Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 đạt 34,71 tỷ USD. Quy mô hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong tháng này tăng tới 11,3 tỷ USD so với tháng trước, với mức tăng lớn từ nhóm hàng điện thoại, linh kiện (tăng 2,7 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện (tăng 1,47 tỷ USD) và một số nhóm hàng khác.
Quý I/2022, tổng trị giá xuất khẩu cả nước tăng 13,4%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là một trong những mặt hàng đóng góp lớn với mức tăng 1,22 tỷ USD.
Thống kê cụ thể cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng điện thoại và linh kiện trong tháng 3 đạt trị giá 6,54 tỷ USD, tăng tới 70,3% so với tháng trước. Tính trong quý I/2022, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 14,88 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý I/2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 3,68 tỷ USD, tăng 14,4%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 2,81 tỷ USD, tăng 13,2%; sang thị trường EU đạt 1,7 tỷ USD, giảm 16,6%; sang Hàn Quốc đạt 1,45 tỷ USD, tăng 35,7%... so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 3, nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trị giá xuất khẩu 5,31 tỷ USD, tăng 38,4% so với tháng 2, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2022 đạt 13,24 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Quý I/2022, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Mỹ đạt 3,31 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; sang Trung Quốc đạt gần 3 tỷ USD, tăng 10,1%; sang EU đạt 1,85 tỷ USD, tăng 18,5%. Xuất khẩu nhóm hàng này sang một số thị trường như Hồng Kông, Hàn Quốc giảm nhẹ.
Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam qua từng năm. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện từ năm 2010 chỉ đạt 2,3 tỷ USD. Năm 2015, giá trị xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt tới 30,2 tỷ USD.
Từ năm 2015 đến 2016, giá trị xuất khẩu mặt hàng này là 34,5 tỷ USD, tăng 14,2%. Năm 2017, giá trị xuất khẩu là 45,6 tỷ USD, tăng 32,1%. Năm 2019, đạt 51,4 tỷ USD, tăng 3,8% và mức tăng lên tới con số 51,2% trong năm 2020.
Nếu như năm 2010, xuất khẩu điện thoại và linh kiện mới chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 chiếm 18,7% và luôn duy trì mức trên dưới 20%. Năm 2021, xuất khẩu điện thoại và linh kiện dẫn đầu với kim ngạch 57,53 tỷ USD, tăng 12,41% so với năm 2020 và chiếm trên 17,11% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Theo các chuyên gia, cần có kế hoạch phát triển dài hạn, xem xét ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp; hỗ trợ cho các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện những giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ICT, công nghệ số Việt Nam, năm 2021, Bộ TT&TT xây dựng Dự thảo Báo cáo nghiên cứu đề xuất Luật Công nghiệp công nghệ số. Các điều luật sẽ được xây dựng linh hoạt, mềm dẻo để theo kịp thực tiễn và xu hướng phát triển; tạo môi trường thuận lợi nhằm phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số. Đồng thời, quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong thực thi chính sách thúc đẩy phát triển ngành. Dự kiến, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ trình Quốc hội trong năm 2023.