Đề xuất thu "phí chia tay": Nếu muốn học Nhật Bản thì chỉ nên thu 0,9 USD

Thanh Tú |

Giám đốc Công ty Lữ hành Phương Đông nói với Đất Việt, Nhật có nền kinh tế phát triển hơn, thu nhập bình quân trên đầu người cao hơn nhiều, nên học theo họ là không thể.

Khi lý giải rõ hơn về đề xuất thu "phí chia tay", ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch) hôm nay cho biết bên hành lang Quốc hội, mong muốn chính của ông là đưa phí này vào luật nhằm làm rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của công dân và của cơ quan chức năng ở nước ngoài trong bảo vệ công dân VN khi ở nước ngoài.

Theo ông, khoản phí này không nhiều và nếu có thì nếu có sẽ là sự đóng góp để chung tay quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Ngoài ra, đề xuất thu "phí chia tay" nhằm mong muốn cơ quan xuất nhập cảnh cải thiện tốt hơn về kỹ thuật, thái độ phục vụ, từ đó việc xuất nhập cảnh của công dân được thuận tiện nhất.

Trước đó một ngày, khi đưa ra đề xuất thu "phí chia tay" với công dân xuất cảnh, đại biểu Hưng dẫn chứng việc Nhật Bản thu phí chia tay hay gọi là phí du lịch là 1000 yên/người, tương đương khoảng 9,3 USD. Sau đó ông ví dụ mức thu theo đề xuất có thể là 3-5 USD với mỗi một người xuất cảnh.

Quanh đề xuất đang được dư luận đặc biệt quan tâm này, ông Phạm Thành Đông (Giám đốc Công ty Lữ hành Phương Đông) khi trao đổi với báo Đất Việt cho rằng, đối tượng áp dụng thu "phí chia tay" có thể sẽ là điều gây tranh cãi nhất.

Ông Đông nêu, trong các đối tượng xuất cảnh có cán bộ công chức ra nước ngoài, người đi du lịch, người đi xuất khẩu lao động, doanh nhân đi làm ăn... Giả sử với mức thu phí chia tay đề ra, với doanh nhân và người đi du lịch là nhỏ, nhưng với người đi xuất khẩu lao động mà có hoàn cảnh khó khăn lại là điều bất hợp lý.

Chưa kể, ông Đông thắc mắc, nếu cán bộ đi công chức đi công tác thì liệu có phải nộp phí này không, lấy tiền túi hay tiền ngân sách?

Giám đốc Công ty Lữ hành Phương Đông nói với nguồn trên, Nhật Bản có nền kinh tế phát triển hơn nước ta, thu nhập bình quân trên đầu người cao hơn nhiều so với ta, nên việc học theo Nhật để thu "phí chia tay" là không thể. Ông nêu, năm 2018, nước Nhật có thu nhập bình quân trên đầu người là hơn 30.000 USD/người.

Con số của nước ta mà ông đưa ra thấp hơn khoảng 10 lần.

"Nếu muốn học hỏi Nhật Bản thì tính theo con số thu nhập bình quân trên đầu người, chỉ nên thu 0,9 USD phí chia tay/lần xuất cảnh", Đất Việt dẫn lời ông Phạm Thành Đông.

Chia sẻ trên VietnamFinance thuộc Tạp chí Nhà đầu tư, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho rằng đề xuất của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng không hợp lý.

"Rõ ràng là không hợp lý. Vì phí chia tay (tức phí xuất cảnh) chỉ áp dụng trong trường hợp nhà nước muốn hạn chế việc tự do đi lại, tự do xuất cảnh, tự do giao lưu hội nhập, buôn bán với thế giới của người dân.Mình đang trong thời kì hội nhập, đang muốn thúc đẩy giao lưu, hợp tác với nước ngoài mà lại đi áp dụng phí đấy là sao?", TS Thế Anh nói với VietnamFinance.

TS Phạm Thế Anh không đồng tình với lý giải cho rằng thu phí để cán bộ làm công việc xuất nhập cảnh tươi cười, phục vụ tốt hơn, bởi họ đã nhận lương để hoàn thành nhiệm vụ. Về vấn đề hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài, theo ông, không có phí này thì Nhà nước vẫn phải bảo hộ công dân của mình.

Ông cũng phản bác lý do thu phí để hỗ trợ phát triển du lịch và nêu vấn đề "muốn phát triển du lịch, phát triển hạ tầng trong nước để hút khách du lịch thì phải thu phí người đến tham quan chứ sao lại thu của người xuất cảnh?".

Cũng theo TS Anh, nếu dẫn chứng từ việc thu phí của Nhật Bản thì phải nói rõ họ thu để làm gì và so sánh hết trong du lịch, trong xuất nhập cảnh, người dân của họ được lợi ích gì.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại