Tổng tuyển cử Nga: Tỷ lệ ủng hộ vượt mốc 80%, 'tuyệt chiêu' tranh cử của ông Putin gây chú ý

Hữu Hiển |

Nước Nga đang tất bật chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 17/3. Đây cũng sẽ là điểm nhấn đầu tiên của "năm siêu bầu cử" toàn cầu 2024.

Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), trong một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Công chúng Nga thực hiện vào ngày 8/2, 62% số người được hỏi cho biết họ chắc chắn sẽ tham gia bỏ phiếu, 14% cho biết họ có thể tham gia bỏ phiếu, 4% cho biết họ có thể không bỏ phiếu, và 7% cho biết họ chắc chắn sẽ không bỏ phiếu.

Còn theo kết quả của cuộc khảo sát do Viện Tiếp thị Xã hội Nga công bố vào ngày 11/3, 80,2% số người được hỏi cho biết sẽ ủng hộ đương kim Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc tổng tuyển cử; 6,3% ủng hộ ông Nikolai Kharitonov - ứng cử viên của Đảng Cộng sản Liên bang Nga; 5,6% ủng hộ ông Leonid Slutsky - ứng cử viên của Đảng cánh hữu Dân chủ Tự do Nga; và 5,1% ủng hộ ông Vladislav Davankov - ứng cử viên của Đảng Những Người Mới.

Ba ứng cử viên cạnh tranh với ông Putin

Ngày 8/2, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga đã công bố danh sách các ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra.

Tổng tuyển cử Nga: Tỷ lệ ủng hộ vượt mốc 80%, 'tuyệt chiêu' tranh cử của ông Putin gây chú ý- Ảnh 1.

Các ứng viên tổng thống Nga (từ trái sang, từ trên xuống): Vladimir Putin, Vladislav Davankov, Leonid Slutsky và Nikolai Kharitonov. Ảnh: AFP

Cùng ngày, hãng thông tấn TASS (Nga) đã giới thiệu và so sánh nhiều khía cạnh khác nhau của 4 ứng cử viên tổng thống.

Xét về độ tuổi, ông Kharitonov 76 tuổi là người nhiều tuổi nhất, ông Putin 72 tuổi, ông Slutsky 56 tuổi, còn người trẻ nhất là ông Davankov mới bước sang tuổi 40.

Về trình độ học vấn, cả 4 ứng cử viên đều có trình độ học vấn cao: hai ông Putin và Kharitonov là phó tiến sĩ kinh tế, ông Davankov là phó tiến sĩ xã hội học, còn ông Slutsky là tiến sĩ kinh tế.

Xét về kinh nghiệm tranh cử, hai trong số bốn ứng cử viên tổng thống Nga từng tham gia tranh cử. Ông Putin đã bốn lần tranh cử tổng thống, còn ông Kharitonov đã tranh cử tổng thống một lần vào năm 2004. Hai ông Slutsky và Davankov lần đầu tiên là ứng cử viên trong năm nay.

Xét về chức vụ, ngoại trừ Tổng thống Nga Putin, ba ứng cử viên còn lại đều là thành viên Duma Quốc gia (Hạ viện Nga): Ông Davankov là Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga; ông Slutsky là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga; còn ông Kharitonov là Chủ tịch Ủy ban về phát triển Vùng Viễn Đông và Bắc Cực của Duma Quốc gia Nga.

Về tài sản, theo thông tin thu nhập từ năm 2017 đến năm 2023 do bốn ứng cử viên khai báo, ông Davankov là người có thu nhập cao nhất, thu nhập của ông trong thời gian đó là khoảng 76,91 triệu rúp (847.000 USD) và thu nhập của vợ ông là 810.000 rúp (8.900 USD); người có thu nhập thấp nhất là ông Slutsky, với thu nhập khoảng 35,98 triệu rúp (396.000 USD) và thu nhập của vợ ông là 29,16 triệu rúp (321.000 USD).

Ông Putin có số tiền gửi ngân hàng nhiều nhất, khoảng 54,41 triệu rúp (599.000 USD); còn ông Slutsky có số tiền gửi ít nhất, chỉ 1.285 rúp (hơn 14 USD). Tuy nhiên, ông Slutsky sở hữu nhiều bất động sản nhất với tổng cộng 7 bất động sản; còn ông Putin có ít bất động sản nhất, chỉ có 1 căn hộ và 1 chỗ đỗ xe ở thành phố St. Petersburg.

Các thế lực trên chính trường Nga ngày nay

Hứa Xương Chí - Phó tổng thư ký Nhóm nghiên cứu hợp tác cao cấp Trung-Nga thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và là nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển xã hội Á-Âu thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc – cho biết, theo phương pháp phân loại truyền thống, trên chính trường Liên bang Nga hiện nay có thể phân thành một số lực lượng bao gồm:

- Đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, đại diện cho các lực lượng trung hữu truyền thống;

- Đảng Cộng sản Nga Liên bang Nga và Đảng Nước Nga Công bằng thuộc phe trung tả;

- Đảng Dân chủ Tự do đại diện cho các lực lượng cực hữu;

- Đảng Những Người Mới vừa thành lập, cũng là một đảng trung hữu, nhưng khác với các lực lượng trung hữu truyền thống do Đảng Nước Nga Thống nhất đại diện, Đảng Những Người Mới chủ yếu đại diện cho giới trẻ cánh hữu trung dung.

"Điều đáng chú ý là, không kể ông Putin, 3 ứng cử viên tổng thống còn lại đều bị Mỹ và các nước phương Tây trừng phạt vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Điều này chứng tỏ, ở một góc độ khác, họ có cùng lập trường với ông Putin về các chính sách lớn của quốc gia về đối nội và đối ngoại", ông Hứa nói.

Tổng tuyển cử Nga: Tỷ lệ ủng hộ vượt mốc 80%, 'tuyệt chiêu' tranh cử của ông Putin gây chú ý- Ảnh 3.

Kể từ khi trở thành quyền Tổng thống Nga vào ngày 31/12/1999 và nhậm chức Tổng thống vào ngày 7/5/2000, ông Putin đã nắm quyền được 24 năm. Ảnh: Reuters

Ông Putin tranh cử với tư cách ứng viên độc lập

Theo trang Chao News (Trung Quốc), cuộc bầu cử năm 2024 ở Nga có bối cảnh rất đặc biệt khi là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên được tổ chức giữa một chiến dịch quân sự sau khi Liên Xô sụp đổ.

Nhà nghiên cứu Hứa Xương Chí cho biết, mục tiêu hiện tại mà Văn phòng Tổng thống Nga đặt ra là về cơ bản duy trì tỷ lệ phiếu bầu và tỷ lệ cử tri đi bầu như cuộc bầu cử tổng thống năm 2018. Vào năm 2018, ông Putin đã nhận được 76,69% số phiếu bầu và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 67,54%.

Điều đáng chú ý là trong cuộc bầu cử năm nay, ông Putin tiếp tục không tranh cử với tư cách là ứng cử viên do Đảng Nước Nga Thống nhất đề cử mà là một ứng cử viên độc lập. Đây là lần thứ hai ông Putin tranh cử với tư cách này, sau lần đầu tiên vào năm 2018.

Chuyên gia Hứa nhận định, không đại diện cho đảng phái nào ra tranh cử là một "tuyệt chiêu" của ông Putin để có thể thu hút cử tri bên ngoài Đảng Nước Nga Thống Nhất và tạo ra một hình ảnh chính trị rằng "ông Putin là tổng thống của toàn thể công dân Nga".

"Trong hoàn cảnh như vậy, việc ông Putin tham gia tranh cử tổng thống lần này không phân chia hệ tư tưởng theo cánh tả, trung, hữu truyền thống, mà nhấn mạnh vào đường lối bảo thủ. Ông Putin nhấn mạnh Nga là đất nước độc đáo, văn minh, khác biệt với các nước khác và ông Putin là người bảo vệ các giá trị truyền thống của Nga", chuyên gia Hứa phân tích về chiến lược tranh cử của ông Putin.

Cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến 17/3, cử tri có thể bỏ phiếu theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự kiến, kết quả bỏ phiếu sơ bộ sẽ được công bố vào ngày 18/3 và kết quả chính thức được công bố trước ngày 28/3.

Nếu không có ứng cử viên nào giành được hơn một nửa số phiếu bầu ở vòng đầu tiên, vòng hai sẽ được tổ chức vào ngày 7/4 với sự tham gia của hai ứng viên có số phiếu cao nhất. Người chiến thắng sẽ nhậm chức vào ngày 7/5.

Nếu ông Putin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới thì đây sẽ là nhiệm kỳ tổng thống Nga thứ 5 của ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại