố hợp tác với LG Energy Solution để có nguồn cung ứng pin xe điện sản xuất tại Mỹ. Mục tiêu của Toyota trong năm 2026 là bán được 1,5 triệu chiếc xe điện, trong năm 2030 là 3,5 triệu chiếc.

Thực tế, Toyota và Tesla từng bắt tay nhau năm 2010, cho ra mẫu Toyota RAV4 2012 chạy điện, sử dụng pin của Tesla. Song, mẫu xe này lại không có được thành công như mong đợi khi chỉ bán được khoảng 2.500 chiếc. Sau đó, Toyota đã chuyển lại toàn bộ cổ phần trong doanh nghiệp đó cho Tesla vào năm 2016, khi Toyota và Tesla có những ưu tiên phát triển riêng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại