Chiều 14/6, trả lời phỏng vấn trong buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội khẳng định không đồng tình với đề nghị của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng thu 'phí chia tay' 3-5 USD.
"Đại biểu phát biểu, cơ quan soạn thảo tiếp thu và sẽ có trao đổi. Còn có đưa ra Quốc hội hay không sẽ giải trình sau. Cá nhân tôi, tôi không đồng tình. Không thể thu thêm bất cứ loại phí nào nữa lên người dân".
Liên quan đến Luật phòng chống tác hại rượu, bia, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong quá trình soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án để xin ý kiến đại biểu.
Trong đó, phương án 1 thể hiện quan điểm mạnh mẽ, cấm tuyệt đối việc lái xe khi đã uống rượu bia, còn phương án 2 là xử phạt theo luật định. Tuy nhiên, do giải thích chưa rõ, nên đại biểu không hiểu hết nội dung xin ý kiến, dẫn đến cả hai phương án đều không quá bán.
Sau đó, tại các buổi họp đoàn, họp tổ, các đại biểu được giải thích rõ ràng hơn nên kết quả biểu quyết hôm nay tán thành cho quy định "Đã uống rượu, bia thì không lái xe" vào Luật, đồng thời, thông qua toàn bộ Luật phòng chống tác hại rượu, bia.
Trước đó, trả lời phỏng vấn VTC News, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi bày tỏ sự vui mừng khi Luật phòng chống tác hại rượu, bia được Quốc hội bỏ phiếu thông qua.
Video: Ông Bùi Sỹ Lợi vui mừng vì Luật phòng chống tác hại rượu, bia được thông qua
Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm, trước khi làm bộ luật này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã gửi toàn bộ dự thảo này cho WTO và được WTO trả lời đầy đủ. Do có nhiều điều khoản trong Luật phòng chống tác hại rượu, bia liên quan đến nhiều luật khác nên Uỷ ban phải tính toán để đồng bộ lại.
Do đó, ông đánh giá rất cao quyết tâm chính trị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như kênh truyền thông báo chí đã giúp sức để quy định "Đã uống rượu bia thì không lái xe" cũng như cả Luật sẽ thành hiện thực vào tháng 1/2020.
Tới đây, Chính phủ sẽ họp, khẩn trương bổ sung, tăng nặng chế tài với các lái xe sử dụng rượu bia, ma tuý khi điều khiển phương tiện giao thông.
Trước câu hỏi, liệu tới đây Quốc hội có nghiên cứu xây dựng luật về vận động hành lang, Phó tổng thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết hiện nay chưa có kiến nghị, đề nghị nào cần có dự án luật này. Nếu có đề nghị, kiến nghị, các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét sau.