Tổ hợp Tor-M2 phóng đạn đánh chặn.
Lực lượng phòng không lục quân Nga tại Ukraine vừa công bố đoạn video ghi lại màn đánh chặn mẫu mực của tổ hợp Tor-M2 với mục tiêu là chiếc máy bay không người lái (UAV) Furia do quân đội Ukraine vận hành.
"Để tăng cường an toàn cho vũ khí và kíp trắc thủ, chúng tôi đã chọn chiến thuật tấn công 'đánh và chạy'. Sau khi khai hỏa, toàn bộ hệ thống nhanh chóng rời vị trí để tránh bị vũ khí đối phương phản công.
Tính đến nay, chiến thuật này đã phát huy tác dụng khi phần lớn đòn phản công của lực lượng Ukraine đã không thể tìm thấy Tor-M2 ở vị trí chúng vừa phóng đạn đánh chặn", một chỉ huy của Nga cho biết.
Theo RIA Novosti, không chỉ có chiến thuật tấn công đặc biệt, tính năng chiến đấu của Tor-M2 được giới quân sự đánh giá thuộc vị trí hàng đầu thế giới.
Ở trạng thái chiến đấu, tổ hợp chỉ mất 1 đến 3 giây để phản ứng với các mục tiêu bay, kể cả các mục tiêu bay thấp và có độ phản xạ radar thấp. Tor-M2 có thể theo dõi cùng lúc 144 mục tiêu ở phạm vi 32km và dẫn bắn vào 4 mục tiêu nguy hiểm nhất. Trong khi đó, kíp điều khiển chỉ có 2 người.
Cùng với đó, với các biến thể nâng cấp của đạn tên lửa 9M330 đã giúp khả năng chiến đấu của Tor-M2 có thể vươn xa. Đạn tên lửa này được thiết kế để ngăn chặn các vũ khí tấn công chiến thuật chính xác cao và UAV.
Hệ thống dẫn đường chính xác cao giúp Tor-M2 có thể tiêu diệt mỗi mục tiêu chỉ thị không quá 2 đạn tên lửa. Điều này giúp nâng cao đáng kể năng lực chiến đấu của từng xe phóng, cũng như của cả tổ hợp.
Mỗi xe phóng của Tor-M2 mang theo 16 đạn tên lửa chứa trong ống phóng kiêm khoang bảo quản. Phiên bản nâng cấp của đạn tên lửa 9M330 được đánh giá có tỷ lệ chính xác tới 97% và đạt tốc độ bay tới 1000m/giây, tương đương với Mach 3.
Một điểm đặc biệt nữa của Tor-M2 là khả năng phóng tên lửa khi hành tiến. Xe phóng Tor-M2 có thể phóng tên lửa khi đang di chuyển với vận tốc 40km/giờ. Đây là yếu tố quan trọng nâng cao khả năng sống sót của tổ hợp trong điều kiện tác chiến cơ động.
Phiên bản Tor-M2 cũng nổi tiếng ở thời gian triển khai và thu hồi ngắn (khoảng 3 phút). Hiện tại, không có tổ hợp vũ khí phòng không nào trên thế giới có thể làm được điều này.
Tuy nhiên, như bất kỳ loại vũ khí nào cũng cần được hoàn thiện và khẳng định qua thực chiến, trước khi tham chiến tại Ukraine, Tor-M2 cũng được thử lửa và hoàn thiện ở chiến trường Syria.
Tại quốc gia Cận Đông này, Tor-M2 được hoạt động trong hệ thống phòng không hợp nhất, kết hợp với các tổ hợp S-400, S-300V4 và Pantsir-S1.
Theo Tư lệnh Không quân-vũ trụ Nga, Thượng tướng Aleksandr Leonov, riêng trong năm 2020, các tổ hợp Tor-M2 tại Syria đã bắn hạ ít nhất 40 UAV của phiến quân tại Syria. Chính nhờ kết quả thử nghiệm ở Syria, Quân đội Nga đang phát triển biến thể hải quân của Tor-M2.
Tor-M2 đánh chặn thành công UAV của Ukraine.
Đánh giá về tổ hợp Tor-M2, Tư lệnh Lục quân Nga, Đại tướng Oleg Salyukov khẳng định, đây là dòng vũ khí phòng không hiệu quả nhất để đối phó với UAV trong tác chiến.
Để đối phó với chiến lược bầy đàn UAV, tổ hợp tên lửa Tor được nâng cấp và phát triển. Giám đốc Công ty cổ phần Kupol, Fanil Ziyatdinov cho biết, đơn vị đồng thời thực hiện hai phương án đối phó với chiến thuật sử dụng UAV bầy đàn.
Ở phương án đầu tiên, tổ hợp nâng cấp Tor-E2 với hệ thống điện tử mới đã được hoàn thiện vào cuối năm 2020. Phương án thứ 2 là phát triển thế hệ tên lửa đánh chặn tầm ngắn mới.
Những đạn tên lửa đánh chặn này sẽ nhỏ và rẻ hơn để mỗi xe phóng có thể mang được nhiều đạn tên lửa hơn và đối phó hiệu quả hơn với chiến lược sử dụng UAV mới.
Hãng thông tấn RIA tiết lộ, hiện nay, Tor-M2 với loại đạn mới này đang thực chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, không rõ số lượng được Moscow triển khai đến điểm nóng chiến sự này.