Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khi phải "mua bia kèm lạc"

Lê Tuấn |

Ngoài giá cước vận tải biển tăng đến mức không tưởng, các doanh nghiệp còn phải chịu cả khó khăn đến từ các hãng tàu.

Giá cước liên tục tăng phi mã

Năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu đường biển của Việt Nam đã phải chứng kiến cước vận tải tăng cao nhất từ trước tới nay. Tháng 3/2021, sự cố mắc kẹt gần bảy ngày tại kênh đào Suez của một trong những con tàu vận tải lớn nhất thế giới, Ever Given, đã gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cho hoạt động vận tải biển thế giới bởi Suez được coi là cánh cổng nối phương Đông và phương Tây, là huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu. 

Mới đây, việc dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại tại Trung Quốc và chính sách chống dịch “Zero Covid” của nước này dẫn đến hoạt động nhiều cảng biển tại đây bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải biển thế giới. 

Đỉnh điểm là vào tháng 7/2021, giá cước vận tải biển thế giới đạt mức 8.883 USD (tăng 339% so với cùng thời điểm năm 2020), kéo theo giá cước trung bình cho 1 container 20 feet hoặc 40 feet từ Việt Nam đi các nước Châu Âu, Châu Mỹ tăng gấp 5 đến 7 lần.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khi phải mua bia kèm lạc  - Ảnh 2.

Giá vận chuyển đường biển từ Việt Nam đi thị trường Âu- Mỹ tăng đến 7 lần

Chưa dừng lại ở đó, sang năm 2022, giá cước vận tải biển vẫn tiếp tục leo thang. Theo bản tin tuần thương mại thủy sản số 14-2022 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến ngày 22/4/2022, giá cước đi tuyến Châu Á như Thái Lan (cảng Bangkok, Laem Chabang) là từ 1.600 - 2.500 USD/cont tùy hãng. 

Philippines (Davao, Cebu, General Santos) dao động 4.000 - 5.300 USD/cont. Đi các cảng bờ Tây dao động từ 12.000 - 14.000 USD/cont, đi bờ Đông như (Baltimore,Miami,  New Orleans, Houston...) dao động ở mức cao từ 19.000 - 22.000.

Các doanh nghiệp vận tải đều rục rịch lên phương án tăng giá mới. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa ra thông báo, do giá xăng dầu liên tục tăng khiến chi phí đầu vào nhiên liệu, giá cước vận chuyển, xếp dỡ tại các cảng và ICD đều tăng nên từ ngày 1/4 đơn vị cũng điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái - Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các ICD liên kết... Mức tăng dự kiến từ 10 - 30% so với đơn giá được duy trì từ năm 2019.

Còn theo khảo sát của phóng viên Người Đưa Tin về giá cước vận tải tại Công ty TNHH Yang Ming Shipping (Việt Nam), theo thông báo ban hành ngày 16/3/2022 của đơn vị này, mức tăng cước từ tháng 2/2022 thậm chí gấp 6 lần so với tháng 1. 

Có thể thấy, giá cước vận tải container khô (20DC) cho tuyến Việt Nam- Kaohsiung (Đài Loan) vào tháng 1/2022 chỉ 500 USD nhưng đến tháng 2 đã vọt lên mức 1.500 USD, tăng gấp 3 lần. Còn đối với container lạnh mức giá tăng từ 1.550 lên 6.550 USD.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khi phải mua bia kèm lạc  - Ảnh 3.

Giá cước vận tải từ tháng 2/2022 của Công ty TNHH Yang Ming Shipping (Việt Nam)


Tháng 3/2022 hãng tàu ONE cũng ra thông báo tăng giá cước dịch vụ vận tải biển, giá cước đi Châu Âu cho mỗi container 20 feet sẽ tăng từ 800 - 1.000USD. Hiện, giá cước chặng này khoảng 7.300USD.

Bên cạnh đó, tình trạng hủy đơn hàng của các hãng tàu không còn là chuyện hiếm. Bà Tạ Thị Vân Hà, chuyên gia thị trường của VASEP giải thích với Người Đưa Tin: “Gần tới ngày kéo container thì đại lý (Forwarder), hãng tàu sẽ báo với chủ hàng hết hoặc thiếu container khiến doanh nghiệp phải đôn đáo chạy tìm các bên khác với giá cước đã được nâng lên hoặc cao hơn thì vẫn còn. Hiện tượng “làm giá” hoặc cố tình “găm hàng” này khiến cho các chủ hàng buộc phải “móc túi” trả thêm cho bên khác có khi tới cả ngàn USD để lấy được đơn hàng (booking)”.

Cái vòng tròn luẩn quẩn, booking được chỗ nhưng chưa chắc đã có container, có container rồi chưa chắc hạ được container, container hạ rồi chưa chắc tàu đã chạy… đang khiến nhiều doanh nghiệp khốn khổ.

Rất nhiều lý do được các hãng tàu đưa ra về việc tăng giá cước như, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hỗn loạn chuỗi cung ứng container, các hãng tàu thiếu nhân lực, thiếu container trong khi hàng hóa vận chuyển đường biển phục hồi. 

Chiến sự tại Ukraine, quốc gia đóng vai trò trung chuyển giữa hai lục địa Âu- Á, đè nặng lên giao thông đường biển… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cay đắng nhận xét, tất cả những lý do này là để hợp lý hóa cho việc “làm giá”, “găm hàng”, phát sinh thêm những “chi phí mềm”.

Đã “khốn” còn thêm “khổ”

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngoài giá cước tăng cao, các doanh nghiệp thủy sản còn phải gánh chịu nhiều chi phí vô lý đến từ các hãng tàu như, phụ phí 30-50 USD cho việc khai báo trọng tải hàng hóa, trong khi đó, theo quy định, không hề mất chi phí cho việc này. 

Tình trạng thiếu container vận chuyển hoặc hủy đơn hàng từ hãng tàu vì lý do bên khác trả giá cao hơn cũng khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn ở thế bị động trong việc xuất khẩu hàng hóa.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khi phải mua bia kèm lạc  - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)


Chia sẻ với Người Đưa Tin ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) bức xúc: “Ngoài chịu giá cước vận tải biển tăng cao đến mức vô lý, hiện nay doanh nghiệp chũng tôi còn phải chịu thêm các chi phí hậu cần khác cũng theo đà tăng như phí kho bãi, giao nhận, vận tải đường bộ…thậm chí cả “phí lót tay” nếu muốn hạ container sớm hơn mỗi khi kẹt cảng”.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khi phải mua bia kèm lạc  - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long)


Tất cả đã khiến doanh nghiệp Việt Nam lao đao vì gánh nặng chi phí sản xuất, nhiều đơn vị phải đối mặt với quyết định khó khăn, chấp nhận chịu chi phí xuất khẩu cao hay không vận chuyển chịu đánh mất thị trường.

Bất kỳ sự gia tăng thêm chi phí nào cho doanh nghiệp vào thời điểm này sẽ làm phức tạp thêm vấn đề, thêm áp lực chi phí trực tiếp lên hàng hóa xuất khẩu. Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, đến nay, hiện giá cước vận tải biển còn cao hơn mức đỉnh này của năm ngoái.

Cái khó hơn nữa là việc đặt container (cont), mức độ khó tùy từng tuyến, từng hãng. Theo như phản ánh của nhiều doanh nghiệp, nhiều container hàng dù đã sản xuất xong nhưng gần 2 tháng sau mới có thể đặt được chỗ khiến chi phí lưu kho, bến bãi, bốc dỡ…trở thành một gánh nặng mới cho các đơn vị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại