Tổng thư ký QH nói về ý kiến xem xét tư cách ĐBQH ông Võ Kim Cự

Hoàng Đan |

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nói rõ về việc ông Võ Kim Cự trở thành thành viên của Ủy ban Kinh tế QH cũng như ý kiến xem xét tư cách ĐBQH của vị này.

Sau 8 ngày làm việc, chiều 19/7, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 đã chính thức bế mạc, phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ:

Tại kỳ họp này, với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực.

Sau phiên bế mạc, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã tổ chức cuộc họp báo

Báo Tuổi trẻ: Trước kỳ họp, Chính phủ có thông tin là sẽ báo cáo rơi máy bay Su-30Mk2 và Casa-212 nhưng sau đó không có, xin Tổng thư ký cho biết rõ?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Về vụ việc này đã rõ, nguyên nhân liên quan đến hộp đen. 

Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã chuyển sang hãng để mở nhưng đến giờ chưa có kết quả và vừa qua trong báo cáo cũng đã đề cập đến vấn đề này.

PV Báo Lao động: Gần đây, dư luận rất quan tâm đến trách nhiệm của ông Cự về việc cấp phép 70 năm cho Formosa, nhưng, ông lại được tham gia vào UB Kinh tế của Quốc hội?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Vừa qua, ĐB Võ Kim Cự được tham gia vào Ủy ban Kinh tế, đây là 2 việc khác nhau. Theo điều 30 của Luật tổ chức QH, đại biểu có quyền đăng ký vào các ủy ban của Quốc hội.

Ông Cự là cử nhân tài chính ngân sách, với bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh nên tham gia UB Kinh tế là phù hợp.

Còn việc ông Cự, nguyên là Bí thư, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh có xảy ra việc cho Formosa thuê đất 70 năm thì Thanh tra CP đã làm rõ là không đúng thẩm quyền của địa phương và ông Cự đã nhận trách nhiệm.

Sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch đầu tư cùng các cơ quan vào xem xét, đồng thời, thấy việc cấp phép đó là đủ điều kiện.

Việc giao cho Ủy ban KH,CN và MT giám sát Formosa thì có phải coi nhẹ vấn đề này không?

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm VPQH: Như Tổng thư ký đã nói, ĐBQH và QH rất quan tâm đến sự cố môi trường do Formosa gây ra. Căn cứ vào yêu cầu chung, QH đã chọn 2 chuyên đề giám sát

Riêng vấn đề biển môi trường miền Trung, QH đã giao cho Ủy ban KH, CN và MT tiến hành giám sát. Ở đây, không thể đặt vấn đề, QH không coi trọng, xem nhẹ sự việc này, nội dung này. 

Theo quy định của Luật giám sát thì giám sát QH có 5 cấp độ. Quốc hội giám sát tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và giám sát của các ĐBQH.

5 cấp độ giám sát này tạo thành hoạt động giám sát QH và hoạt động nào cũng có địa vị pháp lý của từng cấp độ đó. Hơn nữa trên cơ sở giám sát của Ủy ban KH, CN và MT thì Quốc hội sẽ xem xét, có chủ trương.

PV Báo đại biểu nhân dân: Trường hợp ông Võ Kim Cự vào Ủy ban Kinh tế có gây ảnh hưởng đến việc giám sát Formosa không khi ông này vừa là thành viên ủy ban, vừa từng là lãnh đạo Hà Tĩnh, ký cho Formosa?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Trường hợp với ông Cự là thành viên Ủy ban Kinh tế, liên quan đến vấn đề môi trường thì QH đã giao cho Ủy ban KH, CN và MT tiến hành giám sát.

Tới đây có vấn đề kinh tế thì Quốc hội sẽ giao cho các Ủy ban liên quan mà ở đây là Ủy ban Kinh tế giám sát.

Ủy ban kinh tế sẽ phân công nhiều thành phần nhưng chắc chắn không có ông Cự tham gia để đảm bảo khách quan.

PV Báo Tổ quốc: Trước sai phạm của Formosa có ý kiến đề nghị xem xét tư cách ĐBQH của ông Cự vì đã ký 70 năm cho Formosa?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Việc cấp phép 70 năm cho Formosa thì tôi đã giải thích nên không có cơ sở để xem xét về tư cách ĐBQH.

Sau này, quá trình các cơ quan xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thì chúng ta mới có thể xem xét.

Về báo cáo của Chính phủ về ô nhiễm môi trường 4 tỉnh miền Trung, báo cáo khá đầy đủ, đánh giá rõ việc đầu tư, thầm tra, quản lý, khai thác dầu tư, tác động môi trường, hậu quả thế nào, xác định nguyên nhân ra sao...

Nhà thầu đã phải cúi đầu nhận lỗi, đền bù 500 triệu USD, là mức cao nhất từ trước đến nay trên thế giới..

PV Vietnamnet: Quốc hội đã giao cho UB KH, CN và MT Quốc hội đi giám sát, việc giám sát liệu có đưa ra kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân hay không? Có đảm bảo khách quan, công bằng khi cá nhân liên quan lại là một ĐBQH?

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm VPQH: Các Ủy ban QH đều là cơ quan chuyên môn của QH, có đầy đủ chức năng như thẩm tra, tổ chức giám sát, tham gia giám sát và quyết định vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.

Việc giao cho một Uỷ ban giám sát hoàn toàn có thể tin tưởng được hiệu quả của hoạt động giám sát này. Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội sẽ xem xét, có chỉ đạo và quyết định nếu thấy cần thiết. 

Hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung và các Uỷ ban nói riêng cần có sự hỗ trợ của báo chí, dư luận cả tri cả nước, tiếp tục nhận được sự đồng hành, ủng hộ của báo chí, dư luận, cử tri.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại